Nhạc sĩ Quốc Bảo: Vespa - Chú ong bắp cày đáng yêu

01/03/2012 06:40
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Điều thú vị và cũng trớ trêu ở đây là cảm hứng thiết kế Vespa lại đến từ những chiếc xe của phe Đồng minh. Trong chiến tranh, quân đội Đồng minh sử dụng rất nhiều scooter do hãng Cushman ở Nebraska, Hoa Kỳ chế tạo để dùng vào việc di chuyển gần trong phạm vi căn cứ quân sự.
Quốc Bảo, quoc bao, Vespa, Standard, Lambretta, Piaggio, chú ong bắp cày, xe Vespa

Mẹ tôi kể rằng, khi tôi vừa chập chững tập đi, bản nhạc trên sóng phát thanh gây phấn khích cho tôi nhất là một bài hát vui theo thể loại hồi đó gọi là kích động nhạc, ban AVT sáng tác và trình diễn.

Mắt em ra vẻ mơ màng
Chân co chân duỗi tay sang số đều
Bờ vai lên xuống theo chiều
Ngực vươn hơi thở như diều căng dây
Xe rung, cặp má hây hây
Nệm êm nhún nhẩy, tóc mây rối xòa


Bài hát kể chuyện một chàng trai tập cho người yêu chạy Vespa. Ban AVT trình diễn rất hóm, duyên dáng đặc biệt - dĩ nhiên điều này khi đã lớn tôi mới nhận thấy. Song tôi tin rằng có hơn nửa cơ duyên đem lại thành công cho bài hát là từ thương hiệu Vespa.

Vespa cổ vẫn là niềm đam mê của nhiều người.
Vespa cổ vẫn là niềm đam mê của nhiều người.

Bởi vì Vespa mới có chuyện “tay sang số đều”. Bởi vì Vespa từ trời Âu xa xôi đã cùng với Lambretta làm một cuộc đổ bộ thần tình lên đất Saigon, và được đón nhận nhiệt tình.

Bố tôi, lúc sinh thời, lái Vespa, chiếc Standard model đầu tiên. Tôi xem lại những bức ảnh xưa, rất thích và có phần tự hào nữa. Vespa quả thực đã tạo ra một lịch sử nữa trên đất Saigon, tồn tại song song với lịch sử nó tạo ra ở đất Ý và Âu châu.

Nếu không có Vespa, tôi đoán rằng chúng ta không biết đến từ scooter sớm như thế.

***
Vespa là thuộc về Piaggio & Co. S.p.A. ở Pontadera, Ý, song mấy ai quan tâm đến điều này. Cái tên hãng, Piaggio, hằn vào trí nhớ chúng ta muộn mằn hơn đứa con của nó, Vespa, rất nhiều.

Vespa quả là đã làm nên cuộc cách mạng xe máy. Đó là chiếc scooter đầu tiên được biết đến; và thiết kế của nó, ngay từ đầu, đã định hình cho những gì ta gọi là scooter: khung sắt unibody, máy nằm gọn bên trong, sàn xe phẳng, hộp số tay. Một thiết kế đảo lộn suy nghĩ của mọi người về xe máy. Một thiết kế không giống gì trước đó, mà vẫn tồn tại qua non thế kỷ - điều này không dễ dàng, nếu chúng ta nhớ rằng các thiết kế xe đạp thời sơ khai sau này đâu ai dùng nữa.

Hãng Piaggio sau Đệ nhị thế chiến đúng là con phượng hoàng hồi sinh từ tro than. Khởi nghiệp là một hãng chế tạo máy bay chiến đấu, cơ nghiệp Piaggio hầu như tan nát sau những trận ném bom của phe Đồng minh; chính phủ Ý thất trận không có khả năng hồi phục nền công nghiệp máy bay, thậm chí xe hơi cũng thua. Bằng mọi giá, phải cứu lấy cơ nghiệp: Enrico Piaggio, con trai nhà sáng lập hãng, quyết định gầy dựng lại từ tay trắng trong một lãnh vực cần thiết hơn cho đại chúng: phương tiện di chuyển hai bánh.

Điều thú vị và cũng trớ trêu ở đây là cảm hứng thiết kế Vespa lại đến từ những chiếc xe của phe Đồng minh. Trong chiến tranh, quân đội Đồng minh sử dụng rất nhiều scooter do hãng Cushman ở Nebraska, Hoa Kỳ chế tạo để dùng vào việc di chuyển gần trong phạm vi căn cứ quân sự. Những chiếc Cushman này còn được lính tác chiến sử dụng khi phá cầu, phá đường ở Áo.

Kỹ sư chế tạo trực thăng Corradino D’Ascanio được Piaggio và hãng Innocenti (hãng sản xuất ống kim loại trước thế chiến) mời vẽ thiết kế một mẫu scooter gọn nhẹ, cơ động. Yêu cầu của đơn đặt hàng là xe phải dễ lái cho cả nam lẫn nữ, có thể chở một người, và không làm bẩn quần áo người lái; gợi ý trong đơn hàng là hãy học theo mẫu Cushman của Mỹ. D’Ascanio, người ghét-xe-máy, nói rằng ông không thích xe máy giống xe máy; ông sẽ vẽ rất khác. Ông cho máy gắn ngay vào bánh sau, hộp số tích hợp vào tay côn (tay trái), gắn thêm kính chắn gió để chống bụi và bùn bắn lên từ bánh xe chạy trước. Còn sàn xe phẳng là vì ông thiên vị phái nữ: “Họ mặc váy, phải cho họ cách nào dễ ngồi lên bước xuống, lại che chắn được đôi chân chứ!” Còn hệ thống bánh trước và phuộc nhún thì rất giống với cấu trúc bánh tiếp đất của máy bay, khiến tay lái nhẹ và dễ điều khiển. Song thiết kế cách mạng của D’Ascanio không được Innocenti chuẩn y: họ muốn sườn xe phải bằng ống tròn (của-nhà-giồng-được, vì Innocenti là hãng buôn ống kim loại). Chỉ có Piaggio đồng ý, để chiếc Vespa đầu tiên chính thức xuất xưởng năm 1946. Innocenti mắc kẹt trong “vấn nạn ống tròn”, chiếc Lambretta của họ ra đời muộn hơn với giá thành cao hơn nhiều!

Đúng ngọ ngày 23 tháng Tư năm 1946, Bộ Công nghiệp và Thương mại Ý cấp bản quyền cho Piaggio, công nhận hãng đã phát minh một phương tiện di chuyển “gồm một hệ thống phức tạp các bộ phận và phụ tùng tích hợp và giấu kín trong một khung xe có chắn bùn”.

Những chiếc Vespa đầu tiên của nhân loại đã chào đời như thế. Bánh xe nhỏ 8 inches, máy nằm ngang hai thì 98 phân khối, chưa có quạt làm mát. Pha nhớt thẳng vào xăng, Vespa nhả khói nhiều và tiếng máy nổ lạch bạch rất đặc trưng. Cái tên Vespa là tên đặt tình cờ: khi chiếc xe mẫu mang mã số MP6 được nổ máy thử, giám đốc Enrico Piaggio đã thốt lên, “Sembra una vespa!”, nghĩa là “Nghe như một con ong bắp cày ấy nhỉ!” Vespa, chú ong bắp cày. Về sau scooter biến thể ra cả xe lam (ba bánh, dùng để vận chuyển hành khách), đặt tên là Ape cũng nghĩa là con ong.

***

Công nghiệp điện ảnh góp phần không nhỏ vào thành công thương mại của Vespa. Chiến lược tiếp thị của Piaggio đánh thẳng vào Hollywood tỏ ra hết sức đúng đắn. Năm 1952, Audrey Hepburn ngồi một bên ôm eo Gregory Peck cưỡi Vespa trong phim Roman Holiday - ngay lập tức Piaggio bán được 100 nghìn chiếc. Năm 1956, John Wayne đòi cưỡi Vespa thay ngựa (!), những chiếc scooters này nguyên để đoàn làm phim di chuyển ngoài hiện trường. Hiệp sĩ đấu bò Luis Miguel Dominguín, Marlon Brando, Dean Martin, Abbe Lane đều lái Vespa. Lúc quay phim Ben Hur (1959), đạo diễn William Wyler cho tài tử Charlton Heston tạm rời ngựa và xe ngựa để cưỡi Vespa dạo chơi thành La Mã.

Ít lâu sau, Vespa tràn sang Á châu, được mê mẩn ở Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Chiếc Standard 90 ba số của bố tôi mua vào dịp ấy.

Còn bây giờ là thời của Vespa tay ga, số tự động, bốn thì, không còn nhả khói um và tiếng máy cũng không bành bạch nữa. Nhưng hình dáng chú ong bắp cày thì vẫn giữ nguyên. Không thế, làm sao gọi là Vespa?

Đổi gì thì đổi, chứ Xe rung, cặp má hây hây / Nệm êm nhún nhẩy, tóc mây rối xòa thì cứ phải giữ nguyên như thế.

Nhạc sĩ Quốc Bảo