Macri đang hồi sinh đất nước Argentina

18/08/2016 15:00
Ngọc Việt
(GDVN) - Macri ngày càng được lòng dân chúng nước này, cho dù từ khi ông nắm quyền tới nay, cuộc sống của người dân Argentina được xem là khốn khó hơn.

Theo Reuters ngày 8/8, Tổng thống Argentina Mauricio Macri ngày càng được lòng dân chúng nước này, cho dù từ khi ông nắm quyền tới nay, cuộc sống của người dân Argentina được xem là khốn khó hơn với các biện pháp khắc khổ của chính phủ.

Thậm chí ông Macri còn ngày càng được sự ủng hộ của nhiều nhà lập pháp và thống đốc bang thuộc đảng Chính nghĩa đối lập, theo tư tưởng Peronist, bất chấp sự thù hằn của cựu Tổng thống Cristina Fernandez, một Peronist vẫn còn rất mạnh mẽ. [1]

Macri là một doanh nhân chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Argentina tháng 11/2015, kết thúc 12 năm cầm quyền của lực lượng cánh tả tại đất nước này.

Từ khi nhậm chức vào tháng 12/2015, ông đã thông qua một chuỗi cải cách kinh tế nhưng nền kinh tế vẫn chưa hồi phục.

Mặc dù chính phủ Macri được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình nhanh hơn, nhưng nền kinh tế Argentina được dự báo sẽ tăng trưởng âm khoảng -1,5% trong năm 2016 và tỷ lệ lạm phát là 40% trong năm nay.

Trong khi lạm phát năm 2015 trước khi ông Macri nhậm chức là 25%.

Về kinh tế ngành, các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt như sản xuất xe hơi và xây dựng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia kinh tế lo ngại kế hoạch tái thiết của Tổng thống Macri thiếu lực và không kịp thời. [1]

Tổng thống Argentina Mauricio Macri đang có những kế hoạch hành động thực tế và chính sách hợp thời, có thể làm hồi sinh đất nước Argentina. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri đang có những kế hoạch hành động thực tế và chính sách hợp thời, có thể làm hồi sinh đất nước Argentina. Ảnh: Reuters.

Như vậy là hầu hết các kết quả và các chỉ số của nền kinh tế Argentina đều sụt giảm kể từ khi Tổng thống Macri nhậm chức, đưa ra kế hoạch hành động của chính phủ mới và ban hành những chính sách nhằm cứu vãn nền kinh tế.

Hiện tại đảng Chính nghĩa đối lập đang chiếm đa số tại Quốc hội Argentina. Các chính sách của chính phủ Macri có thể gặp khó khăn trong việc được cơ quan lập pháp xem xét và thông qua.

Vậy nhưng ông Macri vẫn ban hành những chính sách mà có thể khiến cho các Peronist tổn thương. Nhờ đâu Tổng thống Macri làm được điều kỳ diệu ấy?

Tiếp quản đất nước trong thế nguy nan, ngàn cân treo sợi tóc

Có lẽ sự kiện vỡ nợ quốc gia của Argentina ngày 20/12/2001 vẫn luôn mang tính thời sự trong lịch sử kinh tế - chính trị thế giới.

Bởi lẽ, với quê hương của vũ điệu tango, thì đây là sự kiện kinh tế - chịnh trị tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ, kể từ sự sụp đổ tài chính Barings năm 1890.

Chính quyền của cựu Tổng thống Carlos Menem trong những năm 1990 đã có nhiều sai lầm trong quản lý và điều hành đất nước, nhất là trong quản lý kinh tế.

Nhưng chính quyền Menem lại che giấu sự thật, khiến nguy cơ với đất nước Argentina cứ âm ỉ và ngày một trầm trọng hơn.

Song “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” và thế là Carlos Menem bị dân chúng quay lưng và bị thay thế bằng Tổng thống Fernando de la Rua.

Tuy nhiên, với mớ bòng bong mà người tiền nhiệm để lại, ông Fernando de la Rua đã không thể làm gì được, và vỡ nợ quốc gia đã xảy ra.

Những nhà lãnh đạo tiếp theo như Tổng thống lâm thời Adolfo Rodrigues Saa hay Tổng thống Eduado Duhalde đều bất lực nhìn tình hình kinh tế - chính trị rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Chỉ đến khi Néstor Kirchner, Thống đốc Santa Cruz xuất hiện thì tình hình mới được cứu vãn.

Có thể thấy rằng, cố Tổng thống Néstor Kirchner đã làm hồi sinh đất nước Argentina từ đống tro tàn và là bệ đỡ cho vợ ông, Thượng nghị sĩ Cristina Fernandez de Kirchner ngồi vào chiếc ghế của người đứng đầu đất nước Argentina, hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Tuy nhiên, bài học từ vỡ nợ quốc gia như “đòn đau nhớ đời” nên hầu hết những nhà lãnh đạo Argentina thời hậu vỡ nợ đều rất ngại đưa ra những kế hoạch hành động.

Họ ngại đưa ra những chính sách mà có thể làm cho người dân bất mãn vì bị thiệt thòi, cuộc sống bị ảnh hưởng xấu.

Và thế là đất nước Argentina lại chuyển sang một tình trạng nguy hiểm khác: phái triển nền kinh tế bong bóng – sự nguy hại không thua gì việc che giấu sự thật trước đây.

Những năm cuối nhiệm kỳ hai của nữ Tổng thống Fernandez, nền kinh tế bong bóng đã phát triển tới đỉnh điểm.

Trong việc cơ cấu lại nợ cho Argentina sau sự kiện ngày 20/12/2001, có chủ nợ đồng ý với chính sách tái cơ cấu nợ nhằm giúp kinh tế Argentina nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng.

Nhưng cũng có nhiều chủ nợ không chấp nhận mà còn xem đây là cơ hội “đục nước béo cò”.

Macri đang hồi sinh đất nước Argentina ảnh 2

Lời cảnh báo của Putin: Không ai là không thể đụng đến!

(GDVN) - Tổng thống Putin không thể không thất vọng. Bởi lẽ thời gian đứng đầu chính phủ, Putin đã giúp tối đa hoá lợi ích cho nước Nga trong các mối quan hệ quốc tế.

Trong số những chủ nợ khó tính đó có các quỹ đầu cơ như NML Capital và Aurelius của Mỹ, được xem như các quỹ kền kền hút máu kinh tế Argentina.

Có khi lượng trái phiếu của chính phủ Argentina giá trị hơn 800 triệu USD nhưng các quỹ này chỉ trả chưa tới 50 triệu USD. [4]

Đương nhiên là chính phủ Argentina không chấp nhận và cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 – 2009 diễn ra khiến cho nợ của Argentina trở thành nợ khó đòi và các chủ nợ đã kiện Argentina.

Các rắc rối pháp lý khiến cho Argentina không thể tiếp cận tín dụng quốc tế.

“Kể từ khi không được tiếp cận thị trường vốn quốc tế, Argentina đã phải dùng biện pháp in tiền khiến tỷ lệ lạm phát luôn ở mức hai con số, lên tới 25% trong năm 2015.” [3]

Trước đó Argentina công bố vỡ nợ lần thứ hai vào tháng 7/2014.

Và cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2015 diễn ra, ứng viên của đảng cầm quyền Daniel Scioli đã thất bại. Doanh nhân Mauricio Macri được trao trọng trách đưa Argentina ra khỏi tình trạng nguy hiểm, mà có thể dẫn đến sụp đồ kinh tế quốc gia một lần nữa.

Cắt bỏ ung nhọt một lần chứ không để những cơn đau kéo dài qua năm tháng

Là một doanh nhân nên Tổng thống Mauricio Macri đã rất thực tế khi nhận diện nguy cơ đối với đất nước Argentina.

Như người viết đã phân tích qua bài “Minh bạch chính trị”, ông Macri đã chọn hoàn thiện thể chế để đảm bảo nền tảng vững chắc cho các quyết sách của chính phủ.

Hiệu quả của các quyết sách thì ông Macri đo lường qua việc được mất của Argentina.

Sau khi vỡ nợ, đồng peso bị thả nổi, kinh tế Argentina lạm phát 41% và nợ nước ngoài 134 tỷ USD. Đến năm 2015 thì nợ nước ngoài của của Argentina là 222,7 tỷ USD và lạm phát là 25%. [4]

Các chỉ số kinh tế cùng với cuộc vỡ nợ lần thứ hai năm 2014 cho thấy, nền kinh tế lớn 22 thế giới này rất ốm yếu. Và ông Macri đã nhận diện việc các chính phủ tiến nhiệm “tiếc con tép nên mất luôn con tôm” trong việc cơ cấu nợ, nhất là không chịu thiệt với các quỹ đầu cơ nhỏ.

Có lẽ chỉ cần làm một phép tính đơn giản là có thể thấy những quyết định của Tổng thống Macri cứu nền kinh tế Argentina là thực tế và hợp lý.

Theo tài liệu của cia.gov thì GDP của Argentina năm 2015 là G1 = 585,6 tỷ USD, nhưng khi lạm phát 25% thì GDP thực chỉ còn là :

G2 = G1 – (G1 x 25%) = 585,6 tỷ - (585,6 tỷ x 25%) = 439,2 tỷ USD.

Điều đó cho thấy nền kinh  tế Argentina bị “bay mất” F1 = 146,4 tỷ USD do lạm phát.

Trong khi nợ phải trả cho các quỹ đầu cơ nhỏ chỉ hơn 9 tỷ USD, nhưng nó lại khiến Argentina không thể phát hành trái phiếu.

Tổng thống Macri đã chấp nhận trả nợ cho các quỹ đầu cơ để có thể tiếp cận các nguồn tín dụng quốc tế.

Tháng 4/2016 chính phủ Argentina đã phát hành thành công 16,5 tỷ USD trái phiếu với lãi suất 7,2% – một kỷ lục cho những nền kinh tế mới nổi, thậm chí vừa mới vỡ nợ.

Có tiền trả nợ và chính phủ Argentina còn được nhà đầu tư đã đặt mua trái phiếu của Argentina lên tới mức kỷ lục, 65 tỷ USD.

Rõ ràng là niềm tin quốc tế với chính phủ Argentina đã được khẳng định. Và Tổng thống Macri được xem là đã “thả con săn sắt, bắt con cá rô” cho đất nước Argentina.

Bởi lẽ, nếu chính phủ phát hành tiếp 65 tỷ USD trái phiếu nữa và chắc chắn thành công thì nợ trái phiếu của Argentina năm 2016 là 81,5 tỷ USD. Với lãi suất 7,2% thì lãi trái phiếu hàng năm từ năm 2017 là:

Rb = 81,5 tỷ x 7,2% = 5,868 tỷ USD. 

Trong khi đó lạm phát năm 2017 được dự báo là 17%, như vậy nền kinh tế Argentina sẽ “bay mất” (theo số liệu GDP năm 2015) là:

F2 = 585,6 tỷ x 17% = 99,552 tỷ USD. 

Và thiệt hại do lạm phát cùng với trả lãi trái phiếu là:

Rb + F2 = 5,868 tỷ + 99,552 tỷ = 105,42 tỷ USD. 

So sánh với F1 = 146,4 tỷ USD khi lạm phát 25% thì rõ ràng Argentina giảm thiệt hại rất lớn, đó là : I = 146,4 tỷ - 105,42 tỷ = 40,98 tỷ USD, nghĩa là giảm gần 28% thiệt hại cho người dân và đất nước Argentina.

Bên cạnh đó chính phủ còn có tiền thực hiện các chính sách của mình.

Điều đó lý giải cho việc, Tổng thống Macri vẫn tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tăng lương hưu, trong khi lại cắt giảm thuế thu nhập mà vẫn tự tin hoàn thành được mục tiêu đảm bảo thâm hụt ngân sách chỉ là 3,3% tong năm 2017.

Có thể thấy rằng, Tổng thống Macri đã thực sự vì dân với những hành động thiết thực.

Cựu nữ Tổng thống Cristina Fernandez nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng không giúp kinh tế Argentina thoát khỏi nguy hiểm, dù các số liệu kinh tế có khả quan. Ảnh: AP.
Cựu nữ Tổng thống Cristina Fernandez nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng không giúp kinh tế Argentina thoát khỏi nguy hiểm, dù các số liệu kinh tế có khả quan. Ảnh: AP.

Chắc chắn lúc đầu sẽ gặp phản ứng tiêu cực, khi chính phủ mới phải đối mặt với làn sóng biểu tình của người dân, nhất là nông dân. Còn công chức thì phản ứng tiêu cực với tinh giản bộ máy.

Tuy nhiên, Tổng thống Macri đã chọn "thực hành đối thoại lâu dài" và ông đã chứng minh cho người dân và các đối thủ chính trị thấy hiệu quả bởi các chính sách hợp lý của mình.

Không những vậy, ông Macri thực hành tiết kiệm triệt để, nhằm tránh lãng phi cho đất nước.

Thời gian là khoản tiết kiệm đầu tiên mà Tổng thống Macri tính tới. Việc chính phủ thực hiện các hình phạt với các thành viên chính phủ cũng như công chức khi “đi trễ về sớm” là một chính sách hợp lòng dân.

Bên cạnh đó là tránh lãng phí tài sản công, chẳng hạn tiết kiệm điện đã được thực hành triệt để.

“Phụ tá của Tổng thống cho biết, Macri rất nghiêm ngặt về làm việc đúng giờ, phạt tiền các Bộ trưởng nếu đến trễ trong các cuộc họp. Cùng với đó là sử dụng tiết kiệm khí và điện. Xung quanh Dinh Tổng thống cũng phải tắt đèn nều cảm thấy không cần thiết.” [1]

Tổng thống Macri đã có hành động rất thực tế và những chính sách hợp thời, dần đưa dất nước Argentina thoát khỏi tình trạng nguy hiểm của kinh tế bong bóng và tự phong toả.

Tổng thống Macri đang chứng minh người dân lựa chọn ông để trao gửi niềm tin là đúng đắn.

Những tin hiệu khả quan của kinh tế Argentina, sau khi phải chịu đau đớn bởi những cuộc giải phẫu của Tổng thống Macri, đã cho thấy cái tầm của nhà lãnh đạo này mang tính quyết định với vận mệnh đất nước Argentina.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.reuters.com/article/us-argentina-summit-macri-idUSKCN10L19Y?il=0

[2]http://www.reuters.com/article/us-argentina-summit-pratgay-idUSKCN10L1DR?mod=related&channelName=ousivMolt

[3]http://www.vietnamplus.vn/argentina-phat-hanh-thanh-cong-hon-16-ty-usd-trai-phieu/382096.vnp

[4]https://en.wikipedia.org/wiki/Economy_of_Argentina

Ngọc Việt