National Interest: Lối thoát thực sự cho Pháp trong thương vụ Mistral

16/07/2015 06:37
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ National Interest ngày 15/7 đăng tải bài bình luận về lối thoát cho Pháp trong thương vụ bán tàu Mistral bất thành cho Nga.

Theo chuyên gia Robert Farley, tác giả bài viết, Brazil hiện nay là khách hàng thay thế Nga tiềm năng nhất của Pháp. Lựa chọn này rất có tiềm năng và thực tế so với rất nhiều giả thuyết được các chuyên gia và nhà phân tích đưa ra trước đó.

Tàu Mistral. Ảnh RIan.
Tàu Mistral. Ảnh RIan.

Trong năm 2009, Pháp đã ký hợp đồng đóng hai tàu trực thăng Mistral cho Nga. Tuy nhiên, Pháp lại không thể thực hiện hợp đồng này do áp lực từ đồng minh Mỹ để trừng phạt Moscow do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việc buộc phải hủy hợp đồng với Nga đồng nghĩa với việc Pháp không biết làm gì với hai chiếc tàu đã đóng trị giá hàng tỷ USD. Người Pháp phải đối mặt với hai lựa chọn là tiêu hủy chúng để đỡ tốn tiền neo đậu, bảo trì hoặc sửa chữa và bán chúng cho một đối tác khác.

Nhiều nhà phân tích trước đó đã đưa ra các giải pháp chống lãng phí như Paris có thể bán những chiếc tàu này cho Mỹ, Trung Quốc hoặc Canada. 

Tuy nhiên, theo Farley, các lựa chọn trên là không thực tế. Nguyên do là Mỹ không đổ tiền mua một chiếc tàu nước ngoài trong khi họ có thừa khả năng chế tạo ra những chiếc tiên tiến hơn và ngân sách quốc phòng lại đang hạn chế.

Thứ hai, Mỹ cũng sẽ không đồng ý cho Paris bán tàu cho đối thủ Trung Quốc như với Nga vì động thái này sẽ chẳng khác gì việc "gửi trứng cho ác". Người Trung Quốc có thể nhanh chóng biến công nghệ của Pháp thành của mình. 

Còn đối với Canada, theo Farley, Ottawa không có ý định đẩy mạnh chi tiêu quân sự và mỗi quyết định mua sắm này đều được xem xét rất chi tiết.

Theo quan điểm của Farley, Paris nên nhắm mục tiêu vào Brazil bởi lúc này, đó là khách hàng thực sự tiềm năng nhất của họ. 

Brazil và Pháp có quan hệ đối tác quốc phòng từ lâu đời. Trong năm 1990, Pháp đã bán cho Hải quân Brazil một chiếc tàu Foch mang tên Sao Paulo.

Hiện nay Hải quân Brazil đang thiếu các tàu cỡ lớn. Brazil có một tàu sân bay nhưng đã hơn 50 tuổi. Trong khi đó, ngành công nghiệp đóng tàu của nước này không có kinh nghiệm chế tạo những loại tàu quân sự phức tạp.

Một chiếc tàu tấn công đổ bộ như Mistral có thể giúp Brazil đảm nhận vai trò lãnh đạo độc lập trong mọi tình huống khủng hoảng ở vùng nước ven biển dù là tình huống dân sự hay quân sự, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.  
Hơn nữa, Mistral có thể trở thành một trung tâm chỉ huy để chỉ đạo và kiểm soát các hoạt động trên biển cho Brazil.

Nếu có được Mistral, Brazil có thể tăng khả năng chiến đấu của quân đội. Ngoài ra, việc bổ sung loại tàu này vào lực lượng Hải quân cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. 

Rõ ràng, Mistral sẽ rất hữu ích đối với Brazil, nhưng trở ngại chính là vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên, nếu Paris và Washington thực sự muốn giải quyết vấn đề Mistral và tìm một "đối tác hàng hải hữu ích" ở Nam Mỹ, họ sẽ tìm được giải pháp.

Nguyễn Hường