“Mùng 8/3 là ngày gì hả chị?”

05/03/2018 06:17
Phan Tuyết
(GDVN) - “Cả đời tôi chưa được nghe ai chúc bao giờ mong gì có hoa và quà. Chỉ cầu mong kiếm được nhiều tiền về quê với mẹ, cả đời lam lũ, giờ chỉ ước ao được an nhàn".

LTS: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang đến rất gần, đây là ngày mà “một nửa của thế giới” sẽ được tôn vinh bằng những món quà, những hành động thiết thực...

Tuy nhiên, trong khi nhiều chị em hân hoan, tràn ngập trong hoa, quà tặng thì còn những người phụ nữ không biết đến ngày 8/3 là gì, bởi họ còn vất vả mưu sinh, vật lộn với cuộc sống.

Với mong muốn chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hình ảnh những người phụ nữ tần tảo, giàu đức hy sinh mà quên đi bản thân mình, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Bất ngờ nhận được câu hỏi của bà cụ khi nghe tôi nhắc đến ngày 8/3. Một chút xót xa trong tôi trỗi dậy.

Vào ngày này, trong khi nhiều phụ nữ đang hân hoan, ngập tràn với những món quà tặng đắt tiền, những đóa hoa tươi thắm sắc màu, những lời chúc tụng thật du dương bay bổng thì ở một góc khuất của cuộc sống, vẫn còn đó những người phụ nữ ngày đêm chật vật mưu sinh, lo miếng cơm manh áo cho gia đình.

Họ chưa bao giờ biết đến ngày 8/3 đúng nghĩa, nói gì đến vinh hạnh được nhận hoa và quà. 

Tôi gặp bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Phước Hội dù đã hơn 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn đi lượm đồng nát kiếm tiền gửi về quê nuôi mẹ già hơn trăm tuổi.

 “Mùng 8/3 là ngày gì hả chị?” ảnh 1Ngày Phụ Nữ - Ngày của Yêu Thương

Bà nói: “Già yếu rồi nên chẳng mua được nhiều, ai cho gì cũng lấy, nhặt nhạnh bán đi kiếm ít tiền. Ngày nhiều cũng được vài chục nghìn đồng, trừ tiền ăn trong ngày, một tháng cũng dư được vài ba trăm nghìn đồng”.

Tôi hỏi bà “Mong ước gì cho ngày 8/3?”. Nhưng thật bất ngờ khi tôi nghe lại được câu hỏi từ bà: “Ngày 8/3 là ngày gì hả chị?”.

Sau phút giây bối rối, cũng thấy mình thật vô duyên. “Lỡ rồi phải tính”. Tôi giải thích ngắn gọn sao cho bà hiểu:

“8/3 là ngày kỉ niệm dành cho phụ nữ. Ngày này, những người phụ nữ thường được nhận những lời chúc mừng, có người được nhận hoa và quà nữa”.

Bà cụ nheo đôi mắt nhìn tôi với nụ cười héo hắt, cùng tiếng thở dài buông thõng: “Cả đời tôi chưa được nghe ai chúc bao giờ. Mong gì có hoa và quà. Giờ chỉ cầu mong sao kiếm được nhiều tiền về quê với mẹ. Chị tính cả đời lam lũ, giờ chỉ ước ao được chút an nhàn”.

Chia tay bà, tôi cũng thầm cầu chúc cho cái ước mơ đời thật ấy trở thành hiện thực để bà và người mẹ trăm tuổi của mình có thêm chút niềm vui trong những tháng ngày cuối đời.

Cũng ở độ tuổi với bà Tâm, bà Chia, bà Hồng ở phường Tân An năm nay 82 tuổi. Hàng ngày, bà mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Bà Hồng nói: “Ông chồng tôi bị tai biến nằm liệt giường mười năm mới mất. Không muốn con cái mang gánh nặng nên tôi đi bán vé số để nuôi sống mình. Ngày nào không thể đi được nữa thì mới cậy nhờ đến chúng”.

Thế là, ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi chân bà đã đi không biết bao nhiêu đoạn đường. Ngay khi đã rã rời, bà cũng ráng sức bán đến 8, 9 giờ tối để đỡ vé cho ngày mai.

“Mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng, ăn uống xong để dành được chút ít phòng khi trái nắng trở trời”. Bà nói và nở nụ cười tươi, trong ánh mắt nhìn còn lấp lánh niềm hạnh phúc.

Bà Hồng năm nay đã 82 tuổi (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bà Hồng năm nay đã 82 tuổi (Ảnh: tác giả cung cấp).

Vui chuyện, tôi hỏi: “Ngày còn trẻ, đã bao giờ bà được ông tặng hoa bao giờ chưa?”.

Bà cười, nói lớn: “Suốt ngày đầu tắt mặt tối để kiếm tiền lo cho bốn đứa con, thời gian đâu mà nghĩ đến hoa với hoét. Thời chúng tôi làm gì được như thời các anh chị sau này. Mà một bó hoa cũng mua được cả chục tờ vé số đấy”.

Trẻ hơn bà Tâm và bà Hồng, chị Nguyên ở phường Tân An đang ở độ tuổi trên 40 nhưng đã ở góa 10 năm nay. Chồng mất, một mình chị bươn chải để nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Chị làm đủ nghề từ làm rẫy, phụ việc nhà, làm cá, rửa chén bán cho quán ăn…cứ rảnh việc này chị lại lao vào việc khác miễn sao để đủ tiền nuôi con ăn học.

Chị thường rời nhà khi gà gáy sáng và trở về nhà cũng đã quá nửa đêm. Chị nói “với mình ngày nào cũng như ngày nào không ngoài khát vọng lớn nhất là nuôi con ăn học đàng hoàng.

Không có quà, cũng chẳng có hoa đến một lời chúc đẹp cho ngày kỉ niệm của mình cũng chưa từng nhận được.

Nhưng những người phụ nữ lao động đáng kính ấy đang hàng ngày, hàng giờ tần tảo mưu sinh, họ vẫn luôn tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc bởi thấy mình sống có ích, sống vì niềm vui của mọi người.

Chúng ta hãy trân trọng dành cho họ những lời chúc tốt đẹp và chân thành nhất!

Phan Tuyết