Làm video xấu độc, youtuber Thơ Nguyễn vướng những vấn đề gì về pháp lý?

14/03/2021 08:47
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của gia đình và các cơ quan tổ chức.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sự việc Youtuber Thơ Nguyễn một "hot Youtuber" (người sản xuất nội dung video trên Youtube nổi tiếng ở Việt Nam) đã sản xuất và đăng video có nội dung phản cảm và có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan khi sử dụng búp bê Kumanthong liên quan đến yếu tố tâm linh, gây hoang mang dư luận xã hội.

Các clip này đã vấp phản nhiều phản ứng gay gắt của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác minh làm rõ và có phương án xử lý với người này.

Youtuber Thơ Nguyễn quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”. Ảnh cắt từ clip.

Youtuber Thơ Nguyễn quay video dùng búp bê để “xin vía học giỏi”. Ảnh cắt từ clip.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đã có những trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về trường hợp của Youtuber này.

"Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Trong đó, hoạt động tín ngưỡng được hiểu là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Luật này nghiêm cấm Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Mê tín dị đoan là hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/ N Đ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trường hợp thực hiện hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan quy định tại điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt có thể là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

Theo quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay mạng xã hội, mạng internet đang phát triển nhanh chóng, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội, thậm chí là cổ súy cho những hành vi mê tín dị đoan.

Điều đáng buồn là những nội dung đó lại được rất nhiều người quan tâm, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tâm lý sùng tín cùng với nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều người còn kém, dẫn đến nhiều người dễ mê tín và lan truyền thông tin sai sự thật.

Trường hợp của youtuber Thơ Nguyễn chỉ là một trong rất nhiều kênh sản xuất nội dung phản cảm bị phát hiện và lên án, bởi đây là kênh youtube hướng đến các em nhỏ nên hành vi có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan lại càng trở nên nguy hiểm hơn.

Tỷ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ, trong đó có phần nhiều là trẻ em, đây là đối tượng rất dễ bị các thông tin trên mạng tác động tâm lý và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.

Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ảnh minh họa: Vtv.vn

Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ảnh minh họa: Vtv.vn

Do đó, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng.

Hành vi đưa thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội cũng thật có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng nếu hành vi của YouTuber này được xác định là “đưa thông tin trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi gây dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại khoản hai điều 288 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu trên.

Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trước hết sẽ kiểm tra hệ thống các clip mà YouTuber này đã đăng trong thời gian gần đây, đánh giá nội dung để so sánh với các quy định pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm quy định của Luật an ninh mạng, đưa những thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội cũng như những thông tin trái pháp luật trên mạng xã hội để thu lợi bất chính thì có thể xử lý hình sự theo điều 288 Bộ luật hình sự nêu trên.

Nhìn dưới góc độ bảo vệ trẻ em, luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn Luật Bảo vệ trẻ em năm 2016.

Theo quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay trên môi trường mạng không chỉ có những tin xấu đọc từ các "giang hồ mạng" mà còn có các kênh YouTube, những trang mạng không lành mạnh, thậm chí có thể “đầu độc” giới trẻ.

Bởi vậy cha mẹ, người giám hộ cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em.

Luật bảo vệ trẻ em quy định, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:

1. Phòng ngừa;

2. Hỗ trợ;

3. Can thiệp.

Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.

Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau:

Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bởi vậy bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của gia đình và các cơ quan tổ chức.

Trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình cha mẹ cần phải quan tâm, theo dõi, quản lý giáo dục các em, hướng dẫn các em các kỹ năng cần thiết trên môi trường mạng để tránh việc các em sử dụng môi trường mạng không lành mạnh, ảnh hưởng đến nhận thức và sự phát triển nhân cách.

Trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình cơ quan chức năng cũng cần phải kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng đưa những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, có những cảnh báo, ngăn chặn, thậm chí xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự để đảm bảo an toàn, trong sạch môi trường mạng.

Trần Phương