Lãnh đạo nhiều trường THPT mong trường ĐH mở thêm mã ngành xét tuyển có môn Sử

02/03/2023 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ý kiến từ GV, nếu các trường đại học mở thêm mã ngành đào tạo mới có môn Sử, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy người học chú trọng môn học này. 

Liên quan đến dự kiến Lịch sử thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, có ý kiến cho rằng, nếu điều này được triển khai thực hiện thì học trò sẽ quan tâm, chú trọng hơn với môn học này.

Tuy nhiên, để học sinh thực sự yêu thích, lựa chọn môn Lịch sử nhiều hơn, bên cạnh việc đưa Lịch sử vào dự kiến các môn thi bắt buộc, các trường đại học cũng cần mở thêm những mã ngành đạo xét tuyển có môn này. Hiện nay, đa phần các ngành có xét tuyển điểm môn Lịch sử đều thuộc về khối xã hội, theo khối C (Văn - Sử - Địa) truyền thống.

Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Minh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Châu, Hoà Bình) cho biết, bản thân ông rất ủng hộ về đề xuất dự kiến năm 2025 đưa Lịch sử vào nhóm môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

"Môn Lịch sử ở góc độ nào đó chưa được học sinh chú trọng, theo quan niệm của nhiều em, đây vẫn là môn phụ, các em tập trung cho nhóm môn chính gồm: Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn. Vì lẽ đó, những năm gần đây phổ điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử của học sinh trung học phổ thông thường thấp. Nếu đến năm 2025, Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc thì thầy cô giáo sẽ phải cố gắng để đổi mới phương thức dạy học, giúp học sinh yêu thích môn học hơn", thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Tuấn cũng cho rằng, hiện tại các em học sinh lớp 10 đang học Lịch sử - thuộc nhóm môn bắt buộc. Nếu các trường đại học tăng cường các khối thi, xét tuyển có sử dụng kết quả của môn học này thì sẽ thu hút các em quan tâm, chú trọng học Lịch sử nhiều hơn.

"Các ngành xét tuyển đại học có môn Lịch sử cho đến thời điểm hiện tại đa phần vẫn nằm ở riêng thuộc tổ hợp khối C. Nên nếu các trường đại học tăng cường xét tuyển những ngành khác có môn Lịch sử thì khi đó, học sinh sẽ thấy được sự quan trọng của môn học này và sẽ chú trọng học hơn nữa", thầy Tuấn nói.

Theo thầy Tuấn, nếu chỉ đưa Lịch sử vào nhóm môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng xét tuyển đại học có môn Lịch sử vẫn bó hẹp ở khối C thì việc thúc đẩy học môn này sẽ khó đồng bộ.

Cô Phạm Thị Vân (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, Hải Dương) cho biết, hiện tại nhà trường đang lấy ý kiến giáo viên góp ý cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa Lịch sử vào nhóm môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

"Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất dự kiến trên, bởi lẽ như Bác Hồ từng nói: dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", cô Vân nói.

Nếu học sinh chỉ học môn Sử chỉ để biết, không thi, sẽ không có hiệu ứng nâng cao chất lượng dạy và học môn này.

"Các trường đại học cũng cần mở rộng các khối thi có môn Lịch sử để học sinh có động lực học tập, cố gắng", cô Vân cho hay.

Giảng dạy Lịch sử theo chương trình mới có khó khăn gì?

Thầy Phạm Minh Tuấn cho biết, học sinh lớp 10 đã trải qua hơn một học kỳ của chương trình giáo dục phổ thông 2018, kết quả học tập môn Lịch sử hiện tại đang chuyển biến dần dần chứ chưa thực sự mạnh mẽ do đang làm quen với chương trình mới.

"Chương trình mới, sách giáo khoa mới, yêu cầu phương pháp học tập mới nên các em có thể chưa thể bắt nhịp được ngay. Bên cạnh đó, giúp các em yêu thích môn Lịch sử là cả quá trình, cần thời gian, không thể nóng vội", thầy Tuấn đánh giá.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Châu (Hòa Bình) cho hay, giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường thực hiện đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, các em có nhiều cố gắng, nhưng sự thay đổi trong kết quả học tập vẫn chưa thể hiện rõ. Nhà trường có hướng mở hơn trong quá trình dạy và học là phải giúp học sinh có sự yêu thích thực sự đối với môn học.

Còn cô Phạm Thị Vân cho hay, các thầy cô giảng dạy môn Lịch sử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phản hồi rằng, trong chương trình môn học này có nội dung kiến thức cốt lõi và kiến thức các chuyên đề học tập (do học sinh lựa chọn). Nếu chọn chuyên đề học tập sẽ hỗ trợ các em học chuyên sâu hơn để thi học sinh giỏi Lịch sử.

Theo vị Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Hải Dương) đối với môn Lịch sử trong chương trình mới, việc rèn kỹ năng phải phụ thuộc vào thầy cô rất nhiều, khi yêu cầu dành cho các em nhiều hơn như: phải biết thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin... thì thầy cô phải hỗ trợ các em vừa kiến thức chuyên môn, vừa những kỹ năng học tập đó.

Mạnh Đoàn