Xấu nhà, bẩn phố, điếc tai vì quảng cáo

31/05/2012 09:47
Việt Nguyễn/ GiadinhNet
Có nhiều nguyên nhân khiến phố phường Hà Nội xấu xí đi. Thủ phạm chính, ít ai ngờ đến, lại là những tấm biển quảng cáo.
Hà Nội – trái tim của cả nước luôn được coi là thành phố hòa bình, xanh, sạch đẹp trong mắt bạn bè thế giới. Nhưng đó là ngày xưa. Có nhiều nguyên nhân khiến phố phường Hà Nội xấu xí đi. Thủ phạm chính, ít ai ngờ đến, lại là những tấm biển quảng cáo. Và nay, khi Luật Quảng cáo đang chờ Quốc hội thông qua, xã hội mới giật mình vì mức độ “nguy hiểm” của quảng cáo kém văn minh và thiếu chuyên nghiệp.
"Thượng vàng, hạ cám"
Ở Hà Nội, dường như bất kỳ chỗ nào có đường, có phố là người dân có thể bám lấy làm nơi mưu sinh, kinh doanh từ nhỏ đến lớn, từ những thứ tầm thường nhất như massage “nhạy cảm”, mại dâm, đến các dịch vụ mang tính thời cuộc như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xa xỉ phẩm. Dĩ nhiên, để dịch vụ đến với khách hàng, ai cũng cần những phương pháp tiết kiệm nhất, tốt nhất, nhanh nhất. Đường xá có đông người qua lại, rõ ràng không gì hiệu quả bằng những tấm biển quảng cáo chình ình, càng lớn càng tốt, đập vào mắt khách hàng.
Hiện nay còn xuất hiện nhiều quảng cáo lợi dụng các giá trị nhân văn, đánh vào lòng trắc ẩn của con người, chứ giá trị thực tế “hứa” trong quảng cáo mà các công ty mang đến cho cộng đồng không đáng kể.
 
PGS.TS Trịnh Hòa Bình
Và khi các quy định quản lý chưa rõ ràng, chưa có quy chuẩn cụ thể, thì mạnh ai nấy làm, mỗi người mỗi “vẻ đẹp” khác nhau để khoe sản phẩm, dịch vụ của mình. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, một tấm biển hoành tráng đứng biệt lập thì đẹp, nhưng xếp nhiều tấm lại với nhau với đủ kích cỡ, hình thù, lại tạo ra một bức tranh hổ lốn, lem nhem, làm xấu nhà, bẩn phố phường. Dọc các tuyến phố như Thái Hà, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy, Xuân Thủy... nhan nhản các cửa hàng, chủ yếu là quần áo, giầy dép. Ngoài biển hiệu to đùng, che kín mặt tiền công trình trên phố, mỗi cửa hàng đều giăng những tấm băng rôn lớn, chi chít các dòng chữ câu khách như “Đại hạ giá”, “Ở đây cái gì cũng rẻ!”, “Ối giời ơi, rẻ quá!”, “Chấp nhận bán lỗ, không mua đêm về tiếc”...
Phố phường Hà Nội bị bôi bẩn bởi quảng cáo ngoài trời. Ảnh: Việt Nguyễn.
Phố phường Hà Nội bị bôi bẩn bởi quảng cáo ngoài trời. Ảnh: Việt Nguyễn.
Bà Phan Thị Hằng – phụ trách truyền thông của một công ty quảng cáo lớn tại Hà Nội tiết lộ: “Người đi đường một lần nhìn thấy tấm biển kiểu này thường sẽ ấn tượng mà lưu lại lâu trong tâm trí, khi có nhu cầu mua hàng, họ sẽ biết chỗ nào cần đến. Bản thân các công ty quảng cáo chuyên nghiệp như chúng tôi, đôi lúc cũng cần học theo bí kíp của hình thức kinh doanh “buôn thúng bán mẹt” này, tất nhiên cũng thường xuyên bị “sờ gáy”. Nhưng hiệu quả thì rất đáng, kể cả trái quy định chúng tôi cũng vẫn làm, miễn là các đối tác hài lòng”. Chị Lương Kiều Oanh – chủ một cửa hàng quần áo cũ đầu đường Cầu Giấy cho biết: “Buôn bán, treo biển là chuyện bình thường, càng gây chú ý càng tốt, chẳng lẽ chúng tôi lại làm một tấm bảng bé tí, nghiêm túc để người ta nhìn một lần rồi chẳng để tâm gì cả à? Mà bây giờ, hàng nọ bắt chước hàng kia, mấy băng rôn, khẩu hiệu “độc, lạ” cũng không còn hấp dẫn nữa rồi”. Những suy nghĩ trên của người kinh doanh và người làm quảng cáo không có gì lạ, bởi họ chỉ quan tâm tới việc riêng của mình, sao cho hiệu quả bán hàng tốt nhất có thể. Nhưng khi hàng chục ngàn cá thể kinh doanh riêng lẻ, mỗi người mỗi kiểu, cùng lúc căng băng rôn, kẻ biển hiệu, thì tất yếu trở thành “thảm họa quảng cáo” trên các mặt phố. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, không ở đâu có tới gần 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký kinh doanh như Hà Nội (chỉ tính Hà Nội chưa mở rộng), chưa kể các cửa hàng tự phát nhan nhản trên phố. Thêm nữa, các cá thể đăng ký kinh doanh hầu như không bị khống chế mặt hàng. Điều này không làm đa dạng mà chỉ tạo nên sự hỗn độn, nháo nhào trong văn hóa kinh doanh đường phố của người thủ đô, sâu xa hơn là các vấn đề như giao thông, dân số cơ học, hay đơn giản nhất là hủy hoại “nhan sắc” các tuyến đường bằng các tấm biển hiệu điện tử, mi-ka, băng rôn, sơn tường, tờ rơi.  
Thiếu văn hóa
Việc mạnh ai nấy lo trong việc quảng cáo còn dẫn đến những hình ảnh nhức mắt, xấu xí về văn hóa. Dọc tuyến đường Giải Phóng la liệt các tấm biển quảng cáo hút thai, phá thai bằng thuốc, chữa bệnh lý tình dục. Hầu hết được in cỡ chữ lớn, bày choán lối đi trên vỉa hè. Có lẽ, ít nơi nào người ta lại bán thứ dịch vụ không ai muốn đến bằng một cách kém văn minh, phản văn hóa như vậy mà vẫn được tồn tại bấy lâu nay. Bác sĩ H.C.A (xin giấu tên, đang công tác tại BV Bạch Mai) bức xúc: “Là người trong nghề y, tôi không hiểu tại sao người ta hồn nhiên giăng ra ngoài đường những tấm biển “nạo, hút, phá thai…” mà không thấy ghê, thậm chí đôi lúc còn chứng kiến họ đứng ngoài cửa “vẫy khách” khi thấy một cặp đôi nào đó lấm lét chở nhau”. Vỉa hè, lòng đường – chủ yếu trước các trung tâm thương mại, siêu thị được các đơn vị thực hiện quảng cáo bày trò nhiều nhất qua các phương pháp mới mang những tên khá “kêu” như: Tổ chức sự kiện, giới thiệu sản phẩm, giờ vàng giá sốc, tri ân khách hàng. Nơi đó, các cô gái trong trang phục thiếu vải làm MC để gây sự chú ý, loa đài mở hết công suất ầm ĩ trên vỉa hè, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân lân cận. Sang và cao cấp hơn là quảng cáo trên truyền hình, nhưng cũng bộc lộ nhiều điều gây bức xúc trong dư luận như Kangaroo, mì Gấu đỏ... Thậm chí, một số kênh của VTV khi được các đài địa phương tiếp sóng còn tiếp tục gây nên “thảm họa kép” nữa. Trong một lần công tác tại Nam Định, phóng viên được xem một bộ phim đang rất ăn khách, kèm theo đó là những quảng cáo kiểu “diệt mối, bắt kiến, tuyển công nhân, bán nhà, bán xe” với cỡ chữ lớn che chắn nhiều hình ảnh trong phim. Trao đổi về góc độ xã hội, văn hóa trong vấn đề quảng cáo hiện nay, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) bức xúc: “Quảng cáo ở Việt Nam hiện nay thực sự đang hỗn loạn, xô bồ, thể hiện tính chất tự phát, vô chính phủ. Các chủ thể thực hiện tác nghiệp quảng cáo đa số thiếu các ý tưởng để thực hiện công việc của mình theo một chuẩn mực, ưu tiên được thông điệp mang đến cho cộng đồng, thay vì đó, họ cố tình truyền tải các thông tin ngoại lai. Có sự lẫn lộn giữa thông tin chủ đạo và thông tin thứ yếu. Đối với quảng cáo ngoài trời, đó là sự hỗn loạn, thiếu thống nhất, vi phạm các chuẩn mực của cái đẹp, dù chỉ là hình thức”.
Việt Nguyễn/ GiadinhNet