Làm sao để Lịch sử không bị coi là môn phụ

15/02/2021 06:15
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Lịch sử giúp người ta nhận thức được bản thân, nhận thức được dân tộc thì hà cớ gì lại là môn phụ?

Nhiều người cho rằng, giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú với môn học nhưng dù có thích thì môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để nâng cao vị trí của môn Lịch sử và xóa được tâm lý “môn phụ” - “môn chính” tồn tại trong các nhà trường phổ thông lâu nay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là năm 2021 bắt đầu đưa môn Lịch sử và Địa lý vào giảng dạy ở khối lớp 6.

Trước băn khoăn này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử thừa nhận, thực tế là học trò đi học là nghĩ đến thi, thi là nghĩ đến điểm. Mà thi trong lớp, từng môn, từng cấp học ở phổ thông thì ý nghĩa không nhiều bằng thi để vào đời (tức là thi đại học).

“Tuy nhiên, theo tôi, cách tổ chức thi, xét tuyển đại học hiện nay có những vấn đề cần đổi mới. Bởi hiện nay mặc dù công tác tuyển sinh đại học đã có nhiều đổi mới xong xét tuyển đại học hầu như vẫn phân chia theo khối, theo ban, nhóm ngành theo kiểu các tổ hợp xét tuyển đại học theo khối ngành: Khoa học tự nhiên: Toán, Lý, Hóa..; khối ngành xã hội: Văn, Sử, Địa...

Trong khi câu chuyện phân ban đã có từ thế kỉ XX mà giờ ta vẫn giữ là rất lạc hậu. Lĩnh vực nào giờ đây cũng mang tính liên ngành cao, vả lại tuyển vào đại học là xem khả năng học tập ở bậc trên phổ thông nên kiểm tra lại những kiến thức cũ là không phải là phương thức thích hợp”, Giáo sư Vũ Minh Giang đánh giá.

Giáo sư Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử (ảnh: NVCC)

Giáo sư Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử (ảnh: NVCC)

Một vấn đề quan trọng nữa mà Giáo sư Vũ Minh Giang đưa ra là khi chuyển sang giáo dục tiếp cận năng lực thì đề thi cũng phải thay đổi. Thi đánh giá năng lực hoàn toàn khác với tiếp cận nội dung.

Nếu như tổng quát hóa thì câu hỏi của cách thi tiếp cận nội dung sẽ theo kiểu “đố cái này là cái gì?”, vì vậy đề thi phải được giữ bí mật tuyệt đối cho nên phải cần một lực lượng hùng hậu bảo vệ đề thi, người ra đề thì bị cách ly…Một quy trình rất rườm rà và tốn kém trong khi các nước họ không làm như vậy. Dù tốn rất nhiều thời gian, công sức nhưng cách thi này lại khó có thể chọn đúng được người có năng lực bởi những lẽ sau:

Thứ nhất, học sinh được điểm cao có thể là những người học trúng tủ. Đây là những học sinh lười gặp may.

Thứ hai, không loại trừ những học sinh đạt kết quả cao là thí sinh dùng “phao” quay cóp mà không bị phát hiện. Trong trường hợp những người gian đã lọt qua vòng thi tuyển.

Thứ ba, dù không nhiều, trong số những người đỗ cao chắc chắn có những học trò dùi mài, học toàn diện, thuộc làu làu. Nhưng đó là kết quả của lối học vẹt, phương pháp mà chúng ta luôn phê phán.

Rõ ràng, nếu thi theo phương thức tiếp cận nội dung thì sẽ chọn chủ yếu được người gian, lười và học vẹt, mặc dù cũng có tỷ lệ nhất định những người học giỏi, sáng tạo nhưng cách thi này ngày càng bộc lộ những hạn chế, không đáp ứng sự phát triển của nền giáo dục hiện đại.

Phương thức thi đánh giá tiếp cận năng lực khiến học sinh không thể học lệch, không cần luyện thi, bởi kiến thức trong đề trải rộng cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Việc giáo viên cần làm để đánh giá được năng lực của học sinh là thay đổi cách tiếp cận, cách đặt câu hỏi.

Thay vì đặt câu hỏi để kiểm tra nội dung và lượng kiến thức học sinh lĩnh hội được, các bài kiểm tra bây giờ cần đánh giá với các kiến thức học được ấy, học sinh có thể ứng dụng để giải quyết những vấn đề của cuộc sống và các em đã phát triển được những năng lực gì.

Đối với môn Lịch sử, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử cho rằng phải làm sao đưa những kiến thức căn bản tối thiểu vào câu hỏi để người học tự tìm cách xử lý, bằng cách này sẽ luyện được tư duy bởi thi đại học là đánh giá năng lực của người học có khả năng đáp ứng học ở mức độ nào.

“Khi đã đánh giá năng lực phân tích, tổng hợp, suy luận và sáng tạo thì phổ câu hỏi rất rộng, rất phong phú, ở mọi lĩnh vực có thể đưa vào làm đề thi và như vậy không cần phải đội ngũ bảo vệ đề thi như hiện nay nữa.

Tôi xin nhắc lại rằng, môn Lịch sử cần cho tất cả mọi người, kể cả những nhà khoa học làm trong lĩnh vực tự nhiên, công nghệ, kinh tế, công nghệ thông tin… đặc biệt là những người làm chính trị, lãnh đạo, quản lý… do đó thi cử như thế nào để học trò không “bỏ” học môn Lịch sử ngay từ khi phân ban, chỉ em nào học và thi tổ hợp khối ngành xã hội mới học”, thầy Giang nhấn mạnh.

Còn muốn để không còn tâm lý “môn chính – môn phụ” thì trước tiên phải đánh giá đúng môn học đó và xác định vị thế trong các môn học. Một môn học giúp người ta nhận thức được bản thân, nhận thức được dân tộc thì hà cớ gì lại là môn phụ? Nếu nền giáo dục có phân chia môn chính – môn phụ thì Lịch sử phải là môn chính.

“Tôi đã nhiều lần khẳng định, nếu phải chọn ra 3 môn quan trọng nhất của giáo dục phổ thông thì theo tôi đó phải là Văn – Toán – Lịch sử. Thế giới, thậm chí ngay cả các nước hiện đại càng ngày càng nhận ra rằng, khi môn Lịch sử bị coi nhẹ thì cả dân tộc mất phương hướng.

Do đó, nếu xác lập thì phải xác lập cho đúng vị trí đối với môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục”, giáo sư Vũ Minh Giang một lần nữa nhấn mạnh.

Thùy Linh