Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

"Lương không đủ sống, hà cớ gì y bác sỹ vẫn lắm nhà lầu xe hơi?"

19/09/2012 14:06
Thu Hòe (Tổng hợp)
(GDVN) - “Làm bác sỹ phải như thế, không như thế làm sao mà có nhà lầu để ở, xe hơi để đi. Cái suất “chạy” vào bệnh viện đâu có rẻ. Có thông tin 400 – 500 triệu cũng không “mua nổi” cái suất vào bệnh viện lớn ở Hà Nội (?)… ”.
Sau khi đăng tải loạt bài "Gian nan hành trình chạy trốn thần chết tại các bệnh viện", Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được những phản hồi của độc giả về việc một số y bác sỹ tại một số bệnh viện trục lợi, có cư xử không tôn trọng bệnh nhân. 400-500 triệu cũng không mua nổi cái suất vào bệnh viện tuyến trên Độc giả Nguyễn Tiến Anh bức xúc gửi phản hồi về tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam: “Tình trạng bác sỹ móc nối với cò bệnh viện, nhận phong bì phong bao xảy ra ở khắp nơi chứ không riêng gì Bệnh viện K. Làm bác sỹ là phải như thế, không như thế làm sao mà có nhà lầu để ở, xe hơi để đi. Cái suất “chạy” vào bệnh viện đâu có rẻ. Có thông tin 400-500 triệu vẫn không “mua nổi” suất vào Bệnh viện lớn ở Hà Nội (?)…”.
Một nhân viên y tế của Bệnh viện K móc nối với cò bệnh viện đưa người bệnh "đi tắt đón đầu".
Một nhân viên y tế của Bệnh viện K móc nối với cò bệnh viện đưa người bệnh "đi tắt đón đầu".
Đồng tình với quan điểm của độc giả Nguyễn Tiến Anh, độc giả Lê Hoài Thu bình luận: “Gần chục năm mài đũng quần trên giảng đường, ra trường lại mất vài trăm triệu mới xin được vào một bệnh viện. Tâm lí bình thường thôi. Khi đã yên vị thì người ta phải tính kế kiếm chác để bù lại vốn đã bỏ ra. Đủ vốn rồi thì lại muốn nhanh giàu và họ cứ thả sức “kinh doanh, trục lợi trên thân xác bệnh nhân” như thế.
Chuyện y bác sỹ quát mắng, hách dịch, moi tiền bệnh nhân ở các bệnh viện lớn, nhỏ đã như chuyện thường ngày ở huyện…”. Độc giả Quách Xuân Lan lại cho rằng, tình trạng y đức hiện nay thật đáng xấu hổ. Tuy nhiên, không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn lên nhân viên y tế. Độc giả Xuân Lan nói: “Tôi cũng làm trong ngành y tế. Tình trạng y đức hiện nay thật đáng xấu hổ! Tuy nhiên cũng ảnh hưởng từ nhiều phía, trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về nhân viên y tế. Hiện nay, tình trạng chạy việc vào các bệnh viện rất nan giải. Bạn tôi chạy việc vào một bệnh viện lớn ở Hà Nội trung bình từ 300-500 triệu. Nhiều trường hợp phải mất nhiều hơn thế. Thủ hỏi với mức lương bác sỹ hiện nay, đến khi nào họ mới kiếm lại đủ số tiền bỏ ra để xin việc? Do đó, khi vào được bệnh viện rồi, họ phải tìm mọi cách để tăng thu nhập cho bản thân, từ “lương sạch” đến “lương bẩn”. Thực trạng này cuối cùng cũng chỉ đổ lên đầu người bệnh mà thôi. Bao giờ người bệnh mới hết khổ? Cơ quan chức năng có trách nhiệm đâu không thấy vào cuộc?...”.Lương không đủ sống, hà cớ gì bác sỹ vẫn lắm nhà lầu xe hơi?
Độc giả Bùi Đán bức xúc: “Không thể nói đồng lương không đủ sống để đánh đổi nhân cách của con người được. Chuyện này với ngành y tế lại càng không thể. Với những loại người không có nhân cách, đạo lí như thế, tiền với họ không bao giờ là đủ…”. Độc giả Nguyễn Văn Thắng lại cho rằng: “Đồng lương không đủ sống, đó chỉ là lí do đưa ra để bao biện cho tất cả những hành động tiêu cực, sai trái khi đã bị lộ tẩy. Đừng đổ lỗi cho đồng lương. Nếu nói lương bác sỹ không đủ sống thì lương của ngành nào mới đủ sống? Tôi biết ở các bệnh viện lớn, lương của bác sỹ không hề thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Hà cớ gì lương thấp không đủ sống mà bác sỹ nào cũng thấy ở nhà lầu, đi xe hơi? Tôi còn được biết rất nhiều những bác sỹ ở các bệnh viện lớn của Hà Nội đang là chủ sở hữu của vài lô đất, vài căn nhà mặt đường, có đến mấy phòng khám tư… Nếu không nhũng nhiễu, không tiêu cực, không móc nối ăn tiền bệnh nhân… thì họ lấy đâu ra nhiều tiền như thế?” Độc giả Hà Phương phẫn nộ: "Ngày xưa, lương y như từ mẫu nhưng ngày nay, lương y khan hiếm lắm. Nhiều người vô cảm đến tàn nhẫn với những nỗi đau của bệnh nhân. Hình ảnh y bác sỹ đúng là ngày càng để lại những ấn tượng xấu với dư luận. Thiết nghĩ, họ chẳng nên làm việc trong ngành y tế nữa, chẳng nên khoác lên mình chiếc áo blue trắng cao quý ấy nữa... Đề nghị phải xử lí thật nghiêm để làm gương. Thời đại này là thời đại bình đẳng. Đã là bệnh nhân thì phải được đối xử bình đẳng như nhau...".
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thu Hòe (Tổng hợp)