Mỹ-NATO tăng cường hành động quân sự đối phó khủng hoảng Ukraine

18/04/2014 06:34
Đông Bình
(GDVN) - Quân Mỹ sẽ kéo dài thời gian triển khai không quân ở Ba Lan, cung cấp viện trợ cho Ba Lan, tiến hành diễn tập với Romania, NATO triển khai quân ở Đông Âu.
Máy bay chiến đấu F-16 Block-50/52 của Không quân Ba Lan
Máy bay chiến đấu F-16 Block-50/52 của Không quân Ba Lan

Tình hình Ukraine: Quân Mỹ sẽ kéo dài thời gian đóng quân ở Ba Lan

Tân Hoa xã ngày 18 tháng 4 đưa tin, ngày 17 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, xét tới tình hình Ukraine và sự ủng hộ của đồng minh khu vực, quân Mỹ sẽ kéo dài việc đóng quân của lực lượng không quân tại Ba Lan cho đến cuối năm 2014.

Khi tham dự cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Siemoniak, ông Chuck Hagel cho biết, hai bên đã đạt được đồng thuận về việc triển khai này, đồng thời sẽ triển khai hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực quân sự như diễn tập tác chiến đặc biệt, kế hoạch đào tạo không quân và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ông Chuck Hagel nói, để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đồng ý cung cấp y tế, mũ nồi và các viện trợ khác trong đó có vũ khí cho Quân đội Ba Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Siemoniak cho biết, đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine, Ba Lan không có lựa chọn nào khác, chỉ có tiếp tục gia tăng đầu tư quốc phòng và xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ.

Máy bay chiến đấu F-15 Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra
Máy bay chiến đấu F-15 Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra

Hiện nay, lực lượng Không quân Mỹ triển khai ở Ba Lan gồm có cụm máy bay chiến đấu F-16 và khoảng 200 quân nhân.

Thủ tướng Romania: Chính sách an ninh thống nhất với NATO, EU

Tân Hoa xã ngày 18 tháng 4 còn có bài viết cho biết, ngày 17 tháng 4, tại một căn cứ không quân ở khu vực phía tây, Thủ tướng Romania Victor Ponta cho biết, chính sách an ninh của Romania "hoàn toàn thống nhất" với NATO và EU.

Ông Victor Ponta đã phát biểu như vậy sau khi quan sát cuộc diễn tập liên hợp không quân giữa Romania và Mỹ tại đó. Ông nói, cho dù mọi người có tranh cãi thế nào về các vấn đề trong nước, nhưng về chính sách an ninh quốc gia, "bất kể Tổng thống là tôi hay Quốc hội, hầu như tất cả cơ quan nhà nước đều cùng một tiếng nói", "hành động của chúng tôi hoàn toàn thống nhất với NATO và EU".

Máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Romania
Máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Romania

Ông Victor Ponta còn cho biết, Romania là biên giới của NATO và EU, hiện nay lại nằm ở vùng ven của khu vực điểm nóng, vì vậy sẽ phát huy vai trò rất quan trọng.

Trong vấn đề Ukraine, Romania kiên trì chủ trương bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và tiến trình dân chủ của Ukraine. Còn trong vấn đề Moldova, Romania cần quan tâm ủng hộ để bảo đảm cho Moldova tránh rơi vào xung đột, từ đó tác động đến tiến trình gia nhập liên minh và tiến trình dân chủ của Moldova.

Cùng ngày, ông Victor Ponta còn lên thử một chiếc máy bay chiến đấu F-16 hai chỗ ngồi trong vòng gần 1 giờ đồng hồ. Cùng quan sát cuộc diễn tập liên hợp không quân hai nước Mỹ-Romania còn có Chủ tịch Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ Romania. Đây là ngày cuối cùng của cuộc diễn tập kéo dài 1 tuần giữa không quân hai nước.

Được biết, trong thời gian diễn tập liên hợp, phi công Romania lái máy bay chiến đấu F-16 Mỹ huấn luyện, trong khi đó quân nhân Mỹ lái máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Romania huấn luyện.

Hơn 250 binh sĩ và 6 máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ cùng với khoảng 200 binh sĩ, nhân viên kỹ thuật Không quân Romania đã tham gia cuộc diễn tập này.

Máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Romania
Máy bay chiến đấu MiG-21 của Không quân Romania

Đức có kế hoạch điều động máy bay chiến đấu

Tờ Cri Online Trung Quốc ngày 17 tháng 4 dẫn tuần san "Tấm gương" Đức cho biết, để ứng phó với sự leo thang tiếp theo của tình hình Ukraine, EU đã tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong khi đó NATO sẽ tăng cường lực lượng quân sự ở Đông Âu trên các phương diện lục, hải, không quân; phía Đức cũng chuẩn bị tham gia hành động lần này, đồng thời chuẩn bị điều 1 máy bay tiếp tế và 6 máy bay chiến đấu.

Tại Brussels, Tổng Thư ký NATO Rasmussen vừa cho biết, NATO sẽ tăng cường toàn diện lực lượng lục, hải, không quân ở Đông Âu trong vài ngày tới: "Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp tiếp theo trong vài tuần, thậm chí vài tháng tới. Tàu của NATO sẽ tiến đến biển Baltic, phía đông Địa Trung Hải và bất cứ khu vực cần thiết nào khác, số lượng máy bay sẽ tăng lên, lực lượng mặt đất sẽ làm tốt chuẩn bị, kế hoạch phòng thủ đã được sửa và được tăng cường".

Đức sẽ điều tàu tiếp tế và 6 máy bay chiến đấu tham gia hành động của NATO
Đức sẽ điều tàu tiếp tế và 6 máy bay chiến đấu tham gia hành động của NATO

Ngày 16 tháng 4, ông Rasmussen cảnh báo Nga rằng, nếu Nga tiếp tục can thiệp đối với Ukraine, sẽ phạm “sai lầm mang tính lịch sử” và gây ra “hậu quả đáng sợ”. Ông cho biết, các cường quốc NATO yêu cầu, chính quyền Moscow rút vài chục nghìn quân tập kết gần đây khỏi biên giới miền nam và miền đông Ukraine.

Mặc dù như vậy, NATO vẫn không quyết định có xây dựng căn cứ quân sự mang tính vĩnh viễn ở các nước thành viên Đông Âu hay không, Rasmussen cũng không tiết lộ số binh sĩ NATO đến Đông Âu.

Được biết, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức đã xác nhận, Đức cũng sẽ tham gia hành động lần này của NATO, đồng thời, vào cuối tháng 5 sẽ điều tàu tiếp tế Elbe, ngoài ra, 6 máy bay chiến đấu Eurofighter sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không trong thời gian 4 tháng ở các nước biển Baltic bắt đầu từ tháng 9.

Cán cân sức mạnh Nga-NATO

Về cán cân sức mạnh quân sự giữa Nga và NATO, tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore ngày 16 tháng 4 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, so với Nga, lực lượng NATO đóng ở châu Âu có ưu thế gấp 3 lần về xe tăng và xe bọc thép.

Xe chiến đấu bộ binh Marder-1A3 do Đức chế tạo
Xe chiến đấu bộ binh Marder-1A3 do Đức chế tạo

Bài báo dẫn hãng tin RIA Novosti đưa tin, ông Anatoly Antonov ngày 16 tháng 4 cho biết: “Ở khu vực châu Âu, NATO có 10.000 xe tăng, trong khi đó chúng tôi có 3.500 xe tăng. NATO có 22.000 xe bọc thép, chúng tôi có khoảng 7.500 chiếc, đây là một minh chứng rõ ràng”.

Trước đó, ông cũng cho rằng, quan điểm cho rằng Nga hầu như chuẩn bị phát động xâm lược quân sự lần thứ hai đối với Ukraine và châu Âu là “nói xằng nói bậy”.

Ông Anatoly Antonov đồng thời nhấn mạnh, Nga tuân thủ tất cả các thỏa thuận quốc tế, bao gồm: Nga đã tiêu hủy khoảng 1.000 tên lửa xuyên lục địa mặt đất và tên lửa hành trình, 825 thiết bị phóng và hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân theo khuôn khổ Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và ngắn.

Đông Bình