Mua sim số đẹp, thầy giáo kinh hoàng vì…số xịn

21/01/2020 07:00
Lê Mai
(GDVN) - Mua sim đẹp, những cuộc gọi “khủng bố” đòi nợ cứ thế đến, hết số này đến số khác, lời lẽ thô tục chưa bao giờ “được nghe trong đời”.

Năm nay nhận tiền Tết hơn hẳn mọi năm, thầy giáo H. tự thưởng cho mình “con” điện thoại đẹp. Nghe người ta nói, có điện thoại “số đẹp” sẽ thay đổi “phong thủy”, hy vọng năm sau có “tiền Tết” nhiều hơn.

Thầy giáo H. quyết định đầu tư một số điện thoại được cho là đẹp, phù hợp “phong thủy” tuổi “gà” của mình.

Lắp sim vào máy, đăng ký Zalo “gọi cho nó đỡ tốn” - người bán sim tư vấn; trong vài phút, toàn bộ thầy cô có Zalo trong trường trở thành bạn của mình, thích thật, gọi thả ga, tám cháy máy, miễn là có Wifi.

Cảnh báo những tình huống dở khóc dở cười khi mua sim số đẹp. (Ảnh minh hoạ: Giadinhmoi.com)
Cảnh báo những tình huống dở khóc dở cười khi mua sim số đẹp. (Ảnh minh hoạ: Giadinhmoi.com)

Chỉ sau một ngày, cái thầy H. “chân quê” đã thay bằng biệt danh mới không mấy dễ nghe “sexy”, chả là trong zalo của H. tràn ngập ảnh và phim “sexy”; thầy hiệu trưởng phải gọi điện nhắc “nhắc nhở”.

Của phải tội, đâu phải là “sản phẩm văn hóa” của H., nó là của chủ sim điện thoại cũ; sau vài phút “trợ giúp” của thầy “vi tính” là “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Tối hôm đó, có cuộc gọi từ số lạ, xưng là “Shipper”, cần địa chỉ cụ thể để giao hàng; thật thà, H. đọc rõ địa chỉ nhà mình cho “Shipper” nghe.

Bắt đầu của sự “kinh hoàng”, những cuộc gọi “khủng bố” đòi nợ cứ thế đến, hết số này đến số khác, lời lẽ thô tục chưa bao giờ “được nghe trong đời”.

Sau cuộc điện thoại, cô giáo mất luôn tiền thưởng Tết!
Sau cuộc điện thoại, cô giáo mất luôn tiền thưởng Tết!

Nợ nào? Mình không vay ở đâu ngoài “thấu chi” tại ngân hàng, H. đành phải tắt máy.

Đang ngủ, nghe “rầm” trước cửa, tiếng kính vỡ, tiếng rú ga của xe máy, cả nhà được một phen “kinh hoàng bạt vía”.

Sáng hôm sau, sự việc mới được các thầy cô phân tích, có thể đây là sim của “con nợ”, nay bán lại, chủ nợ gọi theo số cũ, vô tình H. lãnh nợ thay.

H. đành chủ động gọi lại số điện thoại “khủng bố”, trình bày sự thật, mong “thông cảm”.

Đẹp đâu chả thấy, chỉ thấy tá hỏa vì… nợ, “mua” sự kinh hoàng cho cả gia đình ngày cận Tết!

Có nên quan niệm sim số đẹp?

Những tỷ phú thế giới trước thời Internet làm gì có điện thoại di động, tài sản của họ do bàn tay, khối óc của họ làm ra, chứ không nhờ vào cái “số đẹp” của điện thoại.

Nếu có sim điện thoại số đẹp, thay đổi vận hạn, số mệnh của một con người, chúng ta chẳng cần phải làm gì, cứ “vay đầu tư” một số “đẹp” là “trúng số”?

Sim, số đẹp là quan niệm “cổ hủ”, những “thánh sim, thánh số” đặt ra để bán kiếm lời. Nếu là số đẹp, tại sao chủ nhân của “số đẹp” trong câu chuyện trên phải bán, chạy nợ như thế?

Mua “sim số đẹp” như thế nào cho an toàn?

Sắm sim mới, cứ mua sim mới tại đại lý, đăng ký chính chủ, vừa đảm bảo an toàn, vừa thực hiện đúng luật pháp.

Nếu mua lại sim của người khác đã dùng, cần cảnh giác với “sim nợ giang hồ”; tuyệt đối không “khai báo” địa chỉ nơi mình cư trú; nói thật với “giang hồ” sim mình mới mua; tốt nhất là không nên dùng sim “nợ giang hồ” nữa, tránh rắc rối cho con cái, gia đình.

Chấp hành luật pháp, lao động siêng năng, sống chan hòa vui vẻ, yêu thương với mọi người là “phong thủy” tốt nhất của một con người, đó là số đẹp nhất mà chúng ta cần có.

Lê Mai