Mô hình trường tiểu học tiên tiến ở Sài Gòn còn gặp nhiều khó khăn

26/09/2019 08:38
Việt Dũng
(GDVN) - Mô hình trường tiểu học tiên tiến ở Thành phố Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh, cơ sở vật chất xuống cấp…

Ngày 25/9/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Khai mạc hội nghị, bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và quốc tế, là trường tổ chức trên cơ sở tài chính kết hợp giữa ngân sách Nhà nước và xây dựng mức thu theo sự thỏa thuận với phụ huynh để trang trải chi phí đào tạo, nhưng không được quá 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh.

Hội nghị tổng kết do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 25/9 (ảnh: P.L)
Hội nghị tổng kết do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 25/9 (ảnh: P.L)

Khoản thu này sẽ được sử dụng vào việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, dạy tăng cường ngoại ngữ, tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài, dạy năng khiếu, kỹ năng sống, môn tự chọn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm…

Thế nhưng, bà Lâm Hồng Lãm Thúy nói rằng, qua ghi nhận thực tế tại các đơn vị, các trường tiểu học thực hiện theo mô hình trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh

Qua nhiều năm sử dụng thì hiện cơ sở vật chất đang xuống cấp nhưng chưa được cải tạo hay thay thế, sĩ số học sinh ở các lớp vẫn còn cao, vượt chuẩn so với quy định lớp học ở trường tiên tiến là 30 em học sinh/lớp.

Do gia tăng dân số cơ học cao, áp lực tuyển sinh đầu cấp, nên một số quận huyện vẫn chưa xây dựng được ít nhất một trường tiên tiến theo xu thế hội nhập ở một cấp học.

Chỉ trong vòng 2 năm học (2016-2017, 2017-2018), toàn thành phố có 12 trường triển khai mô hình tiên tiến, nhưng năm học vừa qua lại không triển khai được trường tiên tiến nào.

Trong năm học này, chỉ có duy nhất một trường tiểu học triển khai mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập, đó là Trường Tiểu học Linh Chiểu, quận Thủ Đức.

Thay mặt Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc đã đến dự, chỉ đạo hội nghị tổng kết này.

Theo ông Hiếu, cho đến nay, chỉ mới có 11 quận huyện triển khai mô hình này, có nghĩa là chưa đến 50% số quận huyện triển khai, nhưng thành phố lại đặt ra mục tiêu mỗi cấp học có ít nhất 3 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến.

“Nhiều khả năng mục tiêu này có nguy cơ không hoàn thành “ – ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Trường nào đã triển khai mô hình này từ những năm học trước, lãnh đạo Sở đề nghị các đơn vị cần duy trì sĩ số 30 học sinh/lớp, để tổ chức tốt các hoạt động, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Những quận, huyện nào chưa thực hiện thì cần nghiên cứu, có lộ trình và thời gian thực hiện.

Từ năm học 2020 – 2021, cùng với các trường tiểu học trên cả nước, thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu là lớp 1.

Đây sẽ là năm “bản lề” quan trọng, vừa thực hiện song song chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa thực hiện có hiệu quả mô hình trường tiểu học theo mô hình tiên tiến.

Tại hội nghị này, nhiều trường tiểu học tiên tiến cũng đã có các tham luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc thực hiện mô hình này.

Cụ thể: Tạo cơ chế chủ động cho các trường tuyển sinh, tuyển dụng giáo viên, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước, nhằm để các trường nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.

Việt Dũng