Lo các em không được học hành tử tế lại tiếp tục nghèo đói!

13/11/2019 06:20
Trinh Phúc
(GDVN) - Cả sự nghiệp dạy học gần 30 năm cô Bùi Thị Hiệp gắn liền với học sinh dân tộc Cờ Tu nơi miền Tây xứ Huế. ​

Cô giáo Bùi Thị Hiệp gắn bó với trường Tiểu học Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế (nơi học trò đa số là con em đồng bào dân tộc Cờ Tu) đã có thời gian 27 năm cầm phấn.

Hành trình dạy học của cô giáo đầy ắp những kỷ niệm gắn liền với giáo dục vùng cao miền Tây cố đô.

Chia sẻ về nghề dạy học của mình, cô Bùi Thị Hiệp kể rằng, vốn sinh ra ở huyện Nam Đông nên hiểu hết những khó khăn, thiếu thốn của người dân tộc thiểu số nơi đây.

Cô Hiệp đã có 27 năm gắn bó, dạy học con em đồng bào dân tộc Cờ Tu (ảnh do nhân vật cung cấp).
Cô Hiệp đã có 27 năm gắn bó, dạy học con em đồng bào dân tộc Cờ Tu (ảnh do nhân vật cung cấp).

Tháng 9 năm 1992 sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm cô được phân công về dạy Trường Tiểu học Thượng Lộ - là ngôi trường định canh định cư thuộc một trong những xã nghèo nhất huyện.

Ai đã từng đến huyện miền núi Nam Đông trong những năm đầu của thập kỉ 90 mới hiểu hết nỗi gian lao vất vả của những người thầy, người cô công tác ở xứ núi rừng.

Cô Hiệp kể lại: “100% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ngôn ngữ bất đồng, giao tiếp với các em đã khó, dạy cho các em biết đọc, biết viết lại càng khó biết bao nhiêu.

Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều đầu tiên vào nhận lớp ấy... học sinh lớn hơn cả cô vì ngày đó các em học không đúng tuổi như bây giờ.

Học sinh lớn mà cô thì trẻ nên rất khó bảo, ngôn ngữ bất đồng, cơ sở vật chất ở trường lại thiếu thốn đủ thứ.

Phòng học chỉ tranh tre nứa lá tạm bợ. Về mùa đông đứng dạy trong lớp gió lùa vào từng đợt, cô trò buốt lạnh cả tim gan…

Tuy khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ tôi nản chí, điều làm tôi trăn trở nhất đó là sự quan tâm của phụ huynh với việc học của con em hầu như không có.

Quãng thời gian làm giáo viên, cô Hiệp có nhiều kỷ niệm vui với học trò miền Tây xứ Huế (ảnh do nhân vật cung cấp).
Quãng thời gian làm giáo viên, cô Hiệp có nhiều kỷ niệm vui với học trò miền Tây xứ Huế (ảnh do nhân vật cung cấp).

Việc học của các em đều mang tính tự phát chứ không tự giác. Các em thích thì đi không thích thì ở nhà, có em thì ở nhà để phụ giúp gia đình vào rừng kiếm măng lấy mật v..v”.

Trong điều kiện như vậy, để bám trụ với nghề như cô Hiệp và đồng nghiệp của cô là một sự vượt khó vươn lên đáng khâm phục.

Chia sẻ thêm, cô Hiệp cho biết, lúc đó cô chỉ mong các em đến lớp đầy đủ là mừng rồi.

Để lớp có học sinh dạy thì các thầy cô giáo như cô Hiệp phải trèo đèo lội suối nhiều ngày đi vận động các em đến trường.

Khi các em đã đến trường đông đủ và đều đặn, lại tiếp những nỗi lo … Các em đi học thiếu thốn đủ thứ.

Áo quần mỏng manh không đủ ấm, đi học bữa đói bữa no, có em nhịn đói không chỉ buổi sáng mà cả buổi trưa để đến trường nên việc tiếp thu của các em đã chậm lại càng chậm hơn.

Với cô Hiệp giáo dục thời điểm đó rất khó khăn. Cái ăn cái mặc đã thiếu lấy gì mua đồ dùng học tập.

Tôi đã tắm, giặt cho học sinh của mình để các em không bỏ học!
Tôi đã tắm, giặt cho học sinh của mình để các em không bỏ học!

Dù người thầy có yêu nghề đến đâu mà các em không thích học và không có những điều kiện tốt để học thì rất khó để xây dựng một lớp học có chất lượng! 

Dạy học ở vùng cao đã là vất vả nhưng thử thách lớn nhất đối với thầy cô cầm phấn ở những bản làng xa xôi đó là việc đảm bảo được chất lượng giáo dục.

Nhiều năm trở lại đây điều kiện học tập của con em đồng bào đã tốt hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục rất nhiều…

Cô Hiệp thấu hiểu điều ấy: "Biết rõ khó khăn, thiệt thòi của các em do đặc điểm vùng miền đem lại, tôi thiết nghĩ nếu không được học hành tử tế các em sau này sẽ là vết xe đỗ của bố mẹ. Các em sẽ lại nghèo đói vì không được học hành tử tế."

Nhận thức được tầm quan trọng của việc học những em nào quá chậm cô Hiệp đều dành thời gian giúp đỡ kèm cặp thêm ở giờ ra chơi hoặc ở nhà.

Cô Hiệp cho rằng những chuyến đi thực tế học tập trải nghiệm tại bảo tàng là cách giúp học sinh nhận thức đúng về giá trị của việc học (ảnh do nhân vật cung cấp).
Cô Hiệp cho rằng những chuyến đi thực tế học tập trải nghiệm tại bảo tàng là cách giúp học sinh nhận thức đúng về giá trị của việc học (ảnh do nhân vật cung cấp).

Với mong muốn các em đến trường đều đặn và lớp học có chất lượng hơn, cô cùng đồng nghiệp giúp đỡ một phần và xin thêm ở bạn bè, các tổ chức từ thiện cho các em học sinh nghèo ăn sáng, sách vở, giày dép, cặp sách, áo quần đồng phục … để các em được đầy đủ đến lớp như các bạn.

Nhờ những cố gắng của cô và nhiều giáo viên nên trường Tiểu học Thượng Lộ có 37 học sinh nghèo /126 học sinh toàn trường đã được ăn sáng miễn phí. 100% các em đầy đủ đồ dùng học tập.

Ngoài giảng dạy, cô Hiệp còn tổ chức giúp các em được tham gia trải nghiệm với nhiều hoạt động có ý nghĩa và vui chơi giải trí nhằm mở mang tầm mắt và giúp các em phát triển kĩ năng sống.

Cô đã xin bạn bè giúp đỡ thêm kinh phí để cho các em cuối năm được đi tham quan học tập ở một số địa điểm như Bảo Tàng Hồ Chí Minh ở Huế …

“Cái chữ ăn no được”
“Cái chữ ăn no được”

Đó là niềm vui lớn nhất, mong muốn nhất đối với các em học sinh dân tộc Cờ Tu.

Qua những đợt tham quan, các em càng yêu thích đi học và học ngày càng tốt hơn. Điều đó đã được khẳng định bởi nhiều năm liền trường Tiểu học Thượng Lộ là một trong những trường Định canh định cư ở huyện Nam Đông có tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần nhất, chưa có một năm nào có học sinh bỏ học giữa chừng.

Không phụ lòng cô giáo, nhiều năm liền những lớp cô Hiệp chủ nhiệm các em đều ngoan và chăm học.

Điều đó khiến cô cảm thấy yêu hơn nghề mình đã chọn và luôn phấn đấu rèn luyện cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức của một nhà giáo.

Cô Hiệp tâm sự: “Thấm thoát 27 năm đứng trên bục giảng đã dần qua, một công việc thầm lặng nhưng cho tôi biết bao bài học và kinh nghiệm quý báu.

Với chừng ấy năm dạy ở trường vùng khó cũng đủ để cô nghiệm ra rằng làm công tác giáo dục không hề dễ, dạy ở các trường định canh định cư mà 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Cờ Tu lại càng khó hơn gấp bội phần.

Với các em có lúc cần phải nghiêm nghị, có lúc cần phải mềm dẻo, nhẹ nhàng không quá nóng vội, phải thường xuyên động viên khen ngợi dù đó chỉ là một tiến bộ rất nhỏ và đặc biệt là phải biết sẻ chia, cảm thông với hoàn cảnh, tính cách từng em sẽ giúp giáo viên hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm của mình hơn rất nhiều.

Do đó, tôi luôn tự ý thức rằng, nhu cầu vật chất đến một thời điểm nào đó người ta sẽ thấy thỏa mãn nhưng nhu cầu về sự sẻ chia, về lòng yêu thương thì chẳng bao giờ là đủ cả, nên luôn bên cạnh với các em”.

Trinh Phúc