Lời cảnh báo với các nhà thầu xây dựng

13/09/2018 08:17
Theo Báo Xây Dựng
(GDVN) - Trên cơ sở chúng tôi có được thấy rằng đại gia này “thật là cao thủ”, nếu không được ngăn chặn thì hậu quả xảy ra sẽ khôn lường cho nhiều nhà thầu và đất nước.

Những năm gần đây, trong hoạt động xây dựng, cơ bản được chi phối do nền kinh tế thị trường, nhiều tổ chức hoạt động xây dựng ra đời như: Hoạt động tư vấn xây dựng, tư vấn định giá, tư vấn đầu tư… đồng thời xuất hiện nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng.

Lực lượng hoạt động thi công xây dựng trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng, có thể đảm đương thi công những công trình công nghiệp, xây dựng, giao thông… với quy mô lớn, hiện đại đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế, vì vậy đã tạo ra môi trường cạnh tranh tương đối khốc liệt trong lĩnh vực này.

Mặc dù vốn đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước hàng năm không tăng nhiều, nhưng chủ yếu lại đầu tư hoàn thiện những công trình đang dở dang.

Bù lại nhiều nhà đầu tư đã đầu tư những nguồn vốn đáng kể để xây dựng nhiều khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng… làm bộ mặt đô thị đất nước có nhiều đổi thay.

Điều này đã tạo công ăn việc làm cho các nhà thầu xây dựng và cho xã hội.

Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều tiêu cực trong hoạt động xây dựng như: Tình trạng mua, bán thầu giữa chủ đầu tư và các nhà thầu; tình trạng bán thầu của nhà thầu chính cho nhà thầu phụ, thầu phụ (B’) tiếp tục bán cho các nhà thầu phụ khác (B’’; B’’’…). Điều này đã gây ra nhiều tiêu cực trong môi trường hoạt động xây dựng.

Đối với những công trình xây dựng bằng vốn ngân sách, ở một số cơ sở, do sự phân bổ vốn tùy tiện, thiếu kế hoạch của những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dẫn đến tình trạng công trình thi công thiếu vốn kéo dài; nguồn vốn không kịp thời trả cho nhà thầu, dẫn đến một “trùm” nợ: Nợ ngân hàng, nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu phụ nợ nhà bán vật liệu làm cho tình hình trở nên phức tạp.

Không chỉ đối với những công trình bằng nguồn vốn Nhà nước, một vài nhà đầu tư cũng học chiêu trò này để chiếm dụng vốn của các nhà thầu thi công xây dựng.

Báo chí đã từng chỉ mặt, có “đại gia” xưng danh là Chủ tịch một tập đoàn đầu tư xây dựng xuyên quốc gia.

Anh ta thường cấu kết với con em một vài quan chức có trách nhiệm trong ngành, đi đâu cũng khoe có mối quan hệ với những cán bộ cấp cao của Nhà nước, đến gặp các chủ đầu tư có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để nhận thi công dưới hình thức tổng thầu.

Với mọi “chiêu trò”, kể cả dọa nạt chủ đầu tư để được nhận làm nhà thầu chính hoặc tổng thầu. Sau khi nhận được giao thầu “đại gia” này bán ngay cho một nhà thầu phụ “kiếm chác” đến 20% - 30% giá trị hợp đồng.

Để đảm bảo không bị các cơ quan pháp luật phát hiện anh ta và nhà thầu phụ thỏa thuận: Thứ nhất, hợp đồng phải được giữ kín giữa hai bên và anh ta giữ toàn bộ hợp đồng; thứ hai, việc nghiệm thu thanh toán và các giao dịch với chủ đầu tư anh ta hoàn toàn đứng ra đảm nhận; thứ ba tất cả các công nhân trên công trường thi công đều mặc trang bị bảo hộ mang tên doanh nghiệp của anh ta.

Các quy định trên hầu như không trái với quy định của pháp luật nhưng trên thực tế khi anh ta với tư cách là nhà thầu chính ứng tiền của chủ đầu tư thì anh ta chỉ trả lại nhà thầu phụ một phần cơ bản để trả lương công nhân lao động, mặc dù tiền mua vật liệu để thi công do nhà thầu phụ chi trả.

Công việc đang thi công dở dang, sự bất đồng giữa nhà thầu phụ có thể xảy ra nhưng nhà thầu phụ cũng không thể không tiếp tục thi công vì theo hợp đồng ký kết nếu bỏ dở dang thì nhà thầu phụ có thể mất hết.

Mặt khác, trong bối cảnh công ăn việc làm của công nhân, thiết bị máy móc với một lượng kinh phí lớn đang đặt tại công trường… vì thế nhà thầu phụ phải tiếp tục thi công xây dựng công trình cho đến khi hoàn thành công trình.

Đến giai đoạn thanh toán với nhà thầu phụ, đại gia này bắt đầu “trở mặt” chỉ thanh toán tiền lương nhân công cho nhà thầu phụ, còn tiền vật liệu anh ta chiếm đoạt.

Lời cảnh báo với các nhà thầu xây dựng ảnh 2Ai đứng sau tấm danh thiếp bí ẩn để lừa đảo, làm tiền dân?

Hiện tượng lừa dối trắng trợn trên đã xảy ra ở một số công trình thi công như: Sân bay Tân Sơn Nhất, một chiếc cầu tại tỉnh Yên Bái và Bắc Giang.

Trong trường hợp này phần thắng vào tay kẻ lừa đảo vì thầu phụ không giữ được những bằng chứng như hợp đồng từ ban đầu.

Được biết, trong quá trình đang tranh chấp ở những công trình này thì có việc thanh tra, kiểm tra của các ngành và sự quyết liệt của chủ đầu tư, vì vậy “đại gia” không thực hiện được chiêu lừa đảo này.

Tuy nhiên, các nhà thầu phụ cũng bị mất một số tiền vài tỷ đồng do anh ta tiếp tục chiếm dụng và không biết khi nào được trả, mặc dù anh ta đã nuốt trọn tỷ lệ 20% - 30% của nhà thầu phụ do hình thức bán thầu.

Một kiểu lừa gạt khác: Một đại gia là Chủ tịch của một tập đoàn đầu tư lớn, tập đoàn này đầu tư nhiều dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf… trên toàn đất nước.

Dư luận gần đây đặt ra nhiều câu hỏi tại sao đại gia này “lớn nhanh” đến thế? Cách đây vài năm vốn kinh doanh của Công ty do anh ta làm chủ chưa đầy 20 tỷ thế mà đến nay số tài sản của anh ta công bố trên sàn chứng khoán đã gấp nhiều nghìn lần.

Trên cơ sở các tài liệu chúng tôi có được thấy rằng đại gia này “thật là cao thủ” và nếu không được ngăn chặn thì hậu quả xảy ra sẽ khôn lường cho nhiều nhà thầu và đất nước vì số tiền nợ của anh ta là quá lớn.

Nguyên lý để đại gia này “lớn nhanh” có thể tổng kết như sau: Chạy dự án – không hiểu do quen biết hay lợi ích nhóm mà đại gia này chiếm rất nhiều dự án có quy mô lớn, thậm chí cả ở những vùng đất trọng yếu, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh phòng thủ đất nước, ven biển trên toàn đất nước như: Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh phúc, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Quốc…

Đa phần là những mảnh “đất vàng” với giá rẻ mạt. Dự án nào cũng tạo ra sự bức xúc cho người dân nhưng rồi tất cả cũng đâu vào đấy.

Sau khi dự án được phê duyệt và chấp thuận đầu tư đại gia này thế chấp dự án cho một ngân hàng hoặc nhiều ngân hàng (kể cả ngân hàng nước ngoài) và lấy tiền để triển khai thi công dự án, cùng với “chiêu trò” huy động cổ phiếu.

“Đại gia” tiến hành lựa chọn các nhà thầu thi công xây dựng lớn để xây dựng dự án với tiến độ thi công chóng mặt, trong hợp đồng quy định nhà thầu thi công phải làm 3 ca/ngày; kể cả những ngày Tết Nguyên đán. Đồng thời trong hợp đồng quy định nhiều việc thưởng phạt mập mờ.

Sau khi công trình thi công xong đúng tiến độ “đại gia” đưa vào kinh doanh khai thác, nhưng có điều lạ là “đại gia” này không chịu trả tiền nhà thầu.

Có những nhà thầu thi công với hợp đồng lớn gần 500 tỷ, nhưng anh ta chỉ chịu trả khoảng một nửa còn lại là dây dưa tới ba năm không chịu trả.

Số tiền kinh doanh dự án bán căn hộ, biệt thự cộng với số tiền chiếm dụng của nhà thầu, đại gia này trả một ít cho ngân hàng đến hạn. Số còn lại tiếp tục chạy dự án. Lưu ý ở đây là việc thế chấp vay ngân hàng đa phần là vay dài hạn.

Lời cảnh báo với các nhà thầu xây dựng ảnh 3Tố chuyện bị lừa, các đại gia “vạch áo cho người xem lưng”

Với “chiêu trò” làm ăn này chỉ trong vài năm anh ta chạy được rất nhiều dự án và nghiễm nhiên được coi là tài sản cá nhân.

Không biết có bao nhiêu nhà thầu bị anh ta chiếm dụng kiểu này với một số tiền lớn để mua vật liệu thi công xây dựng dự án cho anh ta? Đa phần các nhà thầu phải vay ngân hàng và chỉ cần 2 - 3 năm thì nhà thầu có nguy cơ phá sản.

Nhiều nhà thầu tâm sự rằng: “Chúng tôi đã tìm mọi cách đòi, gửi nhiều văn bản nhưng không được trả lời và chính anh ta không gặp gỡ chúng tôi để giải quyết mà đa phần giao cho cấp dưới – những người không đủ thẩm quyền để giải quyết”.

Những năm gần đây, hệ thống pháp luật xây dựng đã cơ bản đầy đủ để quy định vấn đề hoạt động xây dựng.

Hợp đồng dân sự, hợp đồng xây dựng cũng đã quy định nhưng chưa thật chi tiết, đầy đủ đặc biệt đối với các nguồn vốn đầu tư của tư nhân; đây cũng là khe hở của pháp luật để xuất hiện nhưng “thương vụ lừa đảo”.

Biết rằng đây là một giao dịch dân sự thông thường và xã hội đang hiểu như thế cho nên một số “đại gia” nêu trên đã lợi dụng khe hở của pháp luật chiếm dụng vốn, tài sản của người khác.

Liệu những hành vi này có được coi là lừa đảo không?

Chúng tôi cho rằng đây là một hành vi lừa đảo mang tính chất hệ thống mà pháp luật khó có thể xử lý.

Hậu quả nghiêm trọng của những hành vi này sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà thầu bị phá sản, nợ xấu của ngân hàng sẽ bị tăng cao và ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước

Tác giả bài viết này cho rằng, đa phần những con người với tư cách cá nhân của mình, bằng tài năng, sáng tạo và mồ hôi nước mắt của chính họ trở thành để trở thành đại gia.

Trên thực tế, nhiều đại gia đã xây dựng biết bao công trình cho đất nước này tạo ra sự thay đổi diện mạo của đất nước góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Trong một thời gian dài Nhà nước đã đầu tư biết bao nhiêu tiền của cho các doanh nghiệp Nhà nước nhưng kết quả không được như kỳ vọng.

Nhiều doanh nghiệp đã làm thất thoát vốn dẫn đến doanh nghiệp phá sản và hậu quả là đất nước mất tiền của; một số cá nhân phải vào tù.

Như vậy, với những đại gia chân chính tại sao lại không tôn vinh họ và thậm chí phải biết ơn họ. Nhưng mặt trái của nó kiểu lừa gạt để trở thành “đại gia” như đã nêu trên thì pháp luật không thể làm ngơ.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về những “chiêu trò lừa đảo” khác để các tập thể, cá nhân hoạt động xây dựng chân chính biết và nhận diện chân dung “đại gia” để tránh những tai vạ đến với mình.

Theo Báo Xây Dựng