“Lại đến giờ của …bà-la-sát rồi chúng mày ơi!”

10/03/2019 06:27
Mai Hoa
(GDVN) - Học sinh từ giỏi đến yếu kém đều sợ cô giáo dạy văn tên Thúy Hài một phép. Chỉ những đứa đi học thêm với cô tuần 2 buổi là ung dung, tự tại, ngồi mỉm cười.

“Lại đến giờ của …bà la sát rồi chúng mày ơi!” giờ ra chơi chưa kết thúc, nhưng khi vừa nghe bạn nói thế, đám học trò bỗng nháo nhào chạy vào chổ ngồi lấy sách, vở ra đọc ngấu nghiến.

Đứa chưa thuộc bài sợ đã đành, đứa thuộc rồi cũng thấp thỏm không yên. Bởi lẽ, nếu bị gọi lên lơ ngơ sẽ bị ăn “gậy”, xơi “ngỗng” chứ chẳng chơi.

Giáo viên kiểm tra bài học sinh (Ảnh mang tính chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo viên kiểm tra bài học sinh (Ảnh mang tính chất minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Học sinh từ giỏi đến yếu kém đều tỏ ra sợ cô giáo dạy văn tên Thúy Hài (tên nhân vật đã thay đổi) một phép.

Chỉ những đứa đi học thêm với cô tuần 2 buổi là ung dung, tự tại, ngồi mỉm cười.

"Cô có cách kiểm tra bài cũ kinh sợ lắm!" một số học sinh bật mí.

Cứ vào giờ cô dạy, chưa bao giờ cô quên kiểm tra bài cũ.

Học sinh được gọi lên bảng phải trả lời 2 câu hỏi (giống kiểu mặc định trước).

Câu thứ nhất bao giờ cũng là câu hỏi thuộc nội dung bài đã được ghi trong vở hoặc trong sách giáo khoa.

Nói thật, có giáo viên dùng chiêu kiểm tra trên lớp để học trò phải đi học thêm

Câu thứ hai nhất định là kiến thức bên ngoài ở tận đẩu tận đâu nhưng đó lại là kiến thức cô đã dạy trong buổi học thêm trước đó.

Thang điểm cô quy định cũng khác người. Câu học thuộc bài dù trả lời đúng đến từng dấu phẩy cũng chỉ đạt tối đa 4 điểm.

Câu thứ hai đương nhiên chiếm 6 điểm. Điều ngộ ở chỗ nếu ai trả lời được nhưng không đi học thêm ở nhà cô (dù trả lời đúng 100%) cũng không thể nhận được mức điểm cao là 5 hoặc 6.

Có khuyến khích cũng chỉ thêm được 1 đến 2 điểm với lời giải thích của cô “Em không được nghe giảng nội dung này, thế nên em không thể hiểu rõ mà chỉ trả lời theo kiểu đọc vẹt”...

Sau đó, cô sẽ mở cuộc điều tra xem bạn nào trong lớp (đang đi học thêm) dám trái lệnh cô (vì cô ra lệnh cấm trước đó) cho bạn mượn vở học thêm để học. Và chẳng biết cách nào, dù các em đã giấu rất kĩ cũng bị cô tìm ra.

Thế là cô phạt những học sinh ấy vì không vâng lời, phạt vì vi phạm lời hứa…

Rồi cô cấm, tuyệt đối cấm học sinh đi học thêm trao đổi bài với bạn không đi học “Nếu ai vi phạm, tôi biết được (và chắc chắn biết được) sẽ bị phạt nặng hơn”.

Chính vì bị cô xử rắn như thế, chỉ vài tháng sau khi vào học những lớp cô dạy học sinh đi học thêm phải chiếm đến 2/3 số học sinh của từng lớp.

Những học sinh không đi học thêm thực sự vì gia đình các em quá nghèo khó, hoặc rơi vào đối tượng đang muốn bỏ học nên đành phải chịu và tỏ ra bất cần.

Cô dạy Văn 4 lớp trong trường. Hàng tuần, học sinh đến nhà cô học thêm đông như hội.

Trả bài cũ trên lớp, học trò khiếp sợ

Đã có không ít phụ huynh kêu lên rằng “Văn thì cần gì phải học thêm? Đó là năng khiếu và chịu khó lắng nghe thầy cô giảng là làm bài được thôi”.

Nhưng dẫu biết thế thì chính các em cũng không đủ can đảm để không đăng kí đi học thêm.

Em thì không muốn mất danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc vì chỉ cần môn Văn bị điểm kém sẽ chẳng còn cơ hội đạt những danh hiệu trên dù các môn khác em học rất giỏi.

Em thì nói rằng mình sợ kiểm tra bài cũ kiểu thót tim như thế nên chịu khó bỏ ra ít tiền để mua sự bình yên. 

Câu trả lời như cứa nát tâm can những thầy cô giáo chân chính. Nhưng đáng buồn thay đó chính là sự thật.

Giáo dục vẫn còn những giáo viên kiểu này thử hỏi học thêm có thể nào chấm dứt?

Mai Hoa