5 sự thật bị che giấu về chính sách đối ngoại Mỹ

08/02/2013 20:00
Kienthuc.net.vn
Giáo sư Stephen M. Walt đã nêu ra 5 sự thật bất ngờ về chính sách đối ngoại Mỹ mà bình thường không quan chức nào chịu thừa nhận.
1. Mỹ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân

Theo giáo sư Walt - chuyên gia về các vấn đề quốc tế của ĐH Havard, các vị tổng thống Mỹ luôn nói về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỹ đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 và cam kết theo đuổi đàm phán để tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm hạ nhiệt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đồng thời hướng tới việc giải giáp hạt nhân triệt để. Các chuyên gia kỳ cựu về đối ngoại như William Perry, Sam Nunn và Henry Kissinger cũng có "mốt" kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân và ngay từ đầu nhiệm kỳ một, Tổng thống Barack Obama cũng phát biểu về vấn đề này.
Đó là bề nổi, nhưng trên thực tế, cho dù Mỹ đã giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước này vẫn sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc dự phòng. Không có quan chức Mỹ đương chức nào lại nghiêm túc cổ vũ việc sớm loại trừ tất cả vũ khí hạt nhân, và ngay cả những đợt cắt giảm khiêm tốn theo hiệp ước ký với Nga cũng gây tranh cãi về chính trị. Các nhà chính trị Mỹ chỉ "đãi môi" về mục tiêu hoàn toàn giải trừ vũ khí hạt nhân. Một số nhà lãnh đạo Mỹ có thể ủng hộ mục tiêu này, nhưng vẫn thấy cần phải giữ chúng để làm phương tiện răn đe và nước Mỹ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ phi tin tưởng rằng họ sẽ hoàn toàn không cần dùng tới chúng.
2. Mỹ không quan tâm đến nhân quyền


Các chính trị gia Mỹ luôn nói đến nhân quyền. Cả Quốc hội lẫn Chính phủ Mỹ đều hay "bắt nạt" các nước nhỏ về các vi phạm nhân quyền nhưng khi các quan ngại của Mỹ về nhân quyền mâu thuẫn với các lợi ích của nước này thì tiếng nói "lương tâm"’ của Mỹ lại gần như tụt lại đằng sau.

Những minh chứng của việc Mỹ không quan tâm đến nhân quyền là hầu người Mỹ đều thờ ơ khi các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Iraq đã gây ra cái chết của hàng trăm nghìn thường dân Iraq, trong đó có nhiều trẻ em; các quan chức cấp cao từng ra lệnh tra tấn tù nhân dưới chính quyền George W. Bush không hề bị truy tố hay bị điều tra một cách nghiêm túc; Mỹ có vô số đồng minh có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và hiếm khi Mỹ sẵn sàng hành động hay chi nhiều tiền cho tiến bộ nhân quyền, trừ phi điều này đồng thời mang lại các lợi ích chiến lược.
3. Không quan tâm đến “giải pháp hai nhà nước” cho vấn đề Palestine


Theo quan điểm chính thức, Mỹ luôn coi giải pháp hai nhà nước - dựa trên đàm phán song phương, đặc biệt là dưới sự bảo trợ của Mỹ - là câu trả lời đúng đắn cho xung đột Israel-Palestine. Tuy nhiên, Mỹ thực ra không mấy quan tâm đến việc thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel, cũng như sự chia rẽ và suy yếu trong nội bộ Palestine, hoặc cuộc bầu cử gần đây nhất tại Israel không phát đi tín hiệu tích cực nào cho phía Palestine. Mỹ đã mất hơn 20 năm để kiến tạo một thỏa thuận hòa bình rồi lại dễ dàng đánh mất nó, chủ yếu bởi vì Mỹ chưa bao giờ là một nhà trung gian thực sự.
4. Nước Mỹ phải là số một


Đa số các nhà lãnh đạo Mỹ đều thích nói về quan hệ đối tác toàn cầu và nhu cầu phối hợp với các đồng minh, đồng thời giảm việc nói về vai trò chi phối của nước Mỹ. Nhưng mặt khác, không ai tranh cử tổng thống lại cam kết "biến nước Mỹ thành số hai". Và đó là lý do vì sao giới lãnh đạo Mỹ mập mờ về sự thống nhất của châu Âu. Họ vừa muốn châu Âu đủ thống nhất để không phát sinh rắc rối cho Mỹ, lại vừa không muốn châu Âu quá đoàn kết để thành một siêu nhà nước, đủ sức đối trọng với Washington. Những tuyên bố lập trường mềm mỏng của Mỹ chẳng qua là để tránh gây khó chịu cho các Chính phủ khác và tránh đẩy họ đến chỗ phải dè chừng và tìm cách kiềm chế Mỹ. Tham vọng của Mỹ là không thay đổi, cả ông Clinton, ông "Bush con" đến ông Obama đều không từ bỏ mục tiêu cơ bản là giữ Mỹ ở vị trí siêu cường số một thế giới.
5. Mỹ đã mắc nhiều sai lầm ngớ ngẩn trong đối ngoại

Chính sách của Mỹ đối với Cuba đã phá sản từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng cho đến nay chính sách này hầu như không thay đổi. Nỗ lực của Mỹ trong việc hỗ trợ cuộc chiến chống ma túy ngoài lãnh thổ Mỹ cũng không thành công hơn so với chiến dịch chống ma túy ở trong nước. Cuộc chiến Afghanistan là một thất bại đối với nước Mỹ nhưng phía Mỹ lại coi đó là một chiến thắng để có thể rút lui khỏi chiến trường này về mặt chính trị. Nước Mỹ đã có cách tiếp cận sai lầm đối với chương trình hạt nhân Iran và đã mất tới hai thập kỷ chỉ để khiến Tehran có thêm lý do tin rằng họ cần có vũ khí hạt nhân.
Theo Kienthuc.net.vn
Kienthuc.net.vn