Mua lại Metro, tỷ phú Thái Lan càng dễ dàng... chuyển giá?

24/08/2014 08:51
Hoàng Lực
(GDVN) - Sẽ không lạ nếu từ năm 2015, tỉ lệ hàng sản xuất tại Thái Lan tăng cao tại Metro. Do vậy những lo ngại Metro chuyển giá càng... không khó.

Hàng Thái Lan "bóp chết" doanh nghiệp Việt?

Thương vụ bán Tập đoàn Metro (Đức) bán lại Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam - đơn vị chủ sở hữu 19 siêu trung tâm siêu thị Metro trên cả nước cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont coi như đã hoàn tất. Hiện tại cả hai chỉ đang trong quá trình chuẩn bị bàn giao, dự kiến đầu năm 2015 BJC sẽ chính thức bắt tay vào quản lý Metro Cash&Carry Việt Nam.

Metro Việt Nam được bán lại cho BJC trong bối cảnh doanh nghiệp này đang bị lên án mạnh mẽ khi liên tục bị tố cáo kinh doanh không đúng lĩnh vực đăng ký, lợi dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam thu lãi lớn nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ khi hoạt động.

Metro Việt Nam làm xấu xí hình ảnh doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Metro Việt Nam làm xấu xí hình ảnh doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Bên cạnh đó, đăng ký kinh doanh bán buôn, bán sỉ nhưng Metro lại lách luật để bán lẻ cạnh tranh doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Cùng với đó vào thị trường Việt Nam trong 12 năm nhưng doanh nghiệp này liên tục kêu lỗ, dù lỗ nhưng thay vì co cụm hoạt động trầm lắng thay vào đó Metro liên tục mở hàng loạt trung tâm siêu thị mới trải dài từ Bắc vào Nam. Từ đó dư luận đặt nghi án chuyển giá trốn thuế của Metro Việt Nam.

Vì thế khi Metro Việt Nam được tập đoàn Thái Lan mua lại, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ rõ sự lo lắng. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Bình - Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, vấn đề chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI đến nay cũng chỉ xoay quanh hai chữ “nghi vấn”, chủ yếu được cơ quan báo chí truyền thông đưa ra, còn cơ quan nhà nước có trách nhiệm chưa có bất kỳ khẳng định hay phủ nhận những doanh nghiệp như Coca Cola, Metro, Pepsi… có chuyển giá trốn thuế hay không.

“Nghi án chuyển giá, trốn thuế không phải mỗi Metro, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng vướng nghi án chuyển giá, tiêu biểu như Coca Cola, hơn 20 năm hoạt động nhưng không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại sao vấn đề bây giờ mới được đặt ra? Thẳng thắn thì sau khi thu ngân sách không đạt, chuyện này mới được nhắc tới”. PGS.TS Bùi Quang Bình nói.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, dù rất nhiều doanh nghiệp FDI không thừa nhận chuyển giá nhưng sau khi Tổng Cục thuế kiểm tra doanh nghiệp vẫn chấp nhận nộp kim ngạch, điều đó cho thấy quản lý doanh nghiệp nước ngoài đang có nhiều kẽ hở. 

“Từ trình độ quản lý, văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề do đó doanh nghiệp FDI lách luật chuyển giá là điều dễ hiểu, hơn nữa chúng ta mới bước sang kinh tế thị trường trong khi doanh nghiệp nước ngoài họ đã ra kinh tế thị trường từ bao nhiêu năm... rõ ràng họ có cách để lách luật và tìm cách chuyển giá để khai lỗ không phải đóng thuế”, ông Bình cho biết.

PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, vụ chuyển nhượng Metro cho doanh nghiệp Thái Lan đem tới cho ông 2 mối lo lớn: Thứ nhất chiêu bài chuyển giá tinh vi hơn, thứ hai lo lắng hàng Thái chiếm lĩnh thị trường “bóp chết” doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Ông chủ Thái phải kế thừa trách nhiệm pháp lý 

Nhiều người tin rằng Metro Việt Nam cũng giống như Family Mart - siêu thị được Tập đoàn BJC của ông chủ người Thái Chearavanont thâu tóm trước đó. Cụ thể sau khi “đánh bật” Family Mart Nhật Bản ra khỏi liên doanh Family Mart tại Việt Nam, BJC đã biến Family Mart trở thành siêu thị đồ Thái với hơn 70% mặt hàng đồng thời đổi tên đổi tên thành B'mart. 

Sẽ không lạ nếu từ năm 2015, tỉ lệ hàng sản xuất tại Thái Lan tăng cao tại Metro. Do vậy những lo ngại Metro chuyển giá càng... không khó.

Việc nhập hàng Thái sẽ rất dễ xảy ra vấn đề chuyển giá do thỏa thuận ngầm giữa tân chủ nhân Metro Việt Nam và doanh nghiệp Thái Lan, cùng đó đó hàng sản xuất trong nước khó chen chân vào Metro đồng thời doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ thiệt hại do không thể cạnh.

Đứng trước vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Bình cần có quy định về tỉ lệ hàng hóa sản xuất trong nước, cho dù là hàng Thái cũng phải sản xuất trong nước.

Tuy nhiên khi doanh nghiệp Thái Lan đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng nguyên liệu nhập khẩu từ Thái thì nguy cơ chuyển giá vẫn có, đó là chưa nói vấn đề ưu đãi về mặt bằng đất, ưu đãi thuế…

“Mấu chốt vấn đề chính là quản lý, cùng với đó chúng ta phải có văn bản quy định pháp luật rõ ràng chi tiết tránh doanh nghiệp lách luật”, PGS.TS Bùi Quang Bình nhận định. 

Cùng chung lo ngại trên, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) nhận định, việc Metro phát triển về cả mặt hàng, số lượng siêu thị với doanh số bán hàng lớn nhưng kêu không có lãi là vô lý. 

“Việc để Metro suốt 12 năm kêu lỗ để không nộp đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấy đây là lỗ hổng lớn trong quy trình pháp lý cũng như năng lực giám sát của ngành thuế Việt Nam”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Muộn còn hơn không, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cơ quan thuế cần vào cuộc mạnh mẽ tìm hiểu vấn đề chuyển giá của Metro là có hay không. Nếu có, dù Metro đã được chuyển nhượng nhưng ông chủ mới của Metro sẽ phải kế thừa trách nhiệm pháp lý.

“Nếu mình chứng được Metro chuyển giá, ông chủ Thái mua lại Metro sẽ phải kế thừa trách nhiệm pháp lý”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Hoàng Lực