Mỹ muốn tăng quân đồn trú hướng Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc

06/02/2014 09:58
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, 60% tàu ngầm và tàu sân bay của Hải quân Mỹ đóng ở khu vực Thái Bình Dương đợi lệnh, Mỹ đang tìm cách tăng cường quân đồn trú ở Philippines.
Ba cụm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ
Ba cụm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 2 tháng 2 đưa tin, cùng với sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc, thể chế đồng minh Nhật-Mỹ cũng sẽ buộc phải tiến hành ứng phó mới. Bài báo đã phỏng vấn cựu Tư lệnh Thái Bình Dương quân Mỹ Robert Willard và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto.

Về việc Bộ Quốc phòng Mỹ đang thúc đẩy tư tưởng mới "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển", Robert Willard nói, dự tính ban đầu của tư tưởng mới này là, tạo sự phối hợp thống nhất giữa Không quân và Hải quân, phát huy hiệu ứng số nhân lớn nhất. Đương nhiên, điều này có liên quan tới đối kháng với chiến thuật ngăn chặn của Trung Quốc.

Có người phỏng đoán, điều này có nghĩa là Mỹ phải rút khỏi "phòng tuyến" ở Đông Á. Robert Willard cho rằng, hoàn toàn không phải như vậy. Mỹ đang tăng cường triển khai ở tuyến trước, hoàn toàn không phải là rút lui. Nói cho cùng, đây là một tư tưởng thông qua hợp nhất trên không-trên biển để có được hiệu suất lớn nhất.

Vị cựu Tư lệnh này nói, hiện nay, 60% tàu ngầm và tàu sân bay của Hải quân Mỹ đóng ở khu vực Thái Bình Dương đợi lệnh. Thủy quân lục chiến và Lục quân cũng đã quay lại khu vực này, so với chiến tranh Iraq, sức chiến đấu trên bộ đã tập trung hơn ở khu vực Thái Bình Dương.

Điều này có nghĩa là tiêu điểm tiếp tục được tập trung vào châu Á. Đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tầm quan trọng của quan hệ đồng minh chiến lược trong khu vực và vấn đề an ninh phức tạp của khu vực này, trong tương lai Mỹ sẽ tăng sử dụng hình thức "nhìn thấy được" để tiến hành ứng phó.

Hạm đội 7 Mỹ đến Biển Đông (ảnh tư liệu)
Hạm đội 7 Mỹ đến Biển Đông (ảnh tư liệu)

Satoshi Morimoto thì cho biết, gần đây Mỹ đang thảo luận "Chiến lược kiểm soát biển gần (duyên hải)", tức là hạn chế Trung Quốc đơn phương xâm nhập ra bên ngoài, kiểm soát Trung Quốc ở trong Thái Bình Dương. Nhưng, về quân sự, đây này là điều không thể.

Trải qua 20 - 30 năm phát triển, thực lực Hải quân Trung Quốc đã được tăng cường rất lớn, Nhật-Mỹ rất khó kiểm soát Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất. Tư tưởng "cân bằng biển gần" của Nhật-Mỹ đối với việc Trung Quốc duy trì ưu thế quân sự là tương đối hiện thực.

Theo trang mạng đài truyền hình tin tức Iran ngày 1 tháng 2, do thực lực của Hải quân Trung Quốc tăng cường, Bộ Quốc phòng Mỹ đang thúc đẩy tư tưởng mới "tác chiến hợp nhất trên không-trên biển".

Truyền thông quốc tế dẫn nhà phân tích các vấn đề quân sự và chính trị của New York là Michael Burns đang cho biết, Mỹ đang tìm cách triển khai quân đội ở Philippines, mục đích là để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Michael Burns cho rằng, Mỹ đã và đang có kế hoạch quay trở lại Philippines. Nhiều năm trước, Mỹ từng rút khỏi căn cứ quân sự khổng lồ ở Philippines. Ông còn cho biết, hiện nay, cơn bão tàn phá Philippines vừa qua chính là "cơ hội trời cho" đối với Mỹ.

Tàu sân bay Nimitz CVN-68 của Hải quân Mỹ huấn luyện trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2013. Máy bay chiến đấu F/A-18 cất cánh.
Tàu sân bay Nimitz CVN-68 của Hải quân Mỹ huấn luyện trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2013. Máy bay chiến đấu F/A-18 cất cánh.

Bài báo cho rằng, Chính phủ Mỹ đang tìm cách thông qua hoạt động cứu nạn của họ để tạo được lý do chính đáng triển khai nhiều binh sĩ hơn ở căn cứ quân Mỹ tại Philippines. Họ cho biết, quân Mỹ có ý định tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines để ngăn chặn Trung Quốc.

Michael Burns nói, các nhà xây dựng chính sách Mỹ tự hỏi "Trung Quốc bắt đầu mạnh lên nhanh chóng, chúng ta làm thế nào để quay trở lại khu vực Đông Nam Á? Mỹ hy vọng khôi phục căn cứ đồn trú tại Philippines".

Ông còn cho biết: "Nước Mỹ chúng tôi đang tìm cách áp dụng các biện pháp như chính trị, quyên tiền, tài chính, hành động địa-chính trị nhằm có lại 'tấc đất cắm dùi' ở Philippines, bởi vì từ đây có thể theo dõi Trung Quốc và Biển Đông".

Phóng viên "Mạng Phản chiến" là John Glaser gần đây có bài viết cho rằng, nguyên nhân duy nhất làm cho Mỹ quan tâm tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines là "cần đe dọa và tiến tới ngăn chặn Trung Quốc, cho dù Trung Quốc thực chất không tạo ra được mối đe dọa cho Mỹ".

Đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy 16 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 - loại tàu chiến dùng cho tác chiến ở biển gần. Trong hình là tàu hộ vệ Type 056 thứ 10 mang số hiệu 587 Yết Dương vừa biên chế Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải và Lực lượng PLA ở Hồng Kông đã biên chế 5 chiếc tàu loại này. Như vậy, Trung Quốc rất ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải.
Đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy 16 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 - loại tàu chiến dùng cho tác chiến ở biển gần. Trong hình là tàu hộ vệ Type 056 thứ 10 mang số hiệu 587 Yết Dương vừa biên chế Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải và Lực lượng PLA ở Hồng Kông đã biên chế 5 chiếc tàu loại này. Như vậy, Trung Quốc rất ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải.
Đông Bình