Lo ngại xuất hiện tiêu cực trong xét kết quả học tập, rèn luyện lớp 12

28/02/2014 07:08
Xuân Trung
(GDVN) - Với PA đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, lãnh đạo các Sở lo ngại tiêu cực trong việc đánh giá quá trình học tập của HS
Phương án của Bộ GD&ĐT là thay vì chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cùng với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).

Hội đồng trường sẽ giải quyết chuyện tiêu cực?

Nhận định về tiêu chí xét và công nhận tốt nghiệp dựa vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho rằng, phải tin vào cơ sở, nếu làm quản lí mà không tin vào cấp dưới thì sẽ không làm được.

Theo ông Tuấn đây là năm đầu tiên triển khai đổi mới thi tốt nghiệp, việc thông báo cũng rất vội, do vậy căn cứ xét kết quả học tập, rèn luyện chỉ ở lớp 12 cũng là được, còn các năm sau sẽ có những đổi mới tiếp theo, có thể căn cứ cả vào ba năm học cấp ba. 

Liệu có nảy sinh tiêu cực trong việc xét kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12? Ảnh minh họa NLĐ
Liệu có nảy sinh tiêu cực trong việc xét kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12? Ảnh minh họa NLĐ

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định cũng lường trước được vấn đề khi cho rằng, đổi mới lần này là để tiến tới một kì thi, do đó không chỉ căn cứ vào điểm thi mà còn căn cứ vào cả kết quả học tập.

Có một thực tiễn theo ông Tuấn, làm như vậy để cho học sinh không chỉ được phân hóa từ lớp 10, lớp 11, lớp 12 mà còn phải coi trọng các môn khác nữa. Tránh được việc các môn không nằm trong tự chọn thì không thi và dẫn tới các em sẽ không học.

Chia sẻ về quan điểm đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp, đặc biệt liên quan tới tiêu chí xét kết quả học tập và điểm rèn luyện của học sinh lớp 12, liệu đây là một kẽ hở nảy sinh tiêu cực? Ông Lê Ngọc Bữu, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre cho biết, đây là tiêu chí mới nên trước mắt cần phải trải qua năm nay mới biết được xem có tiêu cực hay không? 

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân ông Bữu cho rằng, vấn đề này tùy nơi, nếu nơi nào không chạy theo thành tích thì vẫn đảm bảo được tiêu chí đó, đảm bảo được tính khách quan. Còn nơi nào có ý chạy theo thành tích thì cũng không biết đâu mà lần. 

“Cuối năm học này tôi sẽ xem kết quả một số nơi trong tỉnh có bất thường hay không, ở tỉnh chúng tôi chắc cũng phải làm thêm động tác kiểm tra, xem có gì bất thường trong điểm tổng kết cuối năm hay không” ông Bữu cho hay.

Cùng với đó, ông Nguyễn Hùng Nhiên, phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho hay, việc tính toán lo ngại tới vấn đề tiêu cực trong xét kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12 là đúng.

Không có cái gì là tuyệt đối và đương nhiên có chỗ hở, nhưng tùy thuộc vào quy trình và con người thực hiện, ông Nhiên tin tưởng Bộ GD&ĐT có thể khi là dự thảo còn nói chung chung ở quy định này, khi triển khai sẽ làm kĩ hơn.

Việc lập Hội đồng trường bao gồm giáo viên, hiệu trưởng để xét kết quả đó theo ông Nhiên cũng sẽ khó có tiêu cực.

Việc dấu hiệu “đẩy” học sinh từ yếu kém ở lớp 10, lớp 11 lên khá giỏi ở lớp 12 là rất dễ phát hiện: “Tôi nghĩ chuyện gì cũng vậy, vấn đề quan trọng là do con người, đội ngũ của chúng ta hiện nay tuyệt đại đa số là tốt, còn chuyện tiêu cực, tác động này kia là chuyện nhỏ, nhưng chúng ta làm việc tập thể thì khó có tiêu cực” ông Nhiên nói.

Thi 2 môn/buổi có thể gây áp lực về thời gian

Thứ tự các môn thi trong một ngày và cũng có thể chỉ thi tốt nghiệp trong thời gian 2 ngày (mỗi buổi các em phải thi 2 môn), hoặc có thể thi trong 4 ngày, liệu thí sinh có căng thẳng và mệt mỏi không?

Vấn đề này ông Tuấn cho biết, hoàn toàn không căng thẳng. Bởi, chuyển bị một phương án thi là cho nhiều năm, chứ không thể thường xuyên thay đổi, và đây là năm đầu tiên thực hiện.

Ông Tuấn cũng cho rằng, vấn đề này Bộ GD&ĐT sẽ có kế sách để tránh áp lực cho học sinh, và sau này sẽ thành thói quen và tư tưởng đã được chuẩn bị, coi như ôn thi tốt nghiệp từ lớp 10, vì là tự chọn.

Như vậy không phải ôn thi trong hai tháng như trước đây (thường lệ 31/3 Bộ GD&ĐT mới công bố môn thi tốt nghiệp THPT).

“Đối với người làm thi gọi là hơi mệt một chút, nhưng là không mệt vì giảm từ 4 ngày xuống còn 3 ngày. Tôi cho rằng sắp xếp như vậy là hoàn toàn hợp lí. Tôi cho rằng đổi mới này là cần thiết và không có một đổi mới nào là đều tốt, đều suôn sẻ, hãy làm đi để rồi xem biết được tốt hay không tốt. Còn việc nghi ngờ và cầu toàn thì không bao giờ làm được” ông Tuấn nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cảnh báo, cần tính toán để bớt rủi ro là cần thiết. Xét về toàn diện phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ GD&ĐT, ông Tuấn khẳng định không có điều gì băn khoăn.

Còn theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bến Tre Lê Ngọc Bữu, việc sắp xếp ngày thi như của Bộ đưa ra trong dự thảo có thể làm trùng môn, như Văn và Hóa thi trong buổi sáng, như vậy học sinh sẽ mệt. Phương án tốt nhất theo ông Bữu vẫn là một buổi thi một môn, thi như vậy không trùng nhưng lại kéo dài thời gian. 

Theo ông Bữu, về lâu dài nên kiểm tra chặt chẽ quá trình học ở THPT, nếu xong chương trình phổ thông mà đạt yêu cầu thì công nhận cho các em đạt trình độ THPT, chứ không cần thi tốt nghiệp để tránh tốn kém. Còn kì tuyển sinh nên duy trì vì đó là tuyển có giới hạn nên phải sàng lọc. 

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang băn khoăn, việc học sinh phải thi 2 môn/buổi mặc dù là gọn hơn nhưng bất lợi cho học sinh, nếu tính thời gian thì có thể học sinh vào thi muộn hơn. Nhưng nếu nhìn tổng thể trong cách đổi mới thi lần này nhìn chung có lợi cho học sinh, còn tính chi tiết thì có một số yếu tố bất lợi. Có thể tương lai khi chương trình ổn định đến 2015, khi có chương trình SGK mới và môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, sẽ không thi theo môn mà thi theo bài thi. 

“Bài thi là một cách đánh giá kiến thức rất tổng hợp, nếu chúng ta làm được như vậy là hay nhất” ông Nhiên khẳng định.

Theo lịch thi dự kiến của Bộ GD&ĐT, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ thi 4 môn (gồm các môn tự chọn) được diễn ra trong 2 ngày 2/6 và 3/6.

Cụ thể, ngày 2/6: Buổi sáng: Văn (bắt buộc), Hóa học. Buổi chiều: Vật lý, Lịch sử. 

Ngày 3/6: Buổi sáng: Toán (bắt buộc), Ngoại ngữ.Buổi chiều: Sinh học, Địa lý.

Các môn Toán, Văn, Sử, Địa sẽ thi tự luận; các môn Hóa, Lí, Sinh thi trắc nghiệm.

Riêng môn Ngoại ngữ sẽ kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận với thời gian thi không thay đổi (60 phút).

Để tránh rủi ro, mỗi thí sinh sẽ chỉ có 1 số báo danh duy nhất, mỗi ca thi sẽ chỉ thi 1 môn thi, mỗi phòng thi chỉ có 1 môn thi.

Xuân Trung