Kỳ thú chuyện cá cứu người ở Vũng Tàu

04/05/2011 14:16
Có lần ông Năm, người cùng đi biển với tôi bị sóng to đánh vỡ ghe, người trôi lênh đênh trên biển tưởng chết. Bỗng dưng, Ông xuất hiện và đưa vào bờ an toàn

Nghĩa địa cá Ông (cá voi) nằm ngay bên bờ biển, ẩn mình trong một xóm nghèo của làng chài Phước Hải (tỉnh lộ 44, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Về thăm nghĩa địa cá Ông, chúng tôi được nghe những câu chuyện kỳ thú về cá Ông cứu người.

Nghĩa địa độc đáo

 Ông Mười Dư (74 tuổi, thành viên ban tế lễ Dinh Ông Nam Hải, Phước Hải) cho biết, tục táng cá Ông ở Phước Hải gắn liền với tục thờ cá Ông và tín ngưỡng của ngư dân về loài cá linh thiêng này. Ngư dân coi cá Ông là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, vì cá Ông giúp họ vượt qua những hiểm nguy, tai nạn, thậm chí cứu người bị nạn trên biển; giúp ngư dân có những chuyến đi biển may mắn, tôm cá đầy khoang. Vì thế, việc mai táng và thờ cúng khi cá Ông chết được tổ chức trọng thể như một cách đền ơn đáp nghĩa của ngư dân.

Người đầu tiên phát hiện cá Ông lụy được coi là con trai cả, phải “chịu tang” cho Ông. Dù đang đánh bắt ở đâu, khi phát hiện Ông lụy, ngư dân cũng phải tìm cách đưa Ông vào bờ để làm đám tang. Khi đưa xác Ông vào bờ, chủ ghe phải báo cho Ban tế tự (Ban tổ chức Dinh Ông Nam Hải, cách nghĩa địa cá Ông chừng 1km) để làm các thủ tục mai táng.

Việc làm đám tang cho cá Ông khá phức tạp, với nhiều nghi thức như tắm rửa sạch sẽ, quấn vải đỏ rồi đào huyệt chôn. Sau đó, người phát hiện Ông lụy còn phải “chịu tang” như chịu tang cha mẹ, cũng phải cúng 49, 100 ngày, giỗ đầu... Trên đầu các ngôi mộ có bát nhang và mặt trước tấm bia ghi dòng chữ “Nam Hải chi mộ”, cùng ngày tháng Ông lụy. Tên người “chịu tang” được ghi ở mặt sau tấm bia. Sau khi chôn Ông được 3 đến 5 năm, ngư dân sẽ làm lễ bốc cốt (cải táng) rồi thỉnh ngọc cốt Ông mang vào Dinh thờ và được xả tang.
 

Mộ cá Ông với hàng chữ “Nam Hải chi mộ” hàng ngày có người chăm sóc, quét dọn
Mộ cá Ông với hàng chữ “Nam Hải chi mộ”
hàng ngày có người chăm sóc, quét dọn


Ngư dân Phước Hải cho biết, trước đây nghĩa địa cá Ông nằm chung với khu vực Dinh Ông, vì số Ông lụy ít và dân cư trong làng còn thưa thớt. Năm 2001, khi dân cư đông đúc hơn, số Ông lụy nhiều hơn, có năm có tới gần 30 Ông nên khu vực này không đủ chỗ chôn cất. Người dân đã xin chính quyền địa phương chuyển nghĩa địa cá Ông về cuối làng, còn Dinh Ông vẫn để lại chỗ cũ. Nghĩa địa cá Ông hiện tại có khoảng 200 ngôi mộ, được phủ xanh bởi những hàng dương quanh năm vi vu gió thổi.

Ly kỳ cá cứu người

Đến thăm nghĩa địa cá Ông và Dinh Ông Nam Hải, du khách sẽ được nghe các bô lão địa phương kể nhiều chuyện ly kỳ về cá Ông, điển hình nhất là những chuyện cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Ông Diễn, 70 tuổi, người trông coi Dinh Ông Nam Hải kể: “Hồi còn trẻ, có lần ông Năm, người cùng đi biển với tôi bị sóng to đánh vỡ ghe, người trôi lênh đênh trên biển tưởng chết. Bỗng dưng, Ông xuất hiện và đưa vào bờ an toàn”.

Còn những trường hợp khi sóng to gió lớn, Ông nổi lên trước đầu ghe cản không cho sóng đánh trực tiếp vào ghe thì nhiều người đi biển trong làng đã từng gặp. Anh Lực, một người có thâm niên 20 năm đi biển kể, giọng đầy thành kính: “Hôm đó ghe chúng tôi đang đánh cá thì bất chợt biển động, sóng lớn xô dữ dội. Rồi chúng tôi thấy Ông xuất hiện, chắn trước đầu ghe cản sóng để cho ghe chúng tôi quay mũi trở về bờ. Ghe chúng tôi đi an toàn rồi Ông mới từ từ lặn xuống biển”.

Trong lịch sử triều Nguyễn cũng có chép lại: “Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cá Ông cứu thoát. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) phong cho cá voi là “Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần”. Tại lăng thờ cá Ông ở nghĩa địa Ông Phước Hải, ngư dân cũng gọi Ông là “Nam Hải Đại tướng quân” cùng tấm hình chụp Ông khá lớn, để hàng ngày ngư dân đến thắp nhang, cầu mong cho những người đi biển gặp nhiều may mắn, an toàn và được nhiều tôm cá.

Hàng năm, vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, ngư dân Phước Hải tổ chức lễ Nghinh Ông long trọng, thu hút khách thập phương về dự. Có một điều khá đặc biệt là nhiều người dân không làm nghề biển nhưng cũng khăn gói từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh lân cận về dự, đóng góp thêm tiền bạc để làm lễ Nghinh Ông. “Trước khi ra khơi, ngư dân thường có thói quen đến nghĩa địa này thắp nhang để cầu mong Ông phù hộ cho may mắn. Những người vợ của ngư dân mỗi chiều cũng tới đây hóng mát và thắp nhang, để cầu Ông phù hộ cho chồng con họ được bình an”- ngư dân Trần Thế Lực, chủ ghe Huyền Trang nói.

(Theo CA.TPHCM)