"Muốn trị quốc, Tập Cận Bình phải thâu tóm quân quyền"

09/08/2015 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình đã tận mắt chứng kiến người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào bị đám Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu "khống chế" như thế nào nên càng "nhận thức sâu sắc hơn...
Ông Tập Cận Bình trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương thị sát các đơn vị quân sự. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Tập Cận Bình trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương thị sát các đơn vị quân sự. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Đa Chiều ngày 8/8 đưa tin, ngày 6/8 các kênh truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc đăng bài: "Tập Cận Bình nói về phép trị quốc, phần thứ 9: Thúc đẩy hiện đại hóa quân đội - quốc phòng". Nhiều tờ báo Trung Quốc khi đưa lại nội dung này đã giật lại tít: "Tập Cận Bình: Nghe đảng chỉ huy là linh hồn sự nghiệp xây dựng quân đội, đảm bảo bộ đội tuyệt đối trung thành, trong sáng, đáng tin cậy".

Đa Chiều cho rằng, sau các vụ trọng án tham nhũng chưa từng có trong quân đội bị phá liên quan đến Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, truyền thông nhà nước Trung Quốc vốn rất thận trọng đã bắt đầu "mon men" đề cập đến một hàm ý quan trọng khác trong chiến dịch trị quân, chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, đó là Chủ tịch Quân ủy trung ương phải biết thâu tóm quân quyền. 

Ông Bình lên nắm quyền trong bối cảnh tham nhũng đã lan tràn, bản thân ông Tập Cận Bình đã tận mắt chứng kiến người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào bị đám Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu "khống chế" như thế nào nên càng "nhận thức sâu sắc hơn về tính biện chứng của việc nắm chắc quyền lực trong đảng và quân đội". Tập Cận Bình đã nhanh chóng thâu tóm quân quyền ở phạm vi rộng lớn trên 4 phương diện.

Thứ nhất, cuộc chiến đả hổ đập ruồi - chống tham nhũng mà Tập Cận Bình phát động đã khiến mấy chục viên tướng tại chức cũng như nghỉ hưu đã bị sờ gáy. Động thái này được xem như ông Tập Cận Bình thể hiện sức mạnh và khả năng kiểm soát quân đội tốt nhất. Thứ hai, về lĩnh vực giáo dục chính trị tư tưởng, một sự thay đổi rõ nét trong quân đội Trung Quốc chính là sự nhấn mạnh "chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách".

Ông Hồ Cẩm Đào được cho là bị Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu thao túng.
Ông Hồ Cẩm Đào được cho là bị Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu thao túng.

Cuối năm ngoái, tướng Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương khi chủ trì thảo luận tại Hội nghị Cổ Điền đã nhấn mạnh với các tướng lĩnh hàng đầu của toàn quân: "Phải kiên trì đảng lãnh đạo tuyệt đối với quân đội, kiên trì lấy những phát biểu quan trọng của Tập Chủ tịch làm kim chỉ nam, kiên định tự giác bảo vệ và quán triệt chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách".

Ông Hứa Kỳ Lượng, một Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương khác kêu gọi trên Nhân Dân nhật báo: "Chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách được quy định rõ ràng trong hiến pháp, là hình thức thể hiện cao nhất, căn bản nhất của chế độ đảng lãnh đạo tuyệt đối với quân đội. Phải hoàn thiện và thực hiện các cơ chế liên quan xung quanh chế độ này, đảm bảo toàn quân nhất thiết nghe ban chấp hành trung ương, Quân ủy trung ương và Tập Chủ tịch chỉ huy".

Biểu hiện thứ 3 của việc thâu tóm (thành công) quyền lực trong quân đội là việc các tướng lĩnh hàng đầu tuyên thệ trung thành tập thể đối với ông Tập Cận Bình. Ngày 7/3 và ngày 2/4, tờ Quân Giải phóng Trung Quốc đăng nội dung Tư lệnh, Chính ủy 7 đại quân khu, 3 quân chủng, Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng tham mưu tất cả 18 viên tướng lần lượt tuyên thệ trung thành với Tập Cận Bình.

16 ngày sau đó, 17 tướng là các Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy cấp đại quân khu, Tổng cục, Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tiếp tục viết bài tuyên thệ trung thành với ông Bình trên tờ Quân Giải phóng Trung Quốc. Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng nghỉ hưu nói với báo chí, đây là chuyện hy hữu chưa từng xảy ra kể từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền cuối những năm 1970 đến nay.

Ông Giang Trạch Dân khi tiếp quản Quân ủy trung ương cũng phải chấp nhận 2 cấp phó do Đặng Tiểu Bình lựa chọn.
Ông Giang Trạch Dân khi tiếp quản Quân ủy trung ương cũng phải chấp nhận 2 cấp phó do Đặng Tiểu Bình lựa chọn.

Dấu hiệu thứ 4 là việc ông Tập Cận Bình trực tiếp triệu tập Hội nghị Cổ Điền ngày 1/11/2014 để xác lập vai trò lãnh tụ. Có 11 viên tướng thành viên Quân ủy trung ương cùng với Vương Lô Ninh, Lật Chiến Thư tháp tùng ông Bình đến hội nghị bàn về công tác chính trị trong quân đội. Hội nghị diễn ra tại Cổ Điền huyện Thượng Hàng thành phố Long Nham tỉnh Phúc Kiến, Nơi đây vào năm 1929 Mao Trạch Đông chính thức nắm toàn quyền và xác lập vai trò lãnh tụ tại "Hội nghị Cổ Điền".

Đa Chiều lưu ý, thời Hồ Cẩm Đào giữ ghế Chủ tịch Quân ủy trung ương, một số cựu lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu vẫn tìm cách can dự triều chính, lại thêm Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trực tiếp cầm quân, Hồ Cẩm Đào rất khó nắm được quân đội, ông đành buông xuôi theo kiểu đã không can thiệp được, chi bằng kệ nó. 

"Truyền thống" các nguyên lão khai quốc công thần can dự vào triều chính được Đặng Tiểu Bình xác lập bằng cách cài thân tín vào Quân ủy trung ương. Đặng Tiểu Bình đã sắp đặt để Trương Chấn và Lưu Hoa Thanh làm phó cho Giang Trạch Dân, Giang Trạch Dân lại thu xếp để Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu làm "phó" cho Hồ Cẩm Đào nên các viên tướng này có chỗ dựa vững như núi, không có gì phải lo sợ.

Bởi vậy dù hiện nay Tập Cận Bình và 2 cấp phó của ông, Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng đã "ai về vị trí người nấy" trong Quân ủy trung ương, không có chuyện khống chế lèo lái như trước, nhưng phải chế độ hóa Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách mới không để lặp lại những vấn đề lớn như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Do đó Chủ tịch Quân ủy trung ương đương nhiệm sẽ là người đề xuất ai làm phó cho mình cũng như thành viên Quân ủy trung ương là cơ chế Tập Cận Bình đã xác lập và sẽ duy trì.

Hồng Thủy