Vùng quê điêu đứng vì lãi suất “cắt cổ” tín dụng đen

24/05/2011 06:35
(GDVN) - Với lãi suất “cắt cổ” 10.000 – 15.000 đồng/triệu/ngày, không ít con nợ ở những vùng quê lâm vào cảnh “sống dở chết dở”.

(GDVN) - Không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập… chỉ cần khai báo địa chỉ nhà và ký vào giấy vay lãi ngày là có thể được đáp ứng. Tuy nhiên, với lãi suất “cắt cổ” 10.000 – 15.000 đồng/triệu/ngày, không ít con nợ lâm vào cảnh “sống dở chết dở”.

>> Thị trường trầm lắng, chủ đầu tư tung khuyến mãi BĐS “độc nhất vô nhị”

>> Các đại gia di động liên tục bị khách hàng "tố" chất lượng dịch vụ

>> Trung tâm mua sắm lớn nhất HN Grand Plaza ảm đạm chưa từng thấy

Lãi ngày “đốt nóng” vùng quê yên ả

Tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là các địa phương được đền bù đất nông nghiệp trong thời gian gần đây như ở Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh…các dịch vụ cho vay lãi ngày mọc lên như nấm sau mưa. Nguyên nhân được giải thích khá đơn giản: quanh năm làm nông nghiệp nay được cầm một số tiền lớn trong tay nhiều người dân chưa biết làm gì nên tập trung tiền xây nhà, sắm xe sang. Nhiều gia đình khác không quản lý được con cái khiến chúng lao vào ăn chơi trác táng, rượu chè, cờ bạc...

Những yếu tố trên khiến chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền đền bù đất của không ít gia đình “không cánh mà bay”. Khi không còn ruộng canh tác, không còn tiền đền bù, nhiều người đã nghĩ đến việc vay vốn để xoay sở. Tuy nhiên, muốn vay được vốn ngân hàng, người vay cần phải làm rất nhiều thủ tục như thế chấp sổ đỏ, chứng minh thu nhập… Nắm bắt được điểm này, các điểm cho vay lãi ngày bắt đầu hoạt động mạnh, đáp ứng nhu cầu không chỉ của những người đầu tư kinh doanh mà còn cả những nhu cầu “thiết yếu” khác như chơi cờ bạc, lô đề, trả nợ…

sfđ

Chỉ cần địa chỉ nhà và ký vào giấy vay nợ, người vay có thể vay
được số tiền mình cần với lãi suất “đen”.

Khảo sát của phóng viên Giáo Dục Việt Nam tại huyện Mê Linh (Hà Nội), nhiều nơi như xã Kim Hoa, Thị trấn Quang Minh, thị trấn Chi Đông, xã Tiền Phong… dễ thấy, việc tìm một điểm vay tiền lãi ngày rất đơn giản. Người vay chỉ cần khai báo địa chỉ và ký vào giấy vay tiền là có thể mượn được số tiền như ý. Tuy nhiên, lãi suất vay theo ngày thấp nhất cũng ở mức 5.000 đồng/triệu/ngày với những khách hàng quen biết. Còn bình thường, giá chung là 10.000 đồng/triệu/ngày, cá biệt lên đến 15.000 đồng/triệu/ngày. Với mức này, nhiều người đánh giá còn cao hơn cả các hiệu cầm đồ tại Hà Nội.

Với mức lãi 10.000 đồng/triệu/ngày, chỉ cần vay 10 triệu, một tháng “con nợ” đã mất 3 triệu tiền lãi. Nhưng số người hỏi vay theo hình thức này luôn có xu hướng tăng lên.

Một chủ nợ tại thị trấn Quang Minh (Mê Linh – Hà Nội) cho biết: một ngày anh nhận hàng chục cuộc điện thoại hỏi vay tiền với mức giao động từ 10 - 100 triệu đồng. Chủ nợ này cũng cho biết, vay lãi ngày chủ yếu là hai đối tượng: các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiền gấp để làm ăn kinh doanh và đối tượng còn lại phần lớn là các con bạc.

Thường thì lãi suất cho các doanh nghiệp vay thấp hơn các con bạc bởi họ thường vay ngắn ngày và sòng phẳng, trong khi đó rủi ro với các con bạc là rất lớn. “Có rất nhiều trường hợp cho con nợ vay buổi sáng, thì buổi chiều nghe tin họ bị công an bắt vì đánh bạc, như thế coi như mình mất trắng số tiền đó. Chính vì vậy, cho vay lãi cao chỉ là một cách thức để giảm rủi ro, chỗ này đập chỗ kia”, chủ nợ này phân trần.

Nhiều con nợ lâm vào cảnh “điêu đứng”


Chỉ cần về xã Kim Hoa (Mê Linh – Hà Nội), hỏi các trường hợp vỡ nợ vì vay lãi ngày, người dân ở đây có thể kể vanh vách tên từng người với số nợ bao nhiêu. Gần đây nhất là trường hợp của một thanh niên tên Q. Có tiếng ngoan ngoãn từ nhỏ, nhưng không hiểu lý do gì, chỉ trong một buổi sáng, Q đã lấy cả 2 chiếc xe máy của bố và mẹ đi cầm đồ. Truy ra mới biết, Q vay 10 triệu với lãi suất 10.000 đồng/triệu/ngày để đánh bạc. Thua bạc không có tiền trả kỳ lãi tháng, không có đường lùi, Q phải cắm xe của bố và mẹ. Quá thất vọng với con, mẹ Q đã tính đến chuyện tự vẫn nhưng được mọi người động viên kịp thời nên đã không xảy ra chuyện đáng tiếc.
dh

 Vay lãi suất “cắt cổ” để lao vào cờ bạc, lô đề đang là vấn đề
“nóng” tại nhiều địa phương.

Cũng tại xã này, một trường hợp khác còn “bi đát” hơn. Ông H bắt đầu xây nhà năm 2010, nhưng vì tính toán không chuẩn nên ngôi nhà chưa hoàn thiện đã hết tiền. Không vay được các nguồn lãi suất rẻ, ông H tìm đến điểm lãi suất ngày vay 70 riệu đồng với mức 10.000 đồng/triệu/ngày. Tưởng rằng có thể trả nợ được ngay khi các doanh nghiệp về lấy tiền ruộng, tuy nhiên sự việc không như mong đợi. 10 tháng sau số nợ đã từ 70 triệu đồng đã lên đến gần 300 triệu đồng. Không còn cách nào khác, ông H phải cắn răng bán nửa đất để cứu vãn tình hình, bởi để lâu lãi mẹ đẻ lãi con thì ông sẽ chẳng còn gì.

Một thanh niên ở xã này cũng cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều trường hợp nợ lãi mà không có khả năng trả. Những đối tượng này sẽ được những tay đòi nợ thuê “săn lùng” đến khi nào hoàn thành nghĩa vụ mới thôi.

Thực tế cho thấy, việc cho vay lãi ngày rủi ro rất lớn nên các ông chủ thường phải tập hợp rất nhiều “đệ tử” có máu mặt trong giới anh chị. Chỉ khi con nợ “lệch” ngày trả lãi, các “đệ tử” này sẽ có các biện pháp “dằn mặt” đến khi nào con nợ trả tiền mới thôi. Bởi vậy, hình thức cho vay mới rất đơn giản, chỉ cần địa chỉ nhà và ký vào giấy nợ là bao nhiêu tiền cũng có.

Chuyện bán đất để trả nợ, cũng đang là đề tài “nóng” đang xôn xao tại xã Tiền Phong (Mê Linh – Hà Nội). Được biết, đây cũng là địa phương vừa nhận được tiền đền bù giải phóng đất nông nghiệp, vì vậy người dân ở đây cho biết, tệ nạn đánh bạc đang tăng chóng mặt.

Điều này khiến các dịch vụ cho vay tín dụng “đen” có cơ hội phát triển mạnh. Điển hình nhất là việc chủ tín dụng “đen” thường trực tại các chiếu bạc, sẵn sàng cho các con bạc bị thua vay tiền với hình thức “cắt lãi” tại chỗ như 1 triệu cắt 50.000 đồng, 10 triệu cắt 500 nghìn đồng… Khi các con bạc không có tiền trả nợ, các chủ nợ lấy giấy tờ đất thế chấp hoặc bán đất để trả.

Về vấn đề cho vay lãi, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội từng chia sẻ với báo chí: Cho vay lãi không phải là hành vi vi phạm pháp luật mà là một cách đầu tư của những người có tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, nếu mức lãi suất quá cao mang tính chất bóc lột, thu lợi bất chính lại là hành vi vi phạm qui định của pháp luật. Vì thế, các cơ quan chức năng ở địa phương cần phải quản lý chặt chẽ để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc từ những hoạt động tín dụng “đen” này.

Thiên Trường

>> Thị trường trầm lắng, chủ đầu tư tung khuyến mãi BĐS “độc nhất vô nhị”

>> Các đại gia di động liên tục bị khách hàng "tố" chất lượng dịch vụ

>> Trung tâm mua sắm lớn nhất HN Grand Plaza ảm đạm chưa từng thấy