Làm sao để đăng ký tín chỉ không còn là nỗi ám ảnh của sinh viên?

17/01/2023 06:48
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cứ đến thời điểm mở cổng đăng ký tín chỉ cho kỳ học tiếp theo, sinh viên nhiều trường đại học lại lo lắng tình trạng nghẽn mạng xảy ra. 

Trường hợp sinh viên không kịp đăng ký tín chỉ do đến thời điểm đăng ký bị nghẽn mạng, dẫn đến tình trạng “thất học” một học kỳ đã từng xảy ra; có sinh viên còn phải thức trắng đêm để chờ đăng ký môn học nhưng vẫn rơi vào cảnh “chịu thua”... đường truyền mạng.

Trên các diễn đàn, sinh viên nhiều trường đại học, nhất là tại các trường có số lượng người học đông, rất nhiều ý kiến phản ánh về việc đăng ký tín chỉ khó khăn. Có sinh viên mất khoảng 3 - 4 tiếng mới đăng ký được môn học của mình.

Hơn nữa, không phải trường nào cũng có đường truyền Internet đủ mạnh để tải được lượng lớn sinh viên truy cập vào cùng một thời điểm đăng ký. Sinh viên không chỉ truy cập một lần, mà càng chậm càng truy cập nhiều lần, lại càng xảy ra nghẽn mạng.

Nhìn nhận những khó khăn đó, nhiều trường đại học đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục liên tục để đăng ký tín chỉ không còn là "nỗi khổ" của sinh viên nữa.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học An Giang cho hay: tình trạng đến thời điểm đăng ký tín chỉ, vì lượng lớn sinh viên cùng truy cập một lúc nên dẫn đến quá tải, tốn thời gian xảy ra tại nhiều trường đại học. Trước đây, sinh viên của Trường Đại học An Giang cũng gặp phải sự cố nghẽn mạng trong thời điểm đăng ký tín chỉ.

Sinh viên Trường Đại học An Giang trong giờ tự học. (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học An Giang trong giờ tự học. (Nguồn: Website nhà trường).

Để giảm thiểu tình trạng trên, thầy Thành đã đưa ra một số biện pháp dựa trên kinh nghiệm thực tế của nhà trường:

Trước hết, Trường Đại học An Giang đã sắp xếp lịch đăng ký tín chỉ cho sinh viên chia theo các khóa, rồi trong các khóa lại chia ra tiếp lịch riêng cho các ngành khác nhau.

Ví dụ như các bạn sinh viên năm nhất có 2 ngày để đăng ký, trong 2 ngày đó sẽ chia ra 4 buổi để các ngành khác nhau đăng ký trong các buổi khác nhau

Một vài trường hợp sinh viên chọn giảng viên mà trong lớp giới hạn số người học nên không đăng ký được, hoặc một số sinh viên gặp trục trặc khi đăng ký thì các bạn chỉ cần gửi thông tin qua email của phòng chức năng, trường sẽ xử lý thủ công cho các em. Những trường hợp này cũng rất ít, thường chỉ có khoảng 1 - 2 sinh viên/lớp gặp tình trạng này.

Sau thời gian đã đăng ký, nếu sinh viên muốn điều chỉnh như bổ sung hoặc hủy tín chỉ đã đăng ký thì cũng phải gửi mail yêu cầu trong khoảng 1 - 2 tuần (theo thời gian quy định của trường về điều chỉnh đăng ký tín chỉ) tùy theo môn học.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng sinh viên bị tắc nghẽn mạng khi đăng ký tín chỉ, thầy Thành cho biết, trường cũng luôn sắp xếp cho cố vấn học tập sinh hoạt với lớp, họp lớp trước thời điểm đăng ký tín chỉ để các bạn sinh viên cùng lớp thống nhất trước với nhau những môn học nào sẽ đăng ký, tương tự với những nhóm học tự chọn.

Do đã cho sinh viên một khoảng thời gian để suy nghĩ như vậy, nên đến thời điểm mở cổng đăng ký tín chỉ, sinh viên chỉ cần đăng nhập rồi đăng ký theo kế hoạch mà cả lớp đã cùng nhau lựa chọn, thống nhất chứ không phải tốn nhiều thời gian suy nghĩ, chọn lựa nữa, nên sinh viên của Trường Đại học An Giang đăng ký tín chỉ hiện nay diễn ra khá nhanh chóng, thuận lợi.

Không những vậy, theo thầy Thành, dù Trường Đại học An Giang không giới hạn về số môn theo kế hoạch của từng học kỳ nhưng trường cũng khuyến cáo sinh viên nên đăng ký vào thời điểm nào thì sẽ được ưu tiên tín chỉ theo khoa của mình.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành, trường sử dụng phần mềm đăng ký tín chỉ của một công ty đối tác và nâng cấp phần mềm định kỳ hàng năm theo hợp đồng để khắc phục chất lượng đường truyền, xây dựng phần mềm tốt, hạn chế được tối đa lỗi cho người học sử dụng.

Trường Đại học Vinh cũng là một trong các đơn vị có những biện pháp khắc phục kịp thời để giúp sinh viên thuận lợi hơn trong việc đăng ký tín chỉ. Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Phú, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết:

"Vào thời điểm có quá nhiều người vào đăng ký thì cũng có xảy ra một vài trường hợp bị nghẽn mạng, số lượng này rất ít và sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. Bởi, trường luôn sắp xếp thời gian dự phòng khoảng một đến hai tuần để hỗ trợ cho những trường hợp đặc biệt bị gặp trục trặc này".

Hơn nữa, theo Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Phú, mỗi ngành học của Trường Đại học Vinh đều có cố vấn học tập cùng đội ngũ chuyên viên tại các phòng, ban chức năng của trường luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7 cho sinh viên, để đảm bảo kết quả học tập cho các em cũng như tránh xảy ra tình trạng như sinh viên tốn nhiều thời gian mà không đăng ký được tín chỉ.

Mặt khác, thầy Phú cho biết thêm, ngoài việc luôn sẵn sàng hỗ trợ, trường cũng phân luồng, chia thời gian đăng ký theo từng ngành, như ngành nào có số lượng sinh viên đông hơn sẽ cho đăng ký trước, ngành nào có số lượng ít hơn sẽ được đăng ký sau.

Do đó, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản tất cả sinh viên của trường đều đăng ký được đầy đủ các môn cần học trong học kỳ của mình.

Việt Nam thí điểm đào tạo tín chỉ từ năm 1993 và bắt đầu mở rộng từ năm 2005. Đặc điểm của hình thức đào tạo này là kiến thức được cấu trúc thành module (học phần), sinh viên học theo từng học phần (đơn vị tính là tín chỉ), đạt đến trình độ nào được công nhận đến trình độ ấy. Do đó, sinh viên được chủ động chọn môn và lớp phù hợp với mong muốn, miễn là tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp.

Khánh An