Loại bỏ được SGK dùng 1 lần thì lại đẻ ra đủ thứ sách bài tập đắt đỏ bán kèm

25/12/2021 06:59
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách giáo khoa của chương trình năm 2006 hay chương trình năm 2018 đã được xã hội hóa thì các đơn vị xuất bản vẫn là những người chủ động ở “sân chơi” này.

Những năm qua, câu chuyện về sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo cho các cấp học phổ thông đã được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng về những bất cập về nội dung, giá thành và những lãng phí.

Bởi cho dù là khi sách giáo khoa của chương trình năm 2006 độc quyền hay chương trình năm 2018 đã thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa thì các đơn vị biên soạn, xuất bản vẫn là những người chủ động ở “sân chơi” này.

Chính sách giáo dục dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì những tác giả sách giáo khoa, các nhà xuất bản vẫn kiếm lời từ phụ huynh và đội ngũ nhà giáo như thường.

Cứ nhìn sách giáo khoa của chương trình 2018 ở lớp 6 năm nay cũng đủ cho dư luận thấy được những khách hàng mua sách giáo khoa bao giờ cũng là người bị động và họ không bao giờ có quyền mặc cả về giá và chất lượng của sản phẩm đặc biệt này.

Nhìn bộ sách lớp 1 khiến chúng ta suy nghĩ nhiều điều (Ảnh: Phan Tuyết)

Nhìn bộ sách lớp 1 khiến chúng ta suy nghĩ nhiều điều (Ảnh: Phan Tuyết)

Sách giáo khoa ở chương trình 2006 khác gì với sách giáo khoa ở chương trình 2018?

Nếu như sách giáo khoa của chương trình 2006 được dư luận biết đến là nhiều đầu sách được thiết kế “dùng một lần rồi bỏ" đã gây nên những lãng phí lớn cho xã hội.

Đặc biệt, bên cạnh sách giáo khoa 2006 thì sau này có thêm sách VNEN, sách giáo khoa của nhiều dự án khác nhau đối với các môn Tiếng Anh, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc… được biên soạn, xuất bản với giá cao gấp nhiều lần sách giáo khoa 2006.

Có điều, những môn học được thực hiện theo các dự án sau này đa phần được thiết kế làm bài tập trực tiếp trên sách giáo khoa nên học sinh chỉ dùng được 1 năm thì bắt buộc phải bỏ đi.

Phụ huynh phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền để mua sách cho con hằng năm rồi cuối năm học cân bán phế liệu, vấn đề này đã được truyền thông phản ánh khá nhiều cũng được các Đại biểu Quốc hội chất vẫn, thảo luận…

Bây giờ, sách giáo khoa của chương trình 2018 đã thực hiện ở 3 khối lớp là lớp 1, lớp 2 và lớp 6 nhưng cho dù chương trình mới đã chủ trương thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa thì mục đích, chiến lược của các đơn vị xuất bản sách giáo khoa vẫn không mấy thay đổi.

Bây giờ sách giáo khoa không thiết kế làm bài trực tiếp trên sách giáo khoa nhưng vì nhiều đầu sách có sai sót nên bắt buộc các đơn vị phải chỉnh lí, bổ sung vào năm sau thì sách năm trước cũng đâu có dùng được.

Hơn nữa, trước đây dư luận phản đối thiết kế làm bài tập trực tiếp trên sách giáo khoa thì bây giờ các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa thiết kế thêm mỗi môn có từ 1-2 đầu sách bài tập nên phụ huynh còn tốn kém hơn trước.

Không có môn học nào là không có sách bài tập sách tham khảo. Ngay cả những môn như Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật mà các đơn vị này cũng đưa ra thị trường những cuốn sách bài tập.

Trong khi, sách giáo khoa chương trình 2018 hiện nay cao gần gấp 4 lần sách giáo khoa 2006 nên bây giờ phụ huynh còn tốn kém hơn khi mua sách học hằng năm cho con em mình.

Gần như các tác giả sách giáo khoa đều là chủ biên sách bài tập, sách tham khảo

Ngày 23/12/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Trả lời của Bộ trưởng Giáo dục về sách giáo khoa chưa thuyết phục của tác giả Thanh Sơn. Bài báo đã dẫn lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy như sau:

Ông Bùi Mạnh Hùng là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Chân trời sáng tạo), Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 2, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Cả 4 bộ sách này đã xuất bản.

Cũng trong thời gian trên, ông Hùng còn làm Tổng Chủ biên các sách giáo khoa Tiếng Việt 3, Ngữ văn 7, Ngữ văn 10 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các bản mẫu sách giáo khoa này đã hoàn thành, được in và đã trình Hội đồng thẩm định.

Ngoài ra, ông Hùng còn viết hàng chục đầu sách tham khảo của hai bộ sách trên. Báo chí đã thống kê gần 50 đầu sách ông Hùng viết trong 2 năm. Để làm bằng chứng, một nhà báo đã gửi tôi ảnh chụp các bìa sách giáo khoa, sách tham khảo Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục.

Riêng ở bộ sách Tiếng Việt 1 Kết nối tri thức với cuộc sống, ông Hùng đã đứng tên trên 13 quyển sách”.

Nhưng, đâu chỉ mình thầy Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên, Chủ biên nhiều đầu sách mà nhiều tác giả sách giáo khoa những môn học khác cũng vậy - đặc biệt là những tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn (cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông) và sách Tiếng Việt (cấp tiểu học).

Phần nhiều những tác giả đã tham gia ở Ban phát triển Chương trình tổng thể, Chương trình môn học hoặc là tác giả sách giáo khoa là những người viết nhiều sách bổ trợ, sách tham khảo nhất.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn của chương trình 2006 đã có nhiều lần thay đổi hình thức thi và kiểm tra. Những năm đầu là kiểm tra, thi tự luận, sau đó chuyển sang tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan và mấy năm nay là tự luận hoàn toàn.

Đa phần tác giả sách giáo khoa là những người viết sách mẫu, sách luyện thi, sách nâng cao… vì thế đội ngũ nhà giáo, học sinh cũng tin tưởng và tìm đến những sản phẩm này nhiều hơn.

Hiện nay, sách giáo khoa của chương trình 2018 mới thực hiện ở lớp 6 nhưng sách tham khảo thì vô cùng nhiều. Chỉ một môn học nhưng các tác giả sách giáo khoa có thể “chế ra” rất nhiều những đầu sách khác nhau và tất nhiên là những đầu sách này đều… quan trọng với giáo viên và học sinh.

Thực ra, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa nhưng cách làm không mới bởi đa phần vẫn là những con người cũ

Sách giáo khoa vẫn có nhiều hạn chế về nội dung và mỗi khi dư luận lên tiếng thì phần lớn các tác giả, nhà xuất bản vẫn giữ im lặng, ngay cả cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa quyết liệt khi dư luận phản ánh.

Sách giáo khoa sai thì chỉnh lí, bổ sung, in mới và tất nhiên là sách cũ sẽ không dùng được vào năm sau. Vì thế, những thiệt thòi thuộc về phụ huynh, học sinh và các nhà trường còn đơn vị xuất bản và tác giả sách giáo khoa, sách tham khảo gần như không bị ảnh hưởng gì.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tra-loi-cua-bo-truong-giao-duc-ve-sach-giao-khoa-chua-thuyet-phuc-post223254.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG