Mong sẽ có “tiêu chuẩn sàn” khi bổ nhiệm lương, hạng theo Thông tư mới cho GV

11/08/2022 06:36
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiêu chuẩn sàn cũng nên được đơn giản hóa gồm thời gian, thành tích trong công tác, các danh hiệu thi đua, vị trí việc làm,…phù hợp thực tiễn ngành.

Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Ảnh minh họa - A.N

Ảnh minh họa - A.N

Theo khảo sát, đa số giáo viên đều đồng tình chia hạng giáo viên

Sáng 8/8, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.

Tại đây, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm rõ căn cứ để quy định tiêu chuẩn đạo đức và chia hạng với giáo viên.

Ông Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà đặt vấn đề: “Giáo viên hạng hai, hạng ba trong đó có phân loại về tiêu chí đạo đức giáo viên, tôi xin hỏi là cơ sở nào để Bộ trưởng quy định đạo đức theo hạng như vậy? Hạng 1 khác hạng 2, hạng 2 khác hạng 3, vậy đạo đức nhà giáo được xếp theo hạng hay như thế nào? Tại sao Thông tư lại quy định như vậy?”.

Giải trình các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục về chia hạng giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết việc phân hạng giáo viên được quy định tại Nghị định, Thông tư liên quan về mặt câu chữ có thể gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, nội hàm việc phân hạng giáo viên đều bám sát những đòi hỏi thực tế trong sử dụng, quản lý giáo viên. “Khảo sát trên 500.000 ý kiến của giáo viên thuộc các nhóm, vùng miền khác nhau về việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thì đa số ý kiến đồng tình với phân hạng giáo viên” Bộ trưởng nêu và cho biết sẽ bỏ quy định về các tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo theo hạng. [1]

Thông tin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu đa số giáo viên được khảo sát đều đồng tình với việc phân hạng giáo viên theo người viết là đúng.

Bản thân người viết cũng rất đồng tình với việc chia hạng giáo viên, đã qua rồi cái thời “sống lâu lên lão làng”, giáo viên giỏi nhiều thành tích, hiệu quả làm việc cao, chất lượng tốt phải ở hạng cao, lãnh lương cao hơn là điều đúng đắn, hợp lý.

Tuy nhiên, người viết rất băn khoăn với cách chia hạng hiện nay, gần như không căn cứ vào các tiêu chuẩn, thành tích, cống hiến để bổ nhiệm hạng cao nên gây rất nhiều bức xúc trong giáo viên.

Nhiều giáo viên giỏi, thành tích tốt lại ngậm ngùi ở hạng 3, hạng 4, ngược lại nhiều giáo viên không có gì nổi bật, làm việc “tàng tàng” lại ở hạng 1, 2 khiến nhiều người bức xúc.

Điều mà người viết băn khoăn tiếp theo là sau khi bổ nhiệm hạng 1, 2 xong thì người đó suốt đời vẫn ở hạng 1, 2 mà không có cơ chế, chế tài nào “xuống hạng”, để giáo viên phấn đấu trong công tác, để được “giữ hạng”.

Mong sẽ có “tiêu chuẩn sàn” khi bổ nhiệm hạng mới cho giáo viên

Vấn đề giáo viên hết sức quan tâm đó là quy định tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021, khoản 1 Điều 7 của Thông tư 01-03/22021 được sửa đổi thành “1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BDGĐTBNV nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng mới như sau:

Đối với giáo viên mầm non: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,1-4,89); giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm hạng II mới cùng hệ số lương 2,34-4,98.

Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên hạng IV cũ (hệ số lương 1,86-4,06), hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38).

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên hạng III cũ (hệ số lương 2,1-4,89) được bổ nhiệm hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) được bổ nhiệm hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38); giáo viên hạng I cũ (hệ số lương 4,0-6,38) được bổ nhiệm hạng I mới (hệ số lương 4,4-6,78).”

Vấn đề gây tranh luận trái chiều đó chính là dự thảo quy định giáo viên chỉ cần đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng sẽ được bổ nhiệm lương hạng I, II mới mà không căn cứ vào các tiêu chuẩn khác, sẽ khiến nhiều giáo viên có thể được bổ nhiệm lương mới “nhầm hạng”, sẽ có những giáo viên chỉ cần có trình độ đại học, công tác lâu năm, dù công tác tốt hay không, có thành tích gì hay không cũng sẽ được bổ nhiệm hạng I, II mới, được hưởng lương hạng cao.

Cũng tại buổi sáng 8/8, tại phiên giải trình trên, giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ ra một số bất cập, hạn chế, khi vẫn có sự khác nhau trong phân cấp quản lý tại các địa phương về tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, dẫn đến các chính sách đối với giáo viên được thực hiện không đồng thời trên toàn quốc, còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định hoặc chậm thực hiện dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Cụ thể như vẫn còn tình trạng bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên không đúng quy định; một số địa phương sau khi tuyển dụng, chỉ căn cứ vào trình độ đào tạo của người trúng tuyển để bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn hoặc cao nhất trong cấp học; chậm bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý, tuyển dụng viên chức, đảm bảo mức tiêu chuẩn sàn. Ngoài ra, việc bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức nên giao cho các bộ, ngành, địa phương được quy định cao hơn để đáp ứng đòi hỏi thực tế từng địa bàn, không trái với tiêu chuẩn chung được xác định. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sự giám sát chặt chẽ đối với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo chất lượng tốt nhất.[2]

Tại buổi họp trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm, nếu không có gì thay đổi, ít ngày nữa sẽ ký ban hành các nội dung sửa đổi cho chùm Thông tư từ 01 đến 04.[1]

Người viết cho rằng để việc bổ nhiệm hạng mới đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, phù hợp vị trí việc làm và tạo được công bằng, hợp lý trong bổ nhiệm thì trong Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên ban hành “tiêu chuẩn sàn” trong bổ nhiệm, tiêu chuẩn sàn cũng nên được đơn giản hóa gồm thời gian công tác, thành tích trong công tác, các danh hiệu thi đua, vị trí việc làm,…phù hợp thực tiễn ngành.

Chính sách lương mới này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên cả nước, ảnh hưởng đến động lực và có cả hiệu quả làm việc nên người viết hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04 một cách hợp lý nhất, có lợi cho giáo viên, đảm bảo công bằng trong xếp lương giáo viên, người giỏi công tác tốt có nhiều thành tích, cống hiến ở hạng cao, còn lại ở hạng thấp hơn, hưởng lương thấp hơn.

Và, sau khi ban hành Thông tư chính thức nhanh chóng cho các địa phương tiến hành bổ nhiệm lương mới cho giáo viên cả nước, đừng để như Thông tư 01-04 có hiệu lực đã hơn 18 tháng nhưng nhiều địa phương vẫn "giậm chân tại chổ".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/sap-ban-hanh-thong-tu-sua-doi-ve-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-2047617.html

[2] https://tienphong.vn/bo-noi-vu-xay-dung-tieu-chuan-san-khi-bo-nhiem-tuyen-dung-vien-chuc-post1459902.tpo

[3] Chùm Thông tư 01-04/2021/BGDĐT

[4] Dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa