Một mô hình giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả

20/01/2016 07:06
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Có ngăn chặn từ xa, triệt phá những vụ việc mới manh nha trong học sinh, góp phần giảm thiểu đáng kể tác động xấu của nạn bạo lực học đường.

LTS: Khi mà gần đây có nhiều vụ bạo lực học đường cũng như nhiều thầy cô vi phạm đạo đức nghề giáo thì tại Quảng Ngãi thầy và trò trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vẫn hàng ngày thực hiện cách làm hay để chấn chỉnh đạo đức học sinh, tạo động lực, thúc đẩy chất lượng dạy và học…

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra cách tiến hành ở mô hình giáo dục hiệu quả này để các trường bạn trên cả nước có thể tham khảo. 
 
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trước tình hình, diễn biến đạo đức của học sinh ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc học sinh đánh nhau hội đồng rất dã man từ những mâu thuẫn, xích mích, lời qua tiếng lại trên Facebook…được tung lên mạng gây bức xúc dư luận, xã hội.  

Có không ít nhà trường, thầy cô giáo chỉ chú tâm dạy chữ, kiến thức văn hóa mà sao nhãng, lơ là, thiếu biện pháp giáo dục học sinh cá biệt, học sinh đánh nhau…dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Ở tỉnh Quảng Ngãi, có trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) hàng chục năm nay là nơi xây dựng, hình thành một “mô hình” giáo dục, quản lý đạo đức học sinh đạt hiệu quả cao được phụ huynh học sinh và lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đánh giá cao. 

Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) (Ảnh: Đỗ Tấn Ngọc)
Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) (Ảnh: Đỗ Tấn Ngọc)

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) được thành lập từ năm 1992, một thời gian dài là trường thuộc hệ bán công, được chuyển đổi sang hệ công lập từ năm 2011. 

Chất lượng đầu vào thấp, trong đó có nhiều em diện cá biệt, hư hỏng, hay đánh nhau…

Trước đặc điểm trường lớp đầy khó khăn, phức tạp như vậy, nhà trường này đã có những kinh nghiệm, cách làm hay để chấn chỉnh đạo đức học sinh, tạo động lực, thúc đẩy chất lượng dạy và học… 

Trên cơ sở văn bản, quy định, hướng dẫn của cấp trên, vào đầu mỗi năm học, nhà trường chúng tôi rất quan tâm việc củng cố kiện toàn, bổ sung các quy định, quy trình liên quan thi đua, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh cho phù hợp với diễn biến, thực tế học sinh. 

Các biểu hiện, vi phạm mới nảy sinh trong học sinh hiện nay về công nghệ thông tin, sử dụng mạng, facebook…mặc dù, các quy định của Bộ GD&ĐT chưa có hoặc chưa cụ thể, song chúng tôi vẫn mạnh dạn bàn bạc, thống nhất đưa vào để việc đánh giá, theo dõi, xử lý của các bộ phận, giáo viên được thuận lợi, đầy đủ, sát thực tế, không sót, thiếu mặt nào. 

Một mô hình giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả ảnh 2

Người lớn thấy gì khi học sinh bị đánh hội đồng và tung clip lên mạng xã hội ?

(GDVN) - Nếu gia đình và Nhà trường kết hợp một cách thường xuyên, liên tục, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra như hiện nay.

Đặc biệt, trường hợp học sinh vi phạm gây gổ đánh nhau, đánh nhau hội đồng, lôi kéo học sinh khác, thanh niên bên ngoài đánh học sinh trong trường, nhà trường quy định cụ thể, chặt chẽ cùng với nhiều hình thức uốn nắn và kỷ luật phù hợp, có tính giáo dục và răn đe, từ mức phê bình đến cảnh cáo, buộc thôi học có thời hạn. 

Từng cá nhân học sinh có mối quan hệ chặt chẽ với tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm. 

Nếu lớp nào, có học sinh vi phạm về nề nếp, đạo đức… thì lớp đó sẽ bị trừ điểm thi đua, ảnh hưởng đến tỉ lệ khống chế về hạnh kiểm ở học kỳ, cả năm. 

Các công cụ “pháp lý” của nhà trường hoàn tất, trường tôi dành nhiều thời gian tuyên tuyền, phân tích chi tiết và yêu cầu học sinh, phụ huynh ký vào bản cam kết thực hiện, nhất là học sinh lớp 10 mới vào trường. 

Trong năm học, các tiết chào cờ, hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt 15 đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần; hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội thanh niên, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức học sinh được lồng ghép, triển khai liên tục, cùng các hình thức phong phú như kể chuyện, nêu gương, dựng tiểu phẩm, hỏi, đáp nhanh…với phương châm giáo dục “mưa dầm thấm lâu”, nhận thức, hiểu biết phải đi trước.

Trường tôi từ ngày thành lập đến nay luôn duy trì và phát huy tốt vai trò của Ban quản sinh. Ban quản sinh gồm có 4 đến 5  thầy cô giáo, chuyên việc theo dõi, đánh giá, xử lý, giáo dục đạo đức, nề nếp, tác phong của học sinh nhà trường.  

Hàng tháng, nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ mỗi thầy cô giáo Ban quản sinh gần 2 triệu đồng để Ban quản sinh có thêm động lực  làm tốt hơn nhiệm vụ nặng nề, phức tạp của mình. 

Đội thanh niên tình nguyện được thành lập hàng năm, mỗi lớp 1 em, có nhiệm vụ chấm điểm thi đua, nắm bắt tình hình, diễn biến đạo đức, những biểu hiện lệch lạc, sai phạm trong học sinh; hằng ngày, hàng tuần có chấm điểm, có báo cáo, sơ kết cho Ban quản sinh, Ban giám hiệu nhà trường để kịp thời chỉ đạo, phối hợp, giáo dục, xử lý ngay  những trường hợp học sinh cá biệt, học sinh đánh nhau.  

Một mô hình giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả ảnh 3

Nơi nào giáo viên chủ nhiệm quan tâm nơi ấy sẽ giảm bạo lực học đường

(GDVN) - Thầy cô chủ nhiệm tận tâm, tận lực với học sinh, luôn gần gũi, quan tâm để chuyện trò sẽ nắm bắt được tâm tư những bất ổn trong quan hệ bạn bè của học sinh.

Ngoài ra, mỗi lớp, chúng tôi còn đan cài những học sinh “mật”, các em này có nhiệm vụ nghe ngóng, nắm bắt và phản ánh nhà trường về những trường hợp học sinh trộm cắp, đánh nhau…

Hơn nữa, Ban quản sinh, tổ bảo vệ… chủ động, tích cực, thường xuyên đi “thực tế” xung quanh trường, nơi hàng quán, nhà dân, thời điểm tan trường…nghe, thấy được bao “chuyện” lệch lạc của học sinh. 

Từ những “manh mối” đó, nhà trường, Ban quản sinh phát hiện, “đấu tranh”, “chấn chỉnh” được khá nhiều vụ học sinh trong trường, liên kết với thanh niên bên ngoài chuẩn bị hung khí, tổ chức đánh nhau tập thể. 

Có ngăn chặn từ xa, triệt phá những vụ việc mới manh nha trong học sinh, góp phần giảm thiểu đáng kể tác động xấu của nạn bạo lực học đường.  

Thầy Lê Huyền Chung, Phó trưởng Ban quản sinh, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ thêm: “Ở trường này, tôi có 12 năm làm công việc quản sinh, đã giải quyết hàng trăm vụ học sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến đánh nhau, có trường hợp gây thương tích lỗ đầu, chảy máu. 

Lý thuyết, văn bản thì dễ nhưng đi vào thực tế xử lý thì lại vô cùng khó khăn, vì tính phức tạp của nó, nhiều khi căng đầu, tốn khá nhiều thời gian để xác minh, tìm hiểu. Khi xảy ra sự việc, một số em có liên quan, rất  ngoan cố, quanh co (vì nhiều lý do), chối tội. 

Chúng tôi kiên trì khai thác, đấu tranh bằng nhiều biện pháp khác nhau, mời phụ huynh đến cùng giải quyết, có trách nhiệm. Phân tích hành vi đúng sai, phải trái để học sinh, phụ huynh nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình. 

Có ngay hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm, thông báo ở lớp hay toàn trường. Nhờ giải quyết, xử lý kịp thời, kiên quyết nên vấn nạn bạo lực trong học sinh trường mấy năm nay đỡ đi nhiều. Riêng học kỳ 1 vừa qua, không có vụ học sinh đánh nhau nào  xảy ra
.” 

Công tác phối hợp giữa nhà trường, các bộ phận, thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn và phụ huynh, kể cả công an phường, công thành phố Quảng Ngãi luôn được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. 

Một mô hình giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả ảnh 4

Quan điểm về "bạo lực học đường " của bạn sẽ thay đổi sau khi đọc bài này

(GDVN) - Không chỉ những học sinh trong trường mới sợ những đại ca học đường mà ngay chính các thầy cô giáo, cũng rất sợ những “đại ca” của lớp, của trường.

Học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm giáo dục nhiều lần không tiến bộ, sẽ được chuyển lên Ban quản sinh, Ban giám hiệu giáo dục, tư vấn. 

Học sinh vi phạm nhiều lần, nhất là liên quan đến đánh nhau thì giáo viên chủ nhiệm, Ban quản sinh mời cha mẹ đến làm việc, cùng cam kết, cùng giáo dục, cho thêm những cơ hội sửa sai. 

Vì làm một cách quán triệt, thường xuyên với tinh thần, trách nhiệm cao của nhà trường, thầy cô giáo nên về mặt đạo đức học sinh nhà trường có chuyển biến tích cực. 

Về quy trình quản lý, đánh giá hạnh kiểm, đạo đức học sinh, nhà trường chúng tôi cũng rất chặt chẽ, bài bản. Ban giám hiệu, ban quản sinh, giáo viên chủ nhiệm nắm diễn biến học sinh hằng ngày. 

Diện học sinh bị kỷ luật, hạnh kiểm yếu tháng đưa vào báo cáo tháng. Cuối học kỳ, dành một buổi riêng để Giáo viên chủ nhiệm tổ chức đánh giá, bình bầu về hạnh kiểm, ưu điểm, khuyết điểm, rút kinh nghiệm của từng học sinh, từng lớp. 

Xét thi đua, học lực, hạnh kiểm học kỳ tại nhà trường tổ chức công khai, rà soát và đưa xem xét kỹ lưỡng những trường học sinh cá biệt của từng lớp. 

Tổ chức nghiêm túc diện học sinh rèn luyện trong hè bằng hình thức lao động tại trường. Em nào chấp hành tốt, có chuyển biến về hạnh kiểm, mới xem xét nâng hạnh kiểm, được lên lớp. 

Thầy Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, nói chuyện với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, nhân dịp về thăm trường ngày 20/11/2015, có nhận xét: 

Qua theo dõi thì thấy, cách quản lý, giáo dục, xử lý đạo đức học sinh của trường các thầy, cô giáo rất chặt chẽ, nghiêm túc, đồng bộ, triệt để, bài bản và hiệu quả, đem lại  hiệu ứng tốt, niềm tin lớn trong phụ huynh học sinh. 

Nhà trường luôn chú trọng đến giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục “làm người”, đạo đức, học sinh cá biệt như vậy rất tốt. Đây xứng đáng là một mô hình hay cần được nhân rộng, phát huy hơn nữa trong bối cảnh hiện nay
”.    

Đỗ Tấn Ngọc