Lương giáo viên mầm non, tiểu học 4 triệu/tháng, thấp hơn lương công nhân

13/08/2022 06:32
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều năm qua, một số nơi của tỉnh Hải Dương gặp khó trong tuyển dụng giáo viên bởi không có nguồn tuyển.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trước thềm năm học mới 2022-2023, tỉnh Hải Dương thiếu hàng nghìn giáo viên các bậc học, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non.

Mặc dù mấy năm trở lại đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho phép các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thực hiện việc tuyển dụng giáo viên.

Song nhiều địa phương gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non, bởi không có nguồn để tuyển.

Việc thiếu nguồn giáo viên đang là bài toán nan giải, làm các nhà quản lý gặp khó trong việc giải bài toán thiếu giáo viên tại các nhà trường.

Thiếu nguồn tuyển giáo viên

Để có thêm thông tin về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với ông Đỗ Duy Hưng – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương.

Theo ông Đỗ Duy Hưng, việc thiếu giáo viên trước thềm năm học mới thì năm nào cũng là vấn đề “nóng”, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

Nhiều địa phương tại tỉnh Hải Dương gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên mầm non (Ảnh: Lã Tiến)

Nhiều địa phương tại tỉnh Hải Dương gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên mầm non (Ảnh: Lã Tiến)

“Hai, ba năm trở lại đây, tại một số địa phương như huyện Kim Thành, huyện Nam sách, thị xã Kinh Môn… có tổ chức tuyển dụng giáo viên, song không tuyển được nhiều. Có nơi chỉ tiêu tuyển dụng hàng chục giáo viên nhưng chỉ có vài người đăng ký dự tuyển.

Nguyên do không tuyển được người bởi “nguồn” sinh viên ngành sư phạm ra trường tại tỉnh hầu như rất ít, có nơi không có”, ông Hưng cho biết.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng đưa ra những lý do dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Cụ thể, hiện nay, lương của giáo viên rất thấp so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Qua thống kê, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đi làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp thu nhập bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, thậm chí có người thu nhập từ 8 đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, nếu học sinh chọn con đường học ngành sư phạm phải mất thời gian dài (từ 2-3 năm đối với hệ cao đẳng; 4 năm với hệ đại học) mới ra trường.

Sau khi ra trường, nếu họ chọn vào làm việc tại các trường mầm non, tiểu học thì thu nhập cho giáo viên mới cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.

“Không chỉ thu nhập thấp, các giáo viên còn phải làm việc trong môi trường giáo dục tương đối áp lực, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Giáo viên mầm non phải dành nhiều thời gian, thường thì họ ra khỏi nhà từ sớm, đến tối muộn mới trở về nhà.

Thu nhập lại không đáng bao nhiêu trong khi công việc áp lực. Còn khi làm công nhân ở doanh nghiệp, sau khi trở về nhà lại không phải lo nghĩ nhiều về công việc”, ông Hưng chia sẻ.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương thông tin thêm, hiện nay, Trường Cao đẳng Hải Dương là nơi có thể đào tạo được nguồn giáo viên cho các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, số lượng sinh viên thi vào trường không nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là do thu nhập thấp và áp lực công việc.

Đây cũng là lý do khiến nhiều địa phương tại Hải Dương không tìm được nguồn tuyển dụng giáo viên cho các đơn vị trường học.

Lúng túng trong thực hiện hỗ trợ sinh viên học ngành sư phạm

Phóng viên đặt ra vấn đề, tại sao tỉnh Hải Dương không áp dụng chính sách hỗ trợ sinh viên theo học ngành sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).

Tỉnh Hải Dương cũng đang lúng túng trong việc thực hiện hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Ảnh: Lã Tiến)

Tỉnh Hải Dương cũng đang lúng túng trong việc thực hiện hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Ảnh: Lã Tiến)

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, các em cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp).

Về vấn đề này, ông Đỗ Duy Hưng cho rằng, khi các sinh viên đi học theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP phải cam kết sau này ra trường cống hiến cho địa phương một thời gian nào đó.

Nhưng ở đây không có ràng buộc, ví dụ sau khi học, các sinh viên về địa phương có tham gia thi tuyển nhưng cố tình thi trượt sẽ gây thất thoát lớn ngân sách của tỉnh chi cho các sinh viên học tập trước đó.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương cũng đang lúng túng trong việc này, bởi nếu hỗ trợ các sinh viên học ngành sư phạm, nhưng sau khi ra trường thì cơ chế tuyển dụng lại không gắn liền với cơ chế đào tạo.

Bởi, tuyển dụng giáo viên phải theo Luật Viên chức. Trong Luật Viên chức không có mục ưu tiên tuyển dụng những đối tượng đi học ngành sư phạm được Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí.

LÃ TIẾN