Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Tôi thấy dấu hiệu tội đưa, nhận hối lộ rất rõ

29/05/2019 06:17
Hưng Long
(GDVN) - Luật sư Hồ Nguyên Lễ đưa ra quan điểm về một hình thức hối lộ cho quan chức cấp trên trực tiếp hay gián tiếp thông qua việc gian lận điểm thi.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại việc báo chí thông tin, về chi phí để giúp rút bài sửa nâng điểm thi ở tỉnh Sơn La.

Có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp “giá” là 1 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và luật sư Hồ Nguyên Lễ (ảnh nhỏ). (Ảnh: H.L)
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và luật sư Hồ Nguyên Lễ (ảnh nhỏ). (Ảnh: H.L)

Luật sư Lễ đưa ra quan điểm, như vậy là các bị can có nhận tiền để sửa bài thi nhằm thu lợi bất chính. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ”.

Bởi, nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Dấu hiệu chính của hành vi nhận hối lộ là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ... để nhận tiền, tài sản hoặc vật chất khác.

Tuy nhiên, người có chức vụ, quyền hạn khi giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ phải là “việc thực hiện công vụ”.

Ông Triệu Tài Vinh nên đưa sự nóng của ông vào cái Lò đang cháy 

Người nhận hối lộ - bị can nhận tiền để sửa bài thi là người có trách nhiệm được giao nhiệm vụ và do nhiệm vụ đó mà họ có quyền đối với việc giải quyết theo yêu cầu của người đưa hối lộ và đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ.

Luật sư Lễ nói, có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ có thể là người tổ chức, xúi giục, giúp sức… cũng là dấu hiệu đồng phạm tội nhận hối lộ.

Đối với người nhờ và đưa tiền, tài sản hoặc vật chất khác trực tiếp hoặc gián tiếp cho người nhận hối lộ để đem lại lợi ích cho chính mình thì có dấu hiệu vi phạm tội “Đưa hối lộ”.

Người đưa hối lộ là hành vi cố ý, có thể công khai hoặc dùng thủ đoạn, mánh khóe… để làm sao đưa được tiền bạc, vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn giải quyết đem lại lợi ích cho mình.

Luật sư Lễ lập luận, qua vụ việc sửa bài thi nâng điểm thì người thụ hưởng cuối cùng là các học sinh được nâng khống điểm để đậu vào các trường đại học.

Có thể các học sinh không trực tiếp ra tay hành động hoặc thụ hưởng thụ động trong vụ việc trên. Trách nhiệm chính là những ai là người nhờ cán bộ, công chức liên quan tổ chức thi đã sửa điểm.

Hậu quả của vụ trên lại ảnh hưởng trực tiếp đến các học sinh, xã hội và uy tín của ngành giáo dục bị tai tiếng nghiêm trọng. Một số học sinh tài năng bị xâm hại, bị loại bỏ khỏi giảng đường oan uổng tức tưởi…

Một số sinh viên không đủ “tầm” đã được Nhà nước tiếp nhận, đào tạo vì theo yêu cầu của hàng loạt những quan chức không có “tâm”.

Trong số những sinh viên không có “tầm” đó, còn có cả những người đang đương chức, đương quyền và ở vị trí lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước.   

Luật sư Hồ Nguyên Lễ đánh giá, trách nhiệm của cơ quan điều tra là cần phải lôi những người không có “tâm” ra ánh sáng để chịu trách nhiệm trước pháp luật, đảm bảm an ninh xã hội và công bằng lẽ phải.

Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này. 

Hưng Long