Lý do giáo viên thi thăng hạng rớt như sung

01/01/2020 07:25
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nhiều thầy cô giáo chủ quan, ít tập trung, cứ nghĩ sẽ ra y như đề cương, tài liệu ở đâu đó… thành ra rớt như sung rụng.

Phần bình luận ở bài viết: “Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở” của cô giáo Phan Tuyết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 30/12, có nhiều bạn đọc bày tỏ sự thất vọng về năng lực ngoại ngữ của một số thầy, cô giáo khi tham gia kỳ thi thăng hạng giáo viên.

Tài khoản Hải Châu cảnh báo: “Kính thưa quí thầy, cô. Mỗi thầy cô đều có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cả mà không qua nổi 50 câu. Đợi xét thăng hạng thì còn lâu một số thầy cô mới đạt.

Nào là chiến sĩ cơ sở, nào là bằng khen cấp tỉnh ... các thầy cô có đủ những có cái đó hay không?

Nếu có đủ thì khi xét cũng phải ưu tiên giáo viên có nhiều tuổi hơn, kinh nghiệm hơn...

Thi là hình thức công bằng nhất và không cảm tính. Còn xét thì sau này còn thấy tức tưởi hơn, có khi mình còn chưa lọt vào danh sách được xét nữa chứ.”

Bạn đọc có nickname MYLEMYLE thẳng thắn: “Mấy thầy, cô thử suy nghĩ xem! Ôn giống đề thi thì ai cũng đậu rồi lúc đó thì tốn ngân sách! Ví dụ, trong ôn thi người ta sử dụng go to school! Nhưng thi người ta cho walk to school!

Cho nên phải biết chút vốn tiếng Anh các thầy cô mới đậu được! Đừng trách người ra đề! Mà mình phải tự trau dồi bản thân!

Các thầy cô có mong muốn tham gia thăng hạng thì đừng than thở, kêu khó nữa mà phải thực sự tự học. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Các thầy cô có mong muốn tham gia thăng hạng thì đừng than thở, kêu khó nữa mà phải thực sự tự học. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Là một thầy giáo vừa tham gia thi thăng hạng bậc Trung học phổ thông, từ hạng ba lên hạng hai, tôi cũng nhận thấy mấy nhận xét trên của độc giả về thầy cô giáo thi thăng hạng là rất chuẩn xác.

Một bộ phận giáo viên trong hồ sơ đầy đủ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ thăng hạng nhưng đến khi thi lại lúng túng, gặp vô vàn khó khăn…

Ở môn tin học, có giáo viên không biết cầm con chuột, kéo thanh công cụ xuống để mở tiếp các câu hỏi.

Ở môn ngoại ngữ, nhiều câu hỏi trắc nghiệm thuộc loại kiến thức cơ bản, dễ nhất (học sinh lớp 6, lớp 7, học ngoại ngữ ở mức trung bình khá có thể làm tốt) song nhiều giáo viên mù tịt, không biết gì. 

Ở bài thi chuyên môn, thuộc sở trường của mình thế mà cũng có một số thầy cô làm đúng chưa được 30% câu trong tổng số câu của đề bài, đành bỏ cuộc, ra về sớm.

Thi thăng hạng hay là hành xác để thu tiền?
Thi thăng hạng hay là hành xác để thu tiền?

Về đề thi, các vị ra đề đã quá hiểu khả năng của thầy cô giáo, nhất là các thầy, cô giáo lớn tuổi, bỏ quá lâu kiến thức - kỹ năng môn tin học, ngoại ngữ nên thường ra đề ở mức độ cơ bản, vừa sức, chỉ cần giáo viên chịu khó học, ôn tập là có thể làm bài đạt yêu cầu.

Song đằng này, nhiều thầy cô giáo chủ quan, ít tập trung, cứ nghĩ sẽ ra y như đề cương, tài liệu ở đâu đó… thành ra rớt như sung rụng. Có giáo viên thi đến lần thứ 3 mà vẫn không đạt.

Kết quả trúng tuyển, bao giờ giáo viên Trung học phổ thông, Trung học cơ sở cũng có số lượng, tỉ lệ đạt cao hơn hẳn giáo viên tiểu học và mầm non.

Cũng đúng thôi, vì giáo viên Trung học phổ thông, Trung học cơ sở có năng lực và thao tác làm bài trên máy tính tốt hơn giáo viên mầm non, tiểu học.

Thi đang được xem là hình thức công bằng, trung thực, khách quan nhất trong đánh giá, công nhận giáo viên trúng tuyển, thăng hạng, nâng ngạch lương.

Các năm tới đây, các địa phương sẽ tiếp tục sử dụng hình thức này.

Chính vì vậy, các thầy cô có mong muốn tham gia thăng hạng thì đừng than thở, kêu khó nữa mà phải thực sự tự học, củng cố các kiến thức, môn thi còn hạn chế, yếu kém. Mình học thật, làm sao lại rớt chứ?

SÔNG TRÀ