Nâng chuẩn giáo viên, đôi điều trăn trở!

15/01/2020 06:47
Cao Nguyên
(GDVN) - Nếu cơ sở đào tạo không quan tâm đến chất lượng thì có thể giáo viên sẽ “chạy” bằng cấp để hợp thức hóa đạt chuẩn.

Chính phủ vừa có Dự thảo Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp (dự kiến có hiệu lực thi hành trong năm 2020).

Một số nội dung chính của Dự thảo

Theo đó, Dự thảo này quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên các cấp được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. 

Lộ trình này được thực hiện thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, đảm bảo đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp;

Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.

Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên các cấp được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. (Ảnh minh hoạ: Laodong.vn)
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên các cấp được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. (Ảnh minh hoạ: Laodong.vn)

Trong đó, việc thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo được áp dụng đối với những đối tượng sau đây:

Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên. 

Về thời gian đào tạo, Dự thảo quy định cụ thể như sau:

Đào tạo trình độ cao đẳng: Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.

Đào tạo trình độ đại học: Từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp cùng ngành đào tạo; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng cùng ngành đào tạo.

Đối với giáo viên đào tạo theo phương thức đào tạo tích lũy theo hệ thống tín chỉ thì thời gian đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tối đa không quá 4 năm học kể từ ngày trúng tuyển.

Ưu điểm của dự thảo

Tuyển giáo viên đạt chuẩn đào tạo chính quy lợi hơn nhiều bồi dưỡng nâng chuẩn
Tuyển giáo viên đạt chuẩn đào tạo chính quy lợi hơn nhiều bồi dưỡng nâng chuẩn

Có thể nhận thấy, mục đích của Dự thảo là nhằm nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Bên cạnh đó, nâng chuẩn giáo viên sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của người thầy, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là sau khi thay sách giáo khoa các cấp học

Cùng với đó, nâng chuẩn đào tạo là cơ sở để thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành. 

Cụ thể, giáo viên được trả lương theo vị trí việc làm tương đương với bằng cấp đạt chuẩn.

Ngoài ra, nội dung Dự thảo cũng đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đối với giáo viên các cấp như sau:

Thứ nhất, nâng trình độ chuẩn theo lộ trình (10 năm, qua 2 giai đoạn) đã giúp giáo viên chủ động sắp xếp về thời gian đi học một cách hợp lí nhất.

Thứ hai,việc nâng chuẩn cũng đã tính đến độ tuổi, trình đô, chuẩn nghề nghiệp và vị trí việc làm gắn của giáo viên trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, tính từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.

Giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm sẽ ra sao?
Giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm sẽ ra sao?

Đối với những giáo viên tiểu học trình độ trung cấp đang được đào tạo để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng thì được tiếp tục đào tạo lên trình độ đại học.

Đối với những giáo viên đã tham gia đào tạo nhưng đến hết ngày 31/12/2030 chưa tốt nghiệp thì được tính thêm 1 năm (12 tháng) để hoàn thành chương trình và công nhận tốt nghiệp.

Thứ ba, giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí.

Kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về kinh phí đào tạo viên chức. 

Giáo viên được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, giáo viên nâng chuẩn trình độ hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải tự túc kinh phí.

Đôi điều trăn trở…

Việc nâng chuẩn giáo viên có khiến các cấp quản lí và xã hội quá coi trọng bằng cấp hay không? Giữa bằng cấp và chất lượng giảng dạy, đâu mới là vấn đề cốt lõi?

Và khi giáo đã đạt chuẩn thì có cải thiện được chất lượng chuyên môn ở trường học không?

Điều mà chúng tôi trăn trở nhất là, nếu cơ sở đào tạo không quan tâm đến chất lượng thì có thể người học sẽ “chạy” bằng cấp để hợp thức hóa.

Giáo viên không thực học mà chỉ tìm cách “chạy” cho có bằng để đạt chuẩn thì sẽ tạo ra người thầy “hữu danh vô thực”. 

Cuối cùng, cơ sở đào tạo vẫn là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn kinh phí chi trả của Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:                         

//thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Du-thao-Nghi-dinh-lo-trinh-thuc-hien-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx

Cao Nguyên