Làm gì để gỡ nút thắt cho tuyển sinh vào lớp 10?

07/03/2023 06:43
HÀ ANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thi tuyển, xét tuyển, hay thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 đều gây áp lực cho người trong cuộc.

Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông báo chí có những bài viết, đặt lại vấn đề nên thi hay xét vào lớp 10. Nhiều ý kiến của chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và học sinh - những góc nhìn khác nhau, nêu kiến giải (đối với cơ quan quản lý giáo dục) để việc tuyển sinh vào lớp 10 khách quan, công bằng, tạo cơ hội cho học sinh tiếp tục theo học bậc trung học phổ thông nếu các em có nguyện vọng và năng lực học tập.

Theo bạn đọc, có ý kiến, nên bỏ kỳ thi vào lớp 10 vì tốn kém, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả nhà trường; lại có băn khoăn, bỏ kỳ thi vào lớp 10 - được - nhưng chất lượng học tập sẽ suy giảm do học sinh thiếu động lực học tập; và có ý kiến, cách nào cũng tốt nhưng đừng vì thành tích là được!

Thí sinh tại Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: TTXVN

Thí sinh tại Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: TTXVN

Thực tế, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, muốn theo học lên ở trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, có bề dày công tác giáo dục, điều này là mong muốn không riêng địa phương nào, cũng không chỉ ở nước ta. Do số trường này không nhiều, thậm chí, có địa phương còn ít ỏi. “Cung” chưa đáp ứng “cầu”, đến xin vào lớp 1 còn phải xếp hàng xuyên đêm huống chi vào lớp 10! Thi tuyển, xét tuyển, hay thi tuyển kết hợp với xét tuyển (vào lớp 10) vì thế, đều gây áp lực cho người trong cuộc.

Nơi nào chọn phương thức thi vào lớp 10, nơi đó rầm rộ học chính khóa và dạy thêm, để chuẩn bị cho học sinh. Toán, Văn, Ngoại Ngữ, …, xoay theo quỹ đạo thi, thi, và … thi! Học tăng cường, dạy học 2 buổi/ngày, luyện thi, luyện thi cấp tốc,… phụ huynh lo lắng tìm thầy cô gửi con em mình ôn luyện, học sinh lớp 9 thì quá tải vì lịch học cả chính khóa và học thêm.

Nơi chọn phương thức xét tuyển vào lớp 10 thì "cuộc đua làm đẹp học bạ" rất gay go, có thể chỉ sơ sẩy một học kỳ (trong 4 năm học trung học cơ sở), thế là gác lại ước mơ vào trường chất lượng cao. Có trường xét tuyển, học sinh đạt 40 điểm (10 điểm/1 năm học, trong đó, học lực giỏi là 5 điểm, hạnh kiểm tốt là 5 điểm) vẫn trượt vào lớp 10 vì không đạt tiêu chí phụ. Lâm vào tình cảnh mới thấu hiểu, xét tuyển vào lớp 10, mặt nào đó, còn áp lực hơn cả thi tuyển!

Còn với nơi kết hợp xét tuyển và thi tuyển, trường đã có thương hiệu, vẫn tiếp tục là “ngọn cờ”; trường cần cố gắng thì “cánh cửa rộng mở” nhưng nhiều kỳ tuyển sinh lại không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Có tình trạng, học sinh chấp nhận học một học kỳ, một năm học lớp 10 ở trường này, rồi phụ huynh lo… “chạy trường” sang chỗ khác, thực trạng này do đâu, vì ai?

Thế mới có chuyện, sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phải “tìm cách phá mánh khóe chuyển trường ồ ạt ở lớp 10" [1]. Chuyện này cũng xảy ra tại các địa phương khác.

Đổi mới dạy học, đánh giá gắn với học thật, thi thật. Đánh giá đúng (của cơ sở giáo dục) giúp người học hiểu mình, hoạch định khởi nghiệp phù hợp. Điều đó còn thúc đẩy giáo viên rèn kiến thức (bộ môn), trau dồi phương pháp giảng dạy. Cũng nhờ vậy, chuẩn bị của gia đình học sinh không chỉ một sớm một chiều hay trăm sự nhờ thầy cô, mà, họ biết đầu tư dài hơi khi quyết chọn trường hot.

Lựa chọn sau trung học cơ sở đa dạng, là hướng tích cực, chủ động cho sự phát triển bản thân. Khi “tỏ” người, “tỏ” ta, trăm trận trăm thắng, có thể, quan trọng hơn đó là lựa chọn với tâm thế chấp nhận thử thách. Áp lực không tránh khỏi, nhưng nó kích hoạt năng lượng của người học nhằm đáp ứng tiêu chí của tuyển sinh.

Gia đình học sinh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Cùng con em xây ước mơ, và cốt lõi, cùng hành động, phụ huynh hiểu hơn con em mình, giúp con em bước tiếp trên con đường học vấn, hay lối khác vào đời. Sự lựa chọn nào cũng cần cân nhắc, nhưng không nặng nề đến độ bi quan, chán nản, hụt hẫng khi trượt vào lớp 10 trường top!

Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học phổ thông hay trường phổ thông có nhiều cấp học (kể cả công lập và tư thục), có trường thuận lợi, trường khó khăn; có trường trường hot, có trường cần thời gian để xây dựng chất lượng, khiến việc chọn trường của phụ huynh cũng “phân luồng” theo - đó là lựa chọn có hướng (vào trường tốt, khá).

Sự đầu tư của Nhà nước, chính quyền các cấp là điều kiện cần. Để thúc đẩy phát triển mạnh các trường, cần nỗ lực rất cao, đặc biệt của các trường nằm ở thứ hạng còn chưa tốt về chất lượng dạy học. Mẫu số chung cho các trường là: yêu thương học sinh; thầy cô trách nhiệm và tâm huyết; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, rèn học sinh cách học, chăm học; xây dựng cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp; mạnh dạn thiết kế chương trình giáo dục nhà trường, lớp học; cải tiến quản trị trường học. Khi phụ huynh có niềm tin, trường khó mấy trong tuyển sinh cũng qua. Tiếng lành đồn xa, học sinh chọn theo học, niềm vui chung, giảm áp lực khi mùa tuyển sinh vào lớp 10 đến.

Việc "chạy trường" sau khi vào học lớp 10 một thời gian, có lỗi của phụ huynh, song, quá trình thực hiện chuyển trường có công khai, minh bạch không? Thưa rằng … chưa! Tôi biết, có trường trung học phổ thông, người có trách nhiệm còn đưa ra điều kiện với phụ huynh nếu muốn chuyển trường cho con.

Sao chúng ta không nghĩ đến phương án cho các em một cơ hội rất minh bạch? Thiết nghĩ, sau một, hai năm học, nếu học sinh đạt thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc, thỏa yêu cầu sát hạch (của trường muốn chuyển đến), có nguyện vọng chuyển trường thì xem xét tạo điều kiện. Đó cũng là cách khuyến học, tại sao không? Những trường hợp đặc biệt khác, để công bằng, cần thành lập hội đồng giáo dục địa phương (huyện, quận) xem xét, quyết định.

Gỡ nút thắt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là việc hệ trọng, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhưng cần sự vào cuộc ngay ngắn của các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chứ không thể quy định kiểu “trăm hoa đua nở”, nhà quản lý “an toàn” còn học sinh và gia đình các em loay hoay trên chuyến xe nhiều lo lắng, nhiều khó khăn khi vào lớp 10. Con đường đến trường như thế, đổi mới giáo dục sao đây?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/nganh-giao-duc-tp-hcm-tim-cach-pha-manh-khoe-chuyen-truong-o-at-o-lop-10-2023021018475805.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HÀ ANH