Một số sản phẩm dược của Việt Nam đã có khả năng xuất khẩu

31/10/2018 11:28
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo Quốc hội: Việt Nam đã sản xuất thành công và sẽ cho cấp phép lưu hành vắc-xin chống bệnh cúm mùa.

Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Quang Hưng (đoàn Hà Nội) đề nghị hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết về tiềm năng, thế mạnh lớn để phát triển ngành công nghiệp dược và công nghiệp y tế Việt Nam.

Bộ trưởng thăm các bé đến tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.
Bộ trưởng thăm các bé đến tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo thống kê năm 2017 tổng chi về thuốc ở Việt Nam là hơn 5 tỷ USD.

Về xếp hạng công nghiệp dược của Việt Nam so với quốc tế theo 4 bậc, bậc 4 là cao nhất thì Việt Nam đứng vào bậc 2,5, tức là trên 2 và dưới 3.

Sản phẩm thuốc trong nước hiện nay chiếm khoảng gần 50% nhu cầu trong nước.

Một số sản phẩm của cũng đã có khả năng xuất khẩu. Trong nước, kể cả kháng sinh, đặc biệt là những sản phẩm từ các dược liệu ví dụ như nổi tiếng nhất là thuốc sốt rét từ thanh hao hoa vàng.

Công nghiệp vắc-xin cũng sản xuất được 11/12 vắc-xin như vắc-xin sởi và rubella được y tế thế giới khuyến cáo nên cho xuất khẩu và được công nhận NRA. NRA tức là công nhận quốc tế y tế thế giới về quản lý sản xuất vắc-xin. 

Một số sản phẩm dược của Việt Nam đã có khả năng xuất khẩu ảnh 2

Tỷ lệ người dân hài lòng với ngành y ngày càng tăng cao

"Trong những ngày gần đây, chúng tôi cũng có tin vui là Việt Nam đã sản xuất thành công và sẽ cho cấp phép lưu hành vắc-xin chống bệnh cúm mùa. Đấy là những thế mạnh", bà Tiến cho biết.

Về chính sách thì Luật Dược năm 2006 được điều chỉnh bằng Luật Dược năm 2016 cũng như Đại hội 12 Nghị quyết Trung ương 20 đều muốn xây dựng công nghiệp dược. 

“Giai đoạn trước còn đề nghị công nghiệp mũi nhọn, tuy nhiên chúng tôi cũng thấy là khiêm tốn và cố gắng phát triển công nghiệp dược theo những chương trình hành động của nghị quyết Trung ương mà Chính phủ đã ban hành và chiến lược phát triển ngành dược thì phấn đấu đến năm 2020 cố gắng đạt được 80% nhu cầu sản xuất thuốc trong nước. Vấn đề này phải nói là rất khó, tuy nhiên đang nỗ lực”, Bộ trưởng Tiến cho biết. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết,  Bộ Y tế cũng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc đã ký kết và xây dựng nên phong trào người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, với phong trào, chương trình bình chọn những ngôi sao nhỏ. 

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ dùng thuốc nội đã tăng lên, giúp cho điều kiện sản xuất phát triển công nghiệp dược, một loạt các điều kiện gần đây nhất là cắt giảm các điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm. 

Dược dường như không có kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nhưng cũng đồng thời ưu tiên tạo phát triển cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Đây là những thế mạnh.

Bộ trưởng Y tế cũng thẳng thắn đề cập tới mặt hạn chế: "Sản phẩm của chúng ta còn đơn giản về dạng bào chế, chưa sản xuất được nhiều biệt dược và vẫn phải nhập khẩu. 

Tiếp thị và đặc biệt khoa học quản trị của chúng ta vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những hạn chế và giải pháp chúng tôi nghĩ trong thời gian tới sẽ thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội và nghị quyết Trung ương sẽ phấn đấu xây dựng công nghiệp dược.

Trong một tương lai không xa sẽ thành công nghiệp mũi nhọn, cùng với công nghiệp vắc-xin".

Thống kê cho thấy chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD trong năm 2005 lên 22,25 USD năm 2010 và tiếp tục tăng gần gấp đôi vào năm 2015, với 37,97 USD. Năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD/người, và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025. Chi tiêu dành cho dược phẩm theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi, lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

Triển vọng tăng trưởng ngành dược được dự báo rất khả quan vì tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng tăng, ý thức bảo vệ sức khỏe được nâng cao.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối dược phẩm đang phát triển mạnh, tăng khả năng tiếp cận dược phẩm của người sử dụng.

Ngọc Quang