Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội

16/03/2017 17:09
Văn Mẫn
(GDVN) - Trong hai ngày 16-17/3, tại Nghệ An, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2017.

Dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại; đại diện một số đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Kiều Minh- Giám đốc Trung tâm Truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Năm 2016 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020” và Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.

Đặc biệt, cũng trong năm 2016, toàn ngành đã tích cực triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Toàn cảnh Hội nghị công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2017 - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2017 - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Để thực hiện tốt công tác này, ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Chương trình công tác tuyên truyền, trong đó cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. 

Theo đó, đã bảo hiểm xã hội các cấp đã tập trung tuyên truyền qua hình thức hội nghị phổ biến, đối thoại, tư vấn chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền qua trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam và địa phương; tuyên truyền qua ấn phẩm, tài liệu truyền thông; tuyên truyền qua hội thảo, tập huấn và một số hình thức tuyên truyền khác.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Nhiều hình thức tuyên truyền đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Trong năm 2016, cả nước đã tổ chức được hơn 2.950 hội nghị, hội thi, đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng, trong đó có 446 hội nghị trang bị kiến thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

2.500 cuộc đối thoại, tọa đàm trực tiếp với người lao động, chủ sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên và học sinh sinh viên;

112 hội thi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nông dân, công nhân lao động và học sinh sinh viên.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tổ chức thành công Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Sau gần 3 tháng phát động, đã có hơn 400 tác phẩm của 72 tác giả tham gia; từ đó chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải và sử dụng tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc. 

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Giải Báo chí toàn quốc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2015-2016”, thu hút hơn 1.200 tác phẩm từ 131 cơ quan báo chí, đơn vị, minh chứng cho sức lan tỏa của Giải Báo chí cũng như mối quan tâm của các cơ quan báo chí đối với Ngành.

Ngoài ra, có thể thấy, hầu như hằng ngày trên sóng của các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử ở Trung ương và địa phương đều có tin, bài về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Trong tổng số khoảng 9.000 tin bài các loại, có tới 4.900 tin bài đăng trên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương (tăng 1,3 lần so với năm 2015 và vượt 6% so với kế hoạch năm 2016). 

Đặc biệt, Báo Bảo hiểm xã hội và Tạp chí Bảo hiểm xã hội thường xuyên tuyên truyền hiệu quả bằng những bài viết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Cũng trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hành 8 loại ấn phẩm (21,6 triệu bản) đến người dân như: Tờ rơi “Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế”, “Những điều cần biết về bảo hiểm y tế học sinh sinh viên”, “Những điều cần biết về bảo hiểm y tế hộ gia đình”, “Những điều cần biết về bảo hiểm y tế đối với người lao động trong các doanh nghiệp”, “Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện”. 

Trong dịp kỷ niệm thành lập ngành (ngày 16/2), ngày bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7) hay dịp khai giảng năm học mới... bảo hiểm xã hội các địa phương đã tổ chức treo pano, băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan, các điểm đại lý thu, bệnh viện, trường học và các tuyến đường phố chính; lắp đặt pano tuyên truyền cỡ lớn trên các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh nơi đông người qua lại… 

Cùng với các bộ, ngành, đoàn thể và bảo hiểm xã hội các địa phương biên tập các ấn phẩm tuyên truyền nhằm phục vụ người lao động; nâng cao kỹ năng truyền thông cho mạng lưới cán bộ tuyên truyền ở Trung ương và địa phương; trang bị kiến thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc các cơ quan thông tấn báo chí trên toàn quốc...

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Ngoài ra, bảo hiểm xã hội nhiều địa phương còn tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường; tuyên truyền lưu động; họp tổ dân phố, nói chuyện trực tiếp với các nhóm đối tượng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Một số bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã còn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trực tiếp về thăm hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; phối hợp với liên đoàn lao động tuyên truyền, đối thoại tại khu nhà trọ của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cũng còn một số hạn chế như: Bảo hiểm xã hội một địa phương vẫn chưa chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, dẫn đến tình trạng công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn như là “việc riêng của bảo hiểm xã hội”; công tác phối hợp với các sở, ban, ngành chưa thường xuyên, kết quả chưa tương xứng với điều kiện và tiềm năng; chưa thực sự quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Một số địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền…

Để khắc phục những hạn chế này, ông Kiều Minh cho rằng, bảo hiểm xã hội các địa phương cần chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền; đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền cho các tuyên truyền viên và đại lý thu. 

Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền thường xuyên, đột xuất do ngành hướng dẫn.

Đồng thời, tập trung phát triển mạng lưới đại lý thu là cán bộ hưu trí am hiểu chế độ chính sách, có sức khỏe, tâm huyết, những người dân có vai trò, vị trí trong cộng đồng như trưởng thôn, trưởng xóm, già làng, trưởng bản, cán bộ y tế cơ sở...

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn trao bằng khen cho các cá nhân - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn trao bằng khen cho các cá nhân - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương, Cao Bằng...) cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền. 

Theo ông Lê Trường Giang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh luôn phải chú ý đến ngôn ngữ, văn hóa để người dân dễ hiểu... 

Đồng thời, bảo hiểm xã hội tỉnh cũng phối hợp tuyên truyền đa dạng các hình thức, đơn cử là tổ chức chương trình “Người nông dân hiện đại” theo hình thức sân khấu hóa để dễ tiếp cận với người dân hơn; đối thoại với 7.028 đơn vị về chế độ chính sách, qua đó để bảo hiểm xã hội tỉnh cam kết với các doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính và nâng cao tinh thần phục vụ... 

Cũng tại hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với một số đơn vị, cơ quan báo chí truyền thông tổ chức tập huấn về công tác tuyên truyền như: Một số phương pháp, kỹ năng truyền thông về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cộng đồng; hướng dẫn sơ kết 5 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; hướng dẫn tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hướng dẫn sử dụng kinh phí tuyên truyền; kỹ năng và phương pháp xử lý khủng hoảng truyền thông.

Đồng thời, nhân dịp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khen thưởng 14 tập thể và 13 cá nhân trong ngành do có thành tích trong công tác tuyên truyền.

Ông Lê Xuân Đại- Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Theo đó, tỉnh Nghệ An luôn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm cần được các cấp, các ngành quan tâm vào cuộc, để chính sách này đến được với người dân.

Ông Đại cũng cho biết, ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo bảo hiểm xã hội tỉnh và các cấp, các ngành thực hiện tốt việc này, nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đánh giá cao vai trò của công tác tuyên truyền, góp phần giúp Ngành hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. 

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng chỉ rõ, những kết quả trong năm 2016 vẫn chưa được như mong muốn, nhất là chưa được coi trọng đúng mức; phương pháp, hình thức tuyên truyền vẫn còn chưa đa dạng.

Vì vậy, theo ông Sơn, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong năm 2017, bảo hiểm xã hội các cấp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém. 

Đặc biệt, cần phải có giải pháp để vừa đảm bảo các điều kiện cần và đủ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; vừa chú trọng khai thác và phát huy hiệu quả các chương trình phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thông tin đại chúng; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị...

Văn Mẫn