Lá thư cảm động của một giáo viên sau vụ quay cóp ở trường Đồi Ngô

25/06/2012 06:03
Độc giả Thanh Nga
(GDVN) - Nếu cô không khắt khe thì cả các em và bố mẹ đều sẽ gánh chịu hậu quả, cuộc đời các em sẽ trôi về đâu với những bài kiểm tra không phải kiến thức của mình? Cuộc đời còn rất nhiều kỳ thi khắc nghiệt hơn nữa các em ạ. Qua mỗi khó khăn sẽ giúp con người trưởng thành hơn.
LTS: Vụ tiêu cực thi cử ở trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về chất lượng giáo dục Việt Nam. Báo Giáo dục Việt Nam không chỉ nhận được những ý kiến sắc sảo bàn về vấn đề thi cử, đạo đức của người thầy, mà còn nhận được những bức thư tâm sự từ phía độc giả lo lắng cho các học trò. Sau đây là bức thư gửi học sinh trước khi bước vào kỳ thi Đại học sắp tới của giáo viên Thanh Nga, một giáo viên tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh từ chính sự nghiêm khắc của mình:

Một năm học khởi đầu từ mùa thu, vui biết mấy cảm giác gặp lại bè bạn, thầy cô. Mùa hạ lại là mùa thi, mùa chia ly, mùa không ít những áp lực, những nỗi buồn. Cô viết những dòng tâm sự này khi các em vừa bước qua ngưỡng cửa THPT. Hiện tại, có bạn đã lập gia đình, đi làm, đi học nghề, nhưng không ít bạn đang "giùi mài kinh sử" để ôn thi Đại học. Dù cuộc sống sau này có thế nào đi chăng nữa thì tất cả cũng xuất phát từ quãng thời gian biến chuyển quan trọng này.

Đáng ra đây là thời gian người ta sẽ chỉ nói về những niềm vui, những lời chúc may mắn để kỷ niệm cho một khởi đầu mới thuận lợi. Thế nhưng, cô muốn các em nhớ mãi những ngày này bằng cách tâm sự thật lòng với các em, về những điều trăn trở của một giáo viên chủ nhiệm các em suốt ba năm qua.

Những giáo viên tâm huyết thực sự với nghề luôn nhận được sự kính trọng từ học trò (Ảnh minh họa)
Những giáo viên tâm huyết thực sự với nghề luôn nhận được sự kính trọng từ học trò (Ảnh minh họa)
Ba năm học kề vai sát cánh cùng các em, cô thuộc lòng từng gương mặt, từng thói quen, biết rõ học lực, tính tình mỗi đứa. Học trò thì nhiều, đứa hay đứa dở, nhưng cô hạnh phúc vì trong các em không ai là người độc ác, bội bạc. Trong quá trình dạy của mình, cô quan niệm: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, vì thế ấn tượng của các em đối với cô là một giáo viên cực kỳ nghiêm khắc. 

Khi nhìn thấy Nhi vừa đoạt giải nhất Học sinh giỏi môn văn, cô chưa hết vui mừng thì đã giật mình khi nhận ra My tổng kết loại kém tất cả các môn khối A (những môn cô dạy). Cô băn khoăn tự hỏi: "Mình đã dạy học trò thế nào mà để các em học lệch như thế?" Lúc đó, cô đã dành thời gian suy nghĩ về Nhi, về chính bản thân mình. Trong thời gian tập trung ôn luyện đội tuyển văn em đã xao nhãng các môn học khác. Dưới sự nghiêm khắc của cô, Nhi đã không thể nào nhận được sự"giúp đỡ" của bạn bè hay sự gian dối trong quay cóp. Vì vậy, ngoài niềm vui mang lại cho nhà trường, cho lớp, Nhi phải gánh chịu hậu quả của việc học lệch. Thương Nhi, cô có thể "bẻ cong ngòi bút" của mình để sửa điểm cho em. Thế nhưng, cô đã không làm như vậy vì mong muốn em không ngủ quên trong vinh quang mà cần phấn đấu nhiều hơn nữa.

Cô nhận ra rằng, Nhi đã đi vào vết vết xe đổ của cô. Ngày ấy cô thuộc tuýp học trò "tài tử", chỉ học những gì mình thích nên cũng học lệch như Nhi. Thế nhưng, cô đã sớm nhận ra sự "đào thải" trong xã hội rất nghiêm khắc nên cần thiết trở thành một con người toàn diện. Cô nghĩ Nhi hiểu được điều đó khi thấy được sự quyết tâm trong mắt Nhi.

Cô vẫn nhớ y nguyên Hùng, cậu bé đa tài và thông minh nhất lớp trong năm học lớp 10 nhưng vì mải chơi nên thời gian sau thành ra học kém. Đã nhiều lần cô nhắc nhở Hùng, cũng như ưu ái giao cho Hùng chức tổ trưởng để Hùng biết trách nhiệm của mình mà cố gắng. Thế nhưng, Hùng càng ngày càng thụt lùi trong học tập. Hùng mất dần các sở thích vốn có như thể thao, chơi đàn guirta. Em chỉ còn một sở thích duy nhất là game, khiến Hùng quên ăn, quên ngủ, bỏ hết cả thế giới thực tại mà sống với thế giới ảo của game.

Trong cuộc thi cuối kỳ năm lớp 11, cô đã trực tiếp coi thi Hùng. Cả buổi 3 môn thi, cô đều coi rất chặt, hầu như Hùng để giấy trắng. Đến những phút cuối cùng, Hùng mở tài liệu. Cô đã nghiêm túc thu tài liệu của Hùng và lập biên bản kỷ luật. Kết quả năm học đó Hùng không đủ điểm lên lớp, em phải chia tay lớp 12a2 thân yêu. Cô biết bị lưu ban trở thành cú sốc lớn đối với chàng trai kiêu ngạo như em.

Cô thật hạnh phúc khi biết rằng, Hùng đã nhận ra lỗi lầm của mình trước khi quá muộn. Trong một lần tới thăm cô, Hùng tâm sự: "Một năm học lại đã cho em nhìn nhận lại nhiều điều, em đã từ bỏ game online và quyết tâm học thi vào Nhạc viện Hà Nội". Khi đó cô rất vui, các em không cần tặng cô những giá trị vật chất. Cô chỉ mong muốn cả đời làm nghề giáo của mình có thể thay đổi được những suy nghĩ nông nổi giúp các em đi đúng đường, đừng để sau này phải hối hận. Thế là cô mãn nguyện lắm rồi.

Điều đáng buồn là vụ gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô lại do chính một số giáo viên trực tiếp thực hiện
Điều đáng buồn là vụ gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô lại do chính một số giáo viên trực tiếp thực hiện


Là giáo viên đã nghiêm khắc không cho học sinh quay cóp dưới bất kỳ hình thức nào, luôn dạy học sinh phải biết trung thực ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng có học sinh đã hiểu ra và nỗ lực, còn không ít những học sinh khác vẫn khó chịu, thậm chí căm ghét cô vì cô quá khắt khe. Không ít lần cô "tình cờ" nghe được những biệt danh học trò đặt cho cô: "Hít- le"“ba bị chín quai”, “mẹ mìn”, rồi thì “sát thủ đầu mưng mủ”... Những khi đó cô đều rất buồn, nhưng thầm nghĩ:"Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", khi lớn các em sẽ hiểu ra, sẽ có bài học cho mình sau mỗi vấp ngã.

Cô đã nhắc nhở với học trò rất nhiều lần về tính tự giác, trung thực trong học tập mà các em không hiểu. Mỗi lần trông thi, thấy phao thi rải trắng sân trường, lớp học, đi qua phòng nào là trò thở phào nhẹ nhõm, có em còn nói rõ to "may quá” khiến cô lại buồn hơn.

Nếu cô không khắt khe thì cả các em và bố mẹ đều sẽ gánh chịu hậu quả, cuộc đời các em sẽ trôi về đâu với những bài kiểm tra không phải kiến thức của mình? Cuộc đời còn rất nhiều kỳ thi khắc nghiệt hơn nữa các em ạ. Qua mỗi khó khăn sẽ giúp con người trưởng thành hơn. 

Trên mỗi giờ giảng, cô đều nhắc trò rằng: Quay cóp tài liệu, nhìn bài bạn, thậm chí là khi các em đi mượn bài tập của các anh chị khóa trên hay copy trên Internet để biến nó thành của mình cũng là các em đang trực tiếp hay gián tiếp quay cóp. Sau hành vi đó, các em phải thấy có lỗi với thầy cô, với ba mẹ và hơn ai hết là thấy áy náy với chính bản thân mình. Các em đã dần biến mình thành một người“ngại nghĩ”, dần giết chết khả năng sáng tạo và tư duy độc lập. Sau này, khi lớn lên các em sẽ chợt nhận ra mình đã mất khả năng sáng tạo, tư duy nhạy bén và suy nghĩ độc lập. Đó là sự mất mát lớn từ những hành động các em cho là nhỏ, là bình thường khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Và cô cũng không thể nhắm mắt làm ngơ, vì lòng tự trọng của một người làm thầy cao hơn tất cả. Đã hơn 30 năm giảng dạy, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành. Cô luôn muốn các em hiểu rằng, học là quá trình tự thân vận động của mỗi người. Làm sao cô hay bố mẹ có thể học thay cho các em được? Cô biết nhiều bạn không thích cô vì cô quá nghiêm khắc nhưng cô là cô giáo, là "mẹ của các em ở trường", cô không thể nào khác được, cũng bởi thương trò mà thôi.
Có nhiều trò muốn cô dạy thêm tại nhà để giúp đỡ các em trong quá trình học nhưng cô từ chối. Thứ nhất vì cô thương các em, đã học ở trường quá nhiều nên dành thời gian ở nhà tự học, nghỉ ngơi. Thứ hai vì có một số thầy cô dạy thêm ở nhà quá chú trọng lợi ích kinh tế mà có những suy nghĩ, việc làm không xứng đáng với nghề giáo. Nếu ai không học, không chiều theo ý thầy thì thầy sẽ mời phụ huynh, thầy "trù" cho đến khi nào ngộ ra một điều “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy' thì thôi. Từ đó, họ thành ra đối xử thiếu công bằng với học sinh, nghiêm khắc quá mức đối với các bạn học sinh nghèo, thiên vị cho các bạn gia đình có điều kiện.

Bản thân cô thì khác, cô chỉ nghiêm khắc khi các em không trung thực trong học hành, thi cử biểu hiện qua việc quay cóp. Đó là một hành vi đáng xấu hổ. Sự nghiêm khắc của cô cũng bởi muốn công bằng, cơ hội đến với tất cả các em. Nếu các em học kém cô tình nguyện dạy lại cho em từ những kiến thức cơ bản nhất. Thế nhưng, nếu các em quay cóp thì cô sẵn sàng xử phạt nghiêm minh để các em tự ý thức được tác hại xấu của nó thì mới có thể tiến bộ được.

Cô luôn lo sợ một ngày các em sẽ chán ngấy với bài học của cô, vì cảm giác nhạt nhẽo, vì lỗi thời hay các em cảm thấy na ná ở đâu đó. Vì vậy, cô đã không ngừng cố gắng để mỗi ngày bài giảng của mình sẽ hay hơn, thực tế hơn và quan trọng nhất là mang lại cho các em những điều có ích.

Như vậy, không chỉ các em mà cả cô nữa, chúng ta sẽ không ngừng cố gắng vì ngày mai các em nhé. Để sau này khi lớn lên, hiểu ra mọi chuyện, các em sẽ nói những lời tâm huyết sau nhiều trải nghiệm của mình với con cháu các em, sẽ là kim chỉ nam, là bài học dẫn chúng bước vào cuộc đời.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Người chống gian lận thi cử ở Bắc Giang bị xỉ vả: "Mày ác quá"!

TS.Tâm lý Kim Quý:HS quay clip gian lận thi có thể bị sốc, trầm cảm...

"Trường THPT DL Đồi Ngô đang tiếp tay đầu độc thế hệ tương lai"

Bộ Giáo dục có dám thử cho trường Đồi Ngô thi lại không?

Những sai phạm nghiêm trọng của Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô

6 giáo viên trường Đồi Ngô bị sa thải, có đáng không?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Thanh Nga