Một Phó hiệu trưởng nói về hậu quả khôn lường của ép buộc học thêm

24/12/2014 07:44
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - "Là người trong cuộc, tôi nghĩ người trong ngành, phụ huynh, học sinh và dư luận cần có cái nhìn đầy đủ, đa chiều về vấn đề này..."

Đó là chia sẻ của thầy Đỗ Tấn Ngọc - Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) xung quanh câu chuyện dạy thêm, học thêm đang được độc giả Báo Giáo dục Việt Nam quan tâm thời gian gần đây.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc có gửi đến toàn soạn một bài viết, cũng là góc nhìn cùng những phân tích chuyên sâu của thầy về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay. Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả.

Câu chuyện dạy thêm, học thêm không hề mới, từng được bàn thảo, mổ xẻ, phân tích rất nhiều nhưng nó vẫn cứ nóng lên, gây khá nhiều bức xúc, nghi ngại trong ngành giáo dục và dư luận xã hội. Là người trong cuộc, tôi nghĩ người trong ngành, phụ huynh, học sinh và dư luận cần có cái nhìn đầy đủ, đa chiều về vấn đề này và nói không với biểu hiện dạy - học thêm chèn ép, tràn lan.

Từ thực tế, tâm lý của phụ huynh, học sinh

Nhiều phụ huynh, nhất là bậc tiểu học, không đặt nặng chuyện học thêm của con cái để thi thố, đạt danh hiệu này, nọ. Nhưng họ vẫn cho con đi học thêm ở nhà thầy, cô với mục đích nhờ thầy cô quản lý giúp con em, nếu để con em ở nhà một mình thì không yên tâm, có nhiều mối lo khác. Vì họ bận rộn công việc nhà nước, kinh doanh…không có thời gian ở nhà để quản lý, chăm sóc, chỉ dạy con cái. Đây cũng là nhu cầu thực tế có thật của nhiều phụ huynh ở các thành phố, đô thị lớn.

Nhiều phụ huynh và học sinh có tâm lý số đông, thấy con cái người ta đi học thêm mình cũng phải cho con đi học thêm mới yên tâm và có chung mối lo lắng sợ rằng nếu không đi học thêm thầy cô giáo thì nhất định sẽ bị thua kém, không bằng bạn bằng bè, thầy, cô giáo định kiến, trù dập, ra những câu, bài tập khó, lạ, con em mình không làm được, bị điểm kém, phải thi lại, thậm chí bị lưu ban.

Một nền giáo dục nặng về thi cử với suy nghĩ chỉ có đi học thêm mới đạt kết quả cao. Ảnh minh họa. (Nguồn: TT.vn)
Một nền giáo dục nặng về thi cử với suy nghĩ chỉ có đi học thêm mới đạt kết quả cao. Ảnh minh họa. (Nguồn: TT.vn)

Nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục nặng về thi cử, bệnh thành tích mà đến nay vẫn ít  có chuyển biến, thay đổi gì đáng kể. Điều đó cũng ăn sâu vào tư tưởng, tâm lý các thế hệ học sinh và phụ huynh. 

Họ mang niềm tin, suy nghĩ là: chỉ có đi học thêm nhiều thì mới đạt được kết quả khá, giỏi, mới  có đủ kiến thức, khả năng thi cử đỗ đạt trường này, trường kia. Nhiều phụ huynh cho rằng, bỏ thêm chi phí học thêm cho con hằng tháng từ mấy trăm nghìn đến cả triệu đồng cũng là chuyện bình thường.

Từ động lực và nhu cầu đúng đắn

Dạy thêm, học thêm đã và đang tồn tại là từ nhu cầu thực tế của người học. Nó cũng là một nhân tố để nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh áp lực thi cử khá lớn, khả năng tiếp thu của học sinh lại có phần hạn chế... . Nhiều lớp học đóng vai trò cầu nối để cho nhiều học sinh phổ thông bước vào giảng đường đại học. Một số em học sinh yếu kém cũng vươn lên khá giỏi nhờ các thầy cô dạy phụ đạo.

Theo kết quả khảo sát của một cơ quan dưới sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, về việc học thêm có tới 44% do nhà trường tổ chức; số còn lại do một số thầy cô tự đứng ra đảm nhiệm. Ðối với nhiều giáo viên, dạy thêm là công việc để tăng thu nhập một cách chính đáng trong điều kiện lương chưa đủ sống.

Ðiều quan trọng hơn là dạy thêm tạo thêm động lực để giáo viên trau dồi chuyên môn. Các thầy cô giáo có chuyên môn tốt, giảng dạy nhiệt tình, học sinh dễ hiểu bài. Học sinh theo học thêm xuất phát từ sự tự nguyện, coi đó là là nhu cầu thiết thực của bản thân. Các thầy cô này cũng không bao giờ có chuyện ép buộc học sinh đi học thêm mình. 

Một số giáo viên thật sự có thu nhập cao, đời sống khá giả từ dạy thêm.

Hậu quả khôn lường từ dạy thêm ép buộc, tràn lan

Hiện nay, có không ít giáo viên kiến thức chuyên môn chưa vững vàng nhưng vẫn dạy thêm. Vì học sinh ít hoặc không theo học, nặng toan tính chuyện thu nhập, thấy giáo viên khác dạy được, dạy nhiều học sinh, có tâm lí sốt ruột, ganh tị, nên họ nảy sinh biểu hiện tiêu cực, chèn ép, dụ dỗ học sinh, và vận động phụ huynh cho con em đi học thêm. 

Một Phó hiệu trưởng nói về hậu quả khôn lường của ép buộc học thêm ảnh 2Trần tình của một Hiệu phó hơn 10 năm chong đèn dạy thêm

"Nếu nói về đúng nghĩa quy định ấy thì mình đang vi phạm, bởi vì khi giáo viên đang còn đương chức thì không được, nhưng đây mình không phải tổ chức trung tâm".

Nhiều giáo viên ở lớp giảng dạy rất sơ sài, qua loa, khiến phần lớn học sinh không nắm chắc kiến thức. Đây cũng là cách buộc học sinh phải đi học thêm mình. Ở trường lớp  thì dạy tắc trách cho hết giờ, nhưng ở nhà các giáo viên này lại dạy có bài bản, nghiêm túc. Nhiều học sinh ban đầu rất ngạc nhiên, nhưng về sau thì quá hiểu mục đích, động cơ của thầy cô giáo đó. 

Cũng vì tăng thu nhập đáng kể do dạy học thêm, nên nhiều thầy cô đối xử với học sinh thiếu công bằng. Họ thường hay mớm đề, giải bài sẵn các đề bài kiểm tra ở lớp tại giờ dạy học thêm, tới lớp học sinh chỉ nhớ và chép lại. Họ sẵn sàng châm chước bỏ qua các lỗi trong làm bài của học sinh đi học thêm mình, nhưng lại khắt khe, cho điểm thấp đối với những học sinh không học mình.

Chúng tôi được biết, phần lớn dạy thêm là đi trước chương trình, thầy cô “hóa giải”, làm sẵn hết mọi bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa, ngồi dưới  các em có nhiệm vụ ráng nghe và ráng ghi chép thật đầy vào vở. Do được trang bị sẵn cả rồi nên nhiều em đâm ra lười học, thụ động, chẳng cần suy nghĩ gì mấy. 

Đến lớp, hầu hết các giờ học, học sinh thường lặng tờ, không buồn giơ tay, phát biểu xây dựng bài. Chương trình mới, sách giáo khoa mới mà không khí lớp học vẫn rời rạc, buồn hiu. Tình trạng đáng buồn đó khá phổ biến, làm tiêu tan những mục tiêu, phương pháp dạy học, giáo dục hiện đại, tích cực mà chúng ta đang nỗ lực gây dựng. Chúng tôi cho đây là cái mất mát lớn nhất đối với chất lượng giáo dục.

Đáng buồn có thực trạng không ít thầy cô giáo quá đặt nặng chuyện thu nhập, tiền bạc, ép buộc hoặc làm nhiều động thái khác để học sinh phải đi học thêm mình, cũng là điều tồi tệ, làm xấu hình ảnh người thầy giáo trước con mắt học trò; môi trường giáo dục bị thương mại hóa, theo kiểu 'tiền trao cháo múc", có tiền có chữ, không còn giữ được vẻ thuần khiết, đẹp đẽ như thời trước đây. Nhiều học sinh ra trường, bước vào đời sống dường như không nhớ, không ấn tượng gì về các thầy cô giáo dạy thêm mình.

Cũng vì nặng nghĩ về thu nhập, dạy- học thêm nên một số thầy cô giáo có biểu hiện xao lãng, đùn đẩy công việc nhà trường, ít đầu tư, quan tâm trong việc giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy học, nhiều nội dung, hoạt động của tổ chuyên môn, nhà trường rơi vào im lặng và bế tắc. 

Hơn nữa, mặc dù đã có những văn bản, quy định cụ thể, chi tiết của ngành, địa phương về dạy thêm, học thêm nhưng một số thầy cô giáo vẫn bất chấp quy định, tổ chức dạy học thêm trái phép tại nhà, tiếp tục gây nên tình trạng dạy học thêm tràn lan, nhất vào trong thời gian hè, vào năm học. 

Một Phó hiệu trưởng nói về hậu quả khôn lường của ép buộc học thêm ảnh 3Dạy thêm học thêm- góc nhìn đa chiều từ chính người trong cuộc

Nếu tuân thủ quy định thì dạy thêm học thêm không có gì là xấu. Tuy nhiên một số giáo viên đã lợi dụng việc này để thu lợi cá nhân thì thực đáng buồn...

Có thể nói, ý thức chấp hành pháp luật của nhà nước, ngành ở một bộ phận giáo viên ta còn thấp, thấy người kia dạy “ chui” được, mình cũng dạy “chui”, khi bị phát hiện, xử lý thì biện luận đủ đường, đủ lý do, nào đồng lương không đủ sống, nào coi giáo viên là “ tội phạm”. 

Rồi tự so sánh khập khiễng, bác sĩ mở phòng mạch tư được, tại sao giáo viên không được dạy thêm… (trong khi 2 lĩnh vực này có những đặc thù rất khác nhau).

Nhận thức của người dạy hạn chế, cộng với công tác kiểm tra, giám sát của nhà trường, cấp trên bị buông lỏng, cho nên vấn nạn này của ngành giáo dục hiện nay chẳng đi đến đâu, tiếp tục rơi vào tình cảnh: "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. 

Nhiều nước xung quanh ta, học sinh phổ thông cũng có đi học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức, song không có chuyện chèn ép, tràn lan như ở ta, vì họ có cách quản lý, tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc và các thầy cô giáo rất tôn trọng pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, việc Bộ giáo dục và các địa phương ban hành Quy định mới về dạy thêm học thêm  là việc làm hết sức cần thiết. Nó là công vụ chính để chấn chỉnh tình trạng dạy học thêm tràn lan, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường như chúng ta đã biết. 

Nhưng vấn đề quan trọng trước hết lúc này là các đơn vị quản lý giáo dục từ nhà trường, phòng giáo dục đến các sở giáo dục, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh để các đối tượng này có nhận thức đầy đủ, đúng đắn  về quy định mới. 

Tiếp đến, các đơn vị, địa phương đặc biệt chú trọng công tác quản lý, kiểm tra dạy- học thêm với các quy định đã ban hành như các trung tâm dạy học thêm phải có giấy phép, chịu sự quản lí của nhà trường, địa phương, chỉ dạy học thêm cho đối tượng đúng theo nguyện vọng, cơ sở phòng ốc, bàn ghế, số lượng học sinh phải bảo đảm, không được ép buộc học sinh học thêm  dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu công tác này bị lơ là, buông lỏng thì dù văn bản, quy định có đầy đủ, chặt chẽ đến đâu cũng khó có tính khả thi.

Đỗ Tấn Ngọc