Mỹ đang hiệu chỉnh chính sách với cả đồng minh lẫn đối thủ ở Đông Á?

02/07/2017 10:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Bây giờ là thời điểm thích hợp để Mỹ đẩy lùi các hành động bành trướng của Trung Quốc, chứ không phải bằng các khẩu hiệu như "xoay trục" hay "tái cân bằng".

The New York Times ngày 30/6 có bài phân tích: "Ông Trump có thái độ ngày càng hung hăng hơn với bạn bè và kẻ thù của Mỹ ở châu Á" của tác giả Mark Landler, một phóng viên chuyên theo dõi Nhà Trắng của tờ báo này. [1]

Cứng rắn với đồng minh 

Tác giả Mark Landler nhận định, Tổng thống Donald Trump đã cứng rắn hơn trong việc đối xử với các đồng minh và những kẻ thù của Mỹ ở châu Á.

Những dấu hiệu này đã bộc lộ khi ông tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chỉ một ngày sau khi thông báo các chính sách có thể khiến Bắc Kinh bất mãn.

Trong hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc hôm thứ Sáu 30/6, ông Donald Trump yêu cầu Seoul để doanh nghiệp Mỹ tiếp cận nhiều hơn thị trường ô tô Hàn Quốc, đồng thời hạn chế thép của Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Những vấn đề này nằm trong việc đàm phán lại hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Moon Jae-in ở Vườn Hồng, Tổng thống Mỹ nói:

"Các bước này rất quan trọng. Chúng phải được thực hiện, nếu không nó sẽ không công bằng với người lao động Mỹ.".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ảnh: Pete Marovich / The New York Times.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ảnh: Pete Marovich / The New York Times.

Trước đó hôm thứ Năm 29/6, Tổng thống Donald Trump quyết định đơn phương trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc mà Mỹ tin là có quan hệ làm ăn với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Ông Donald Trump cũng chấp thuận bán gói vũ khí mới trị giá 1,4 tỉ USD cho Đài Loan. 

Kết hợp các dấu hiệu này, tác giả Mark Landler tin rằng ông Donald Trump đang trở nên "hung hăng hơn" và không thể đoán trước trong việc đối phó với một trong những khu vực căng thẳng nhất thế giới.

Cách tiếp cận mới của ông Donald Trump sẽ là một thử nghiệm về việc liệu ông có thể theo đuổi chính sách bảo hộ như cam kết tranh cử, trong khi vẫn hợp tác với Trung Quốc và Hàn Quốc về các vấn đề an ninh hay không?

Trong cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc tại Phòng Bầu Dục, ông Donald Trump cho Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đọc một danh sách những "bất bình" của Washington về quan hệ thương mại song phương.

Trước chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Moon Jae-in và các thuộc cấp đã cố gắng xoa dịu những khác biệt rõ ràng trong chính sách giữa ông và Tổng thống Donald Trump.

Ngoại trưởng Hàn Quốc nói rằng, chính phủ nước này sẽ không đảo ngược việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, mà ông Moon Jae-in đã từng yêu cầu tạm dừng cho đến khi đánh giá xong tác động môi trường.

Về vấn đề Triều Tiên, mặc dù ông Moon Jae-in theo đuổi việc sử dụng đồng thời 2 biện pháp trừng phạt và đối thoại, Tổng thống Hàn Quốc vẫn ủng hộ chiến dịch gây áp lực của ông Donald Trump.

Tổng thống Moon Jae-in không nói gì về các vấn đề thương mại mà Tổng thống Mỹ nêu ra trong cuộc họp.

Trong khi đó cũng như các nhà lãnh đạo nước ngoài khác, Tổng thống Hàn Quốc phải mang theo một loạt hợp đồng kinh doanh sang Mỹ, bao gồm thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ với tổng trị giá 25 tỉ USD.

Ông Donald Trump đã "khen ngợi" các thỏa thuận này trước khi đưa ra những phê bình với đồng minh.

Không ngán đối thủ

Theo nhà báo Mark Landler, trợ lý của Tổng thống Donald Trump cho biết, ông cũng đã lên kế hoạch để thúc đẩy chiến dịch (chống thâm hụt) thương mại với Trung Quốc.

Trong những ngày tới, Nhà Trắng sẽ công bố kết quả điều tra việc Trung Quốc có bán phá giá thép tại thị trường Hoa Kỳ hay không, và điều này có thể dẫn đến hàng rào thuế quan và các biện pháp chống nhập khẩu thép.

Thép Trung Quốc đang ảnh hưởng xấu đến thị trường thép thế giới vì năng lực sản xuất dư thừa của nước này. 

Số thép dư thừa ở Trung Quốc được trung chuyển qua các nước khác và kết thúc bằng cách xuất khẩu chúng sang thị trường Mỹ.

Khi gặp Tổng thống Moon Jae-in, ông Gary D. Cohn - Cố vấn kinh tế trưởng của ông Donald Trump, đã giới hạn sự chú ý của mình vào "những hành động ăn cắp của Trung Quốc trong cách họ đối phó với Hoa Kỳ".

Mỹ đang hiệu chỉnh chính sách với cả đồng minh lẫn đối thủ ở Đông Á? ảnh 2

"Tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã kết thúc?

Ông Gary D. Cohn muốn nghe Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ cách thức giao dịch của Seoul với nước láng giềng của họ.

Hiện chưa rõ ông Donald Trump đã từ bỏ theo đuổi của mình với ông Tập Cận Bình trong việc kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay chưa.

Nhưng gần đây Tổng thống Mỹ đã tránh những nhận xét về ông Tập Cận Bình trên Twitter, ngay cả khi Mỹ tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan.

Phát biểu trong họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ông Donald Trump cũng không còn nhắc đến Trung Quốc như một đồng minh trong việc ngăn chặn nỗ lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông chỉ nói rằng các cường quốc khác trong khu vực, tất cả các quốc gia có trách nhiệm hãy cùng Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, thực hiện các chế tài trừng phạt Triều Tiên. [1]

"Trung Quốc cũng là một mối đe dọa với Mỹ, không khác gì Bắc Triều Tiên"

Đó là bình luận của học giả Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm National Interest do cố Tổng thống Richard M. Nixon thành lập, đăng trên Fox News ngày 1/7.

Harry J. Kazianis cho rằng, tuyên bố của ông Donald Trump về kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc, không chỉ với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, mà còn với cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bắc Kinh đã lợi dụng khoảng thời gian Mỹ sa lầy vào chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, khủng hoảng Mỹ - Nga và bây giờ là cuộc chiến chống khủng bố IS, để trỗi dậy, tạo ra một vòng cung bất ổn trên các vùng biển từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á.

Trung Quốc đã làm những việc mà không một quốc gia nào dám làm trong nhiều thế kỷ: áp đặt tuyên bố, yêu sách lạ lùng và phi lý trên các vùng biển rộng lớn, mà nếu không làm gì ngăn chặn sẽ dẫn đến hậu quả phá hủy nguyên tắc:

Không ai được phép tuyên bố chủ quyền với biển cả và đại dương.

Thậm chí Bắc Kinh còn đi xa hơn với việc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trên các rặng san hô, bãi cát ngầm trên một trong những tuyến hàng hải huyết mạch trọng yếu của thế giới.

Các chuyên gia Lầu Năm Góc đã từng tiết lộ riêng tư với Harry J. Kazianis:

Họ lo sợ rằng Mỹ không có khả năng bảo vệ lợi ích của đồng minh trước sự bành trướng của Trung Quốc, một khi xung đột nổ ra, trừ phi Washington chấp nhận số lượng thương vong lớn chưa từng có, kể từ Chiến tranh Việt Nam.

Thừa biết không thể chạy theo lực lượng chiến đấu cơ và chiến hạm Hoa Kỳ, Bắc Kinh phát triển vô số các căn cứ tên lửa. 

Trong trường hợp nổ ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan hay Đông Nam Á, Trung Quốc có thể dội hàng ngàn tên lửa vào các căn cứ quân sự của đồng minh Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như tàu chiến Mỹ.

Trong khi vì ràng buộc bởi những cam kết với Liên xô, Washington hiện không thể xây dựng các căn cứ tên lửa trong phạm vi hợp lý để đối phó với Trung Quốc.

Hình ảnh đồ họa về tên lửa Đông Phong 21D, Trung Quốc tấn công tàu sân bay Mỹ. Ảnh: NN.BY.
Hình ảnh đồ họa về tên lửa Đông Phong 21D, Trung Quốc tấn công tàu sân bay Mỹ. Ảnh: NN.BY.

Đối với Washington và các đồng minh, sự tích tụ về kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc có nghĩa là cộng đồng quốc tế không thể bỏ qua mối đe dọa này.

Xem xét nghiêm túc tất cả những vấn đề này, bây giờ là thời điểm thích hợp để Mỹ đẩy lùi các hành động bành trướng của Trung Quốc, chứ không phải bằng các khẩu hiệu như "xoay trục" hay "tái cân bằng", mà phải bằng hành động.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump phải phát triển một chiến lược toàn diện để đảm bảo Bắc Kinh không thể chiếm ưu thế trong khu vực Thái Bình Dương, bắt nạt các đồng minh và đối tác trong khu vực, hay đánh bại Washington trong một cuộc xung đột quân sự.

Harry J. Kazianis kết luận:

Không nghi ngờ gì nữa, mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên, kết hợp với sự trỗi dậy bằng những hành động hung hăng của Trung Quốc để thống trị châu Á, đang là thách thức lớn nhất của Mỹ về đối ngoại.

"Nước Mỹ trên hết" trong chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ phải có nghĩa là, châu Á là ưu tiên hàng đầu, trên tất cả các khu vực khác. [2]

Chúng tôi cho rằng, trong một thế giới mà các quốc gia ngày càng gắn kết, các khu vực ngày càng phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau khi các siêu cường tiếp tục tranh giành ảnh hưởng ngày càng khốc liệt, việc nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ, Trung Quốc là hết sức cần thiết.

Những biến động trong chính sách và hành xử của 2 quốc gia này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của các nước châu Á.

Vì vậy xin được dẫn lại những bình luận, nhận xét, đánh giá của giới nghiên cứu, quan sát quốc tế về các vấn đề này, cung cấp thêm những thông tin và góc nhìn cho quý bạn đọc tham khảo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nytimes.com/2017/06/30/world/asia/trump-south-korea-china.html

[2]http://www.foxnews.com/opinion/2017/07/01/north-korea-is-threat-to-us-and-so-is-china.html

Hồng Thủy