Một số người làm văn hóa của Hà Nội có nên tiếp tục nhầm lẫn?

13/03/2023 06:28
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong rằng cơ quan chức năng vào cuộc, gỡ những hình ảnh, thông tin không đúng về Nguyên Phi Ỷ Lan để khách hành hương dự lễ hội có được đầy đủ thông tin chính xác

Hơn chục năm trước, trên đường đi dạy tại Trường Đại học Chu Văn An – Hưng Yên, người viết tình cờ nhìn thấy một tấm phướn rất to treo trước khu di tích đền chùa Bà Tấm – xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Trên tấm phướn có dòng chữ: “Kỷ niệm ngày đăng quang của Nguyên phi Ỷ Lan”.

Khi trở về nhà, người viết có nói nhỏ với vị Phó phòng Văn hóa huyện Gia Lâm lúc đó, rằng nói Nguyên phi Ỷ Lan “đăng quang” tức là gán cho bà tội tru di cửu tộc bởi “đăng quang” là lên ngôi vua, là cướp ngôi của chồng (hoặc con), tấm phướn ngay sau đó được gỡ bỏ.

Chuyện lúc đó mới chỉ tầm cỡ một xã, chuyện xảy ra vào tháng 3/2023 tại địa danh này mang tầm vóc lớn hơn nhiều bởi đó là hoạt động từ chính quyền xã đến cơ quan Đảng và Ủy ban Nhân dân thành phố, được tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, người viết đã có hai bài đăng trên báo Giaoduc.net.vn, bài thứ nhất đăng năm 2016 với tiêu đề “Đôi điều trao đổi với bài "Phát hiện chấn động: Tấm, Cám có thật ở Bắc Ninh?"” dưới bút danh Xuân Dương. [1]

Bài thứ hai đăng năm 2019: “Tìm về một địa danh lịch sử văn hóa tâm linh đích thực”. [2]

Tiếc rằng dù thông tin trong hai bài báo nêu trên được trích dẫn từ các nguồn tư liệu lịch sử chính thống, đáng tin cậy, thì đến năm 2023 này, những người chuẩn bị cho “Lễ kỷ niệm 960 năm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang” vẫn lặp lại những sai lầm không thể chấp nhận.

Xin nêu một số thông tin được các cơ quan báo chí đăng tải:

Báo Hanoimoi.com.vn ngày 21/02/2023 đăng một bức ảnh, chữ viết trên bức ảnh có một vài chỗ bị che khuất song có thể đọc được bốn dòng như sau:

Ủy ban nhân dân xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 956 năm ngày đăng quang

Nguyên phi Ỷ Lan

(20/2 năm Quý Mão 1063-20/2 năm Kỷ Hợi 2019)”. [3]

Bài báo có đoạn: “Ngày 6/3 tới, huyện Gia Lâm (Hà Nội) sẽ tổ chức Lễ hội Đền - chùa Bà Tấm gắn với dịp kỷ niệm 960 năm Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang (1063-2023) tại khu di tích Đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá)… Từ ngày 5 đến 12/3 (tức 14 đến 21 tháng Hai âm lịch) sẽ có các sự kiện tiêu biểu, như: Nghi thức rước kiệu, dâng hương, tế lễ truyền thống; giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu; giao lưu bình thơ xuân Quý Mão 2023; trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian”. [3]

Ảnh minh họa trong bài báo [3]

Ảnh minh họa trong bài báo [3]

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Huyện Gia Lâm - Thành phố Hà Nội viết:

“Tối 10/03/2023, tại xã Dương Xá, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 960 năm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang; khai mạc lễ hội đền – chùa Bà Tấm và công bố Quyết định “Điểm du lịch Dương Xá””. [4]

Báo Hanoimoi.com.vn trong bài “Long trọng lễ kỷ niệm 960 năm Ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang” có đoạn:

“Nguyên Phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (1044 - 1117), người quê Thổ Lỗi, Thuận Thành, Bắc Ninh (nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Trong một lần hái dâu chăn tằm, bà được vua Lý Thánh Tông bắt gặp, cảm mến, đưa về triều phong làm Nguyên phi, đặt tên là Ỷ Lan để nhớ lại buổi đầu gặp gỡ”. [5]

Bài báo giới thiệu đại biểu tham dự gồm một số lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Gia Lâm và nhiều thành phần khác.

Ảnh chụp khung cảnh lễ hội đăng trong bài báo [5]

Ảnh chụp khung cảnh lễ hội đăng trong bài báo [5]

Các bài báo [3], [4], [5] chứa đựng nhiều thông tin mà những người hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, văn hóa, du lịch Hà Nội cần khẩn trương nên xem xét lại.

Thứ nhất, việc sử dụng từ “đăng quang” trong các bài viết:

Từ điển tiếng Việt (Giáo sư Hoàng Phê chủ biên) giải thích ““đăng quang” là một động từ cũ, được dùng với tính chất trang trọng, có nghĩa là lên ngôi vua”.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế trong mục “Dư địa chí” giải thích về “lễ đăng quang” như sau: [6]

“Lễ đăng quang (vua lên ngôi), được coi là một đại lễ trang trọng hàng đầu, không chỉ liên quan tới cuộc sống cung đình mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống xã hội của đất nước”.

Điều không thể thiếu trong lễ đăng quang là tuyên đọc “Di chiếu truyền ngôi cho đức kim thượng của vị vua quá cố…”. [6]

Chỉ các vị vua khai quốc mới không có thủ tục “tuyên đọc di chiếu truyền ngôi”, điều này có thể thấy qua bài viết “Đại Cáo: Huyền thoại về vị vua khai quốc Lê Lợi”. [7]

Sách sử Việt Nam từ xưa đến nay chưa bao giờ đề cập hoặc nêu nghi vấn chuyện Nguyên Phi Ỷ Lan lên ngôi vua mà chỉ nói Đức Bà hai lần nhiếp chính.

Chuyện Nguyên Phi Ỷ Lan “nhiếp chính” khác hoàn toàn với “đăng quang” bởi khi đó đất nước vẫn có vua, bà chỉ thay vua lo việc nước.

Quãng thời gian từ lúc Nguyên phi Ỷ Lan còn là một “cô gái đứng tựa gốc lan” cho đến khi trở thành Hoàng thái hậu, đất nước chưa bao giờ không có vua.

Thứ hai, về “960 năm đăng quang của Nguyên Phi Ỷ Lan”.

Theo các số liệu trên báo chí và ảnh chụp tại địa điểm lễ hội, năm 2023 là kỷ niệm 960 năm Nguyên Phi Ỷ Lan “đăng quang”, vậy nếu sự “đăng quang” này là thật thì sự kiện phải diễn ra vào năm 1063.

Tra cứu trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, quyển III, mục [1a] phần Thánh Tông Hoàng Đế (1023 – 1072) thấy ghi:

“Quý Mão, [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 5 [1063], (Tống Gia Hựu năm thứ 8).

Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mươi mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó - Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông, (tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán, xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm - Lan phu nhân”…

“Bính Ngọ, [Long Chương Thiên Tự] năm thứ 1 [1066], (Tống Trị Bình năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 25, giờ Hợi, hoàng tử Càn Đức sinh. Ngày hôm sau, lập làm hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá phong mẹ thái tử là - Lan phu nhân làm Thần phi”.

Theo sử ký, sự kiện vua đi cúng khấn cầu tự gặp “người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm - Lan phu nhân” diễn ra vào năm 1063, như vậy năm 1063 là năm Lan phu nhân nhập cung.

Sự kiện “Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông” được chính sử ghi nhận vào năm Bính Ngọ 1066. Lúc này Lan phu nhân được phong làm Thần phi, chưa phải là Nguyên phi, càng không thể “đăng quang” (làm vua).

Những tư liệu lịch sử nêu trên cho thấy một sự thật là những người tổ chức “Lễ kỷ niệm 960 năm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang” hoặc là không biết rõ lịch sử nước Việt hoặc là cố tình làm bừa?

Thứ ba, về địa danh Thổ Lỗi.

Bài báo [4] viết: “Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (1044 - 1117), quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội”.

Báo Hanoimoi.com.vn cũng viết: “Nguyên Phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (1044 - 1117), người quê Thổ Lỗi, Thuận Thành, Bắc Ninh (nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội)). [5]

Xin nói ngay là người viết không muốn sa đà vào chuyện tranh luận đâu là quê của Nguyên Phi Ỷ Lan bởi điều đó sẽ tốn không ít giấy mực mà không mang lại lợi ích gì cho xã hội. Tuy nhiên những gì là nghi vấn, là chưa đủ tư liệu xác minh thì không được khẳng định.

Người viết cho rằng thông tin trong hai báo [4] và [5] nêu trên là không đúng.

“Thổ Lỗi” không phải là một “làng”, địa danh Thổ Lỗi (sau là Siêu Loại) ngày xưa là một “hương” và không ai biết chính xác hương Thổ Lỗi xưa rộng như thế nào. Có thể hương Thổ Lỗi kéo dài từ làng Đặng (Đặng xá) qua Sủi (Phú Thị), Đanh (Dương Đanh), Đá (Dương Đá) đến Ghênh (cầu Ghênh) nhưng chắc chắn Thổ Lỗi không chỉ thuộc xã Dương Xá.

Có lẽ nhận thấy những sai sót nên năm 2022, báo Hanoimoi.com.vn (chuyên trang Nhịp sống Hà Nội) đã đăng một bài đính chính với nội dung như sau:

“Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày mồng 7 tháng Ba năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi (còn gọi là làng Sủi, xưa thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội)”. [8]

Bài viết “Đâu là làng quê của Nguyên phi Ỷ Lan?” đăng trên “Tạp chí Xưa và Nay” thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có đoạn:

“Bên cạnh đền thờ Ỷ Lan, làng Sủi tức thôn Phú Thị còn có đình thờ Thành hoàng của làng là Đào Liên Hoa, một vị tướng của Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) từng đóng quân ở nơi đây, thời đó đã có tên là Trang Thổ Lỗi. Trong đình, đến nay còn có hai đôi câu đối chữ Hán nói về sự kiện trên:

Cờ kiếm sững uy danh, nhớ mãi Hoa Lư tài tướng giỏi

Cung đền đài thờ tự, truyền đây Thổ Lỗi trại quân xưa (dịch nghĩa)”. [9]

Tốt nhất là viết như thông tin trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh:

“Triều Lý có một người phụ nữ nổi tiếng tài năng xuất chúng, tư chất thông tuệ hiếm có, đó là Nguyên Phi Ỷ Lan. Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi, xưa thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội)”. [10]

Thứ tư, về tục rước nước.

Bài viết “Huyện Gia Lâm khai mạc lễ hội đền – chùa Bà Tấm và công bố Quyết định công nhận “Điểm du lịch Dương Xá” đăng ngày 10/03/2023 có đoạn:

“Theo truyền thống, lễ hội được mở đầu bằng một đám rước long trọng - rước nước, kéo dài từ làng Sủi (xã Phú Thị) trải rộng tới tận các xã Nghĩa Trai, Bình Trù, Yên Mỹ (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên)…”. [11]

Giếng cổ ở sân đình làng Sủi – thôn Phú Thụy. (Ảnh tác giả)

Giếng cổ ở sân đình làng Sủi – thôn Phú Thụy. (Ảnh tác giả)

Theo một vị cao niên (96 tuổi) hiện vẫn còn sống và minh mẫn thì nước trong giếng cổ này trước đây được rước về tắm tượng tại lễ hội đền – chùa Bà Tấm.

Bài [11] đăng trên “Cổng thông tin điện tử Huyện Gia Lâm - Thành phố Hà Nội”, dẫu sao thì đoạn văn trên cũng đem đến cho độc giả một sự kiện đúng.

Sự kiện đúng là trước đây, khi di tích đền chùa Bà Tấm mở hội, các vị cao niên trong xã tổ chức rước kiệu lên chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc Tự) thuộc thôn Phú Thụy (tên cổ là làng Sủi), xã Phú Thị xin nước tại giếng nước cổ (có từ thời Lý, nay vẫn còn) và rước về chùa Bà Tấm.

Tương truyền nước rước từ khu di tích đình - đền - chùa Sủi về được sử dụng cho lễ Mộc dục (tắm tượng) trong chùa Bà Tấm, lại có ý kiến cho là dùng để tắm giải oan cho 72 cung nữ bị bức tử ngày trước bởi chùa Bà Tấm khánh thành vào năm 1115 có đúng 72 cửa.

Về điều này có thể tìm thấy trong bài đăng trên báo Daidoanket.vn:

“Trước năm 1945, khi tổ chức hội ở đền Dương Xá, người dân vẫn về rước nước ở chùa Đại Dương (tức Đại Dương Sùng Phúc Tự, còn gọi là chùa Sủi – người viết) làm lễ tắm tượng. Những năm kháng chiến chống Pháp, đền mới bị phá”. [12]

Lễ tắm tượng còn gọi là lễ Mộc dục, “Mộc dục là nghi lễ linh thiêng thường diễn ra tại chốn chùa chiền. Nghi lễ không chỉ thể hiện sự tôn kính đức Phật mà còn hàm ý đưa con người tìm lại chính mình, tìm lại thiện căn. Về lễ hội chùa Côn Sơn, lễ Mộc dục ngoài tắm tượng Phật còn có nghi thức tắm bài vị tam tổ Trúc Lâm”. [13]

Bài đăng trên trang thông tin Bảo tàng lịch sử Việt Nam (Baotanglichsu.vn 30/03/2015):

“Ngày hội được mở đầu bằng một đám rước long trọng - rước nước. Đám rước khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Sủi (Phú Thị) cách đền khoảng 2km. Đi đầu đám rước là cờ ngũ hành, tiếp đến là Tổng cờ, rồi đến chiêng, trống, bát bửu, liền sau đó là long đình rước bà Tấm (bài vị), có những người phục dịch theo kiệu. Đường đi từ đền theo đường 179 ngày nay lên làng Sủi. Sau kiệu Bà là kiệu đựng chóe dùng lấy nước”. [14]

Nhận định “Mộc dục là nghi lễ linh thiêng thường diễn ra tại chốn chùa chiền” cho thấy việc bỏ qua nghi lễ này thật sự rất đáng tiếc.

Một truyền thống mang tính tâm linh, một “nghi lễ linh thiêng” mở đầu cho lễ hội tại “Điểm du lịch Dương Xá” đã được thực hiện qua nhiều thế hệ, được ghi trong nhiều tư liệu lịch sử bị bãi bỏ nhưng những người tổ chức lễ hội không nghĩ đến chuyện khôi phục.

Hy vọng khi bài viết này được đăng người viết sẽ nhận được phản hồi từ bạn đọc, đặc biệt là từ những người chịu trách nhiệm về văn hóa Thủ đô.

Cũng mong rằng cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng vào cuộc, khắc phục những sai sót nếu có và gỡ bỏ những hình ảnh, thông tin không đúng về Nguyên Phi Ỷ Lan để khách hành hương về dự lễ hội có được đầy đủ những thông tin chính xác, thanh thản tự tâm để hướng đến cội nguồn./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/doi-dieu-trao-doi-voi-bai-phat-hien-chan-dong-tam-cam-co-that-o-bac-ninh-post165766.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/tim-ve-mot-dia-danh-lich-su-van-hoa-tam-linh-dich-thuc-post196252.gd

[3] http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1056162/ky-niem-960-nam-nguyen-phi-y-lan-dang-quang-gan-voi-khai-hoi-den---chua-ba-tam

[4] http://gialam.hanoi.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/-/view_content/7757194-khai-mac-le-hoi-den-chua-ba-tam-va-cong-nhan-diem-du-lich-duong-x-1.html

[5] http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1057903/long-trong-le-ky-niem-960-nam-ngay-nguyen-phi-y-lan-dang-quang

[6]https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Le-Dang-Quang/newsid/6A386737-CF01-40C4-9726-E56C01E66AF8/cid/11920A02-33B3-4D47-BBF1-EA00ED61C66D

[7] https://nghiencuulichsu.com/2019/08/27/dai-cao-huyen-thoai-ve-vi-vua-khai-quoc-le-loi-bai-1/

[8]https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/827121/%C3%B0inh-yen-thai-va-hinh-bong-nguyen-phi-y-lan

[9] https://xuanay.vn/dau-la-lang-que-cua-nguyen-phi-y-lan/

[10]https://bacninh.gov.vn/news/-/details/20182/nguyen-phi-y-lan-ba-tam-xu-bac-38351127

[11]http://gialam.hanoi.gov.vn/tin-noi-bat/-/view_content/7757194-khai-mac-le-hoi-den-chua-ba-tam-va-cong-nhan-diem-du-lich-duong-x-1.html

[12] http://daidoanket.vn/thai-hau-y-lan-nguoi-phu-nu-vi-dai-464602.html

[13] https://haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=6252&title=doc-dao-nghi-le-ruoc-nuoc-moc-duc-chua-con-son.html#:~:text=M%E1%BB%99c%20d%E1%BB%A5c%20l%C3%A0%20nghi%20l%E1%BB%85,v%E1%BB%8B%20tam%20t%E1%BB%95%20Tr%C3%BAc%20L%C3%A2m.

[14] https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/17874/le-hoi-djen-ba-tam-le-hoi-tuong-nho-hoang-thai-hau-y-lan.html

Tiến sĩ Dương Xuân Thành