Môn Tiếng Anh loay hoay thay đổi vẫn 'đội sổ' nhiều năm, đâu là giải pháp?

09/08/2022 06:44
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Tiếng Anh tiếp tục là môn đội sổ với số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỉ lệ 51,56%.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và 2022, Tiếng Anh là môn thi vừa có điểm trung bình thấp vừa "đội sổ".

Cụ thể, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh của cả nước năm 2022 cho thấy: điểm trung bình là 5.15; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3.8.

Số thí sinh có điểm <= 1 là 423 (chiếm tỷ lệ 0.05%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446,648 (chiếm tỷ lệ 51.56%) khiến môn này xếp chót bảng.

Phổ điểm môn Tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Nguồn: moet.gov.vn)

Phổ điểm môn Tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Nguồn: moet.gov.vn)

Năm 2021, điểm trung bình môn Tiếng Anh là 5,84 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.0; có 144 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 trở xuống); có tới 40,27% thí sinh dưới trung bình. [1]

Năm 2020, Tiếng Anh cũng là môn “đội sổ” khi có điểm trung bình môn là 4.57, điểm nhiều thí sinh đạt nhất 3.4 và 63,13% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. [2]

Vì sao điểm thi môn Tiếng Anh chưa được cải thiện?

Theo cá nhân người viết, có 3 nguyên nhân chính khiến điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh nhiều năm qua còn thấp.

Thứ nhất, những tỉnh, thành có điểm thi Tiếng Anh cao đa phần là địa phương thuận lợi về kinh tế, phụ huynh quan tâm, đầu tư cho con học từ sớm nên kết quả thi tốt hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, năm 2022, 10 tỉnh, thành có điểm trung bình môn Tiếng Anh cao nhất nước lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình và Bắc Ninh.

Ngược lại, các địa phương khó khăn thì phụ huynh không có điều kiện cho con em học thêm ngoài nhà trường, dẫn đến kết quả thi thấp.

Ví dụ, 10 địa phương có điểm thi thấp nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đa số là các tỉnh miền núi nhhư Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Hậu Giang, Đắk Nông, Trà Vinh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hoà Bình, Lai Châu. [3]

Thứ hai, trình độ giáo viên Tiếng Anh còn thấp là một trong những lí do chính khiến điểm số môn học này nhiều năm qua chưa được cải thiện, vẫn "giậm châm tại chỗ". Điều này đã được các phương tiện truyền thông phản ánh từ nhiều năm qua.

Báo Tiền Phong ngày 19/10/2011 đưa tin, tại hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, có ý kiến cho biết, nhiều giáo viên dạy Tiếng Anh dưới chuẩn từ 3 - 4 bậc. [4]

Báo Người Lao Động ngày 28/1/2016 dẫn thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trên 50% giáo viên môn Tiếng Anh tiểu học, 63,29% bậc trung học cơ sở và 73,88% cấp trung học phổ thông chưa đạt chuẩn. [5]

Tạp chí Tri thức trực tuyến ngày 4/8/2019 cho biết, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những vùng khó khăn như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Quảng Nam có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực tiếng Anh thuộc loại thấp nhất cả nước. [6]

Thứ ba, nhiều người học ngành ngoài sư phạm (tổng hợp Anh, Ngôn ngữ Anh...) tham gia giảng dạy cũng khiến chất lượng môn ngoại ngữ chưa được cải thiện.

Có thể nhận thấy, điểm tuyển sinh đầu vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của các trường đại học bao giờ cũng cao hơn ngành ngoài sư phạm. Ví dụ, năm 2021, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là Sư phạm Tiếng Anh với 27,15 điểm; còn ngành Ngôn ngữ Anh là 26 điểm. [7]

Hay, năm 2021, điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Sài Gòn là 26,06; còn Sư phạm Tiếng Anh là 26,69 điểm. [8]

Người học ngoài ngành Sư phạm Tiếng Anh có thể học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục 2019.

Thực tiễn dạy học cho thấy, phương pháp giảng dạy của giáo viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sẽ khó bằng giáo viên được đào tạo sư phạm chính quy, bài bản. Điều này cũng phần nào khiến học sinh gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu bài học.

Đề xuất một số giải pháp khắc phục

Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành trên cả nước cần nhanh chóng rà soát trình độ giáo viên tiếng Anh bậc trung học phổ thông để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Được biết, năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức rà soát, đánh giá giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế là một cách là rất hay và thiết thực.

Việc rà soát nhằm phân lớp, tiếp tục đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho những giáo viên Tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. [9]

Ngoài ra, Hà Nội còn đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có 30% giáo viên Tiếng Anh trung học cơ sở và trung học phổ thông được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và nâng chuẩn nghe nói tại các nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất.

Đến năm 2025, 50% giáo viên phổ thông các cấp học phải đạt kỹ năng nghe, nói tiếng Anh từ 6.5 trở lên theo chuẩn quốc tế IELTS, 50% giáo viên các môn Toán và Khoa học có thể sử dụng tiếng Anh để giảng dạy.

Thứ hai, cần điều chuyển hoặc tinh giản biên chế đối với những giáo viên Tiếng Anh không đạt chuẩn như cách làm của tỉnh Hòa Bình là rất hợp tình hợp lí.

Theo đó, sau khi kết thúc năm học 2021-2022 (trước thời điểm đánh giá viên chức), đối với giáo viên Tiếng Anh dạy cấp trung học phổ thông chỉ đạt năng lực tiếng Anh bậc 4/6; giáo viên tiếng Anh dạy cấp trung học cơ sở chỉ đạt năng lực tiếng Anh bậc 3/6, thì xem xét xếp loại chất lượng viên chức ở mức cao nhất là mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đối với giáo viên tiếng Anh dạy cấp trung học phổ thông chỉ đạt năng lực tiếng Anh bậc 3/6, giáo viên tiếng Anh dạy cấp Trung học cơ sở chỉ đạt năng lực tiếng Anh bậc 2/6, thì xem xét xếp loại chất lượng ở mức cao nhất là mức hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với giáo viên Tiếng Anh dạy cấp trung học phổ thông chỉ đạt năng lực tiếng Anh bậc 2/6, giáo viên tiếng Anh dạy cấp trung học cơ sở chỉ đạt năng lực bậc 1/6 và các giáo viên không tham gia đánh giá năng lực ngoại ngữ theo kế hoạch đã đăng ký thì xem xét xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, về hành lang pháp lí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đầu tư cho việc dạy và học môn Tiếng Anh từ nhiều năm qua nên trường phổ thông gặp rất nhiều thuận lợi.

Cụ thể, ngày 23/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT về kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

Hay, ngày 24/1/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Hoặc, ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, trong đó môn Tiếng Anh được xếp ngang hàng với các môn học khác.

Vậy nên, ngành giáo dục cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất vẫn là đổi mới phương pháp dạy học; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên một cách bài bản; nâng cao nhận thức cho học sinh về vai trò của tiếng Anh trong thời kì hội nhập quốc tế.

Bàn về giải pháp để nâng cao hiệu quả môn Tiếng Anh ở trường phổ thông, tôi rất đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:

"Trong thế kỷ 21 với cuộc cách mạng 4.0 và sự phát triển vượt bậc của ngành AI (trí tuệ nhân tạo), một người trẻ tốt nghiệp trung học phổ thông thiếu năng lực tiếng Anh cũng gần giống như người không biết chữ ở đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam, mọi con đường phát triển đều bị cản trở.

“Từ cuối thế kỷ 20, tôi đã nghe khẩu hiệu “tiếng Anh như một công cụ phát triển” (English as a tool for development) được nhắc đến tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia...

Tôi nghĩ, khẩu hiệu đó đặc biệt đúng cho Việt Nam hiện nay. Tất cả mọi người Việt Nam đều cần phải có ý thức rằng, nếu không có tiếng Anh thì quá trình hội nhập và phát triển của từng cá nhân và của cả đất nước Việt Nam sẽ rất khó khăn, vất vả”, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh. [10]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/pho-diem-mon-tieng-anh-thi-tot-nghiep-thpt-2021-759260.html

[2] https://vietnamnet.vn/mon-tieng-anh-doi-so-ve-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-669604.html

[3] https://tienphong.vn/tieng-anh-doi-so-nhieu-nam-vi-dau-nen-noi-post1457994.tpo?fbclid=IwAR24N1tn8ockWbReQfD0vc55XceIwb-7UU_zbpBDncZ1vpmt1WSsGVR8Npg

[4] https://tienphong.vn/trinh-do-nhieu-giao-vien-tieng-anh-duoi-chuan-bon-bac-post555548.tpo

[5] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hiem-giao-vien-tieng-anh-dat-chuan-20160128214338106.htm

[6] https://zingnews.vn/trinh-do-giao-vien-tieng-anh-o-ha-giang-thuoc-loai-thap-nhat-ca-nuoc-post974427.html

[7] https://laodong.vn/giao-duc/diem-chuan-dai-hoc-su-pham-tphcm-2021-cao-nhat-2715-953764.ldo

[8] https://vietnamnet.vn/truong-dh-sai-gon-cong-bo-diem-chuan-nam-2021-774898.html

[9] https://vnexpress.net/ra-soat-trinh-do-giao-vien-tieng-anh-4112955.html

[10] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/vi-dau-diem-tieng-anh-lien-tuc-doi-so-nhieu-nam-lien-1089436.vov

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài