NĐ 116: Ngân sách địa phương chi cho người có thể sẽ về nơi khác làm việc

08/04/2023 06:46
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực hiện Nghị định 116, tài chính của địa phương còn hạn chế, bố trí ngân sách chi trả gặp khó khăn, SV chậm được nhận hỗ trợ, chỉ tiêu của trường bị giảm.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022.

Đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm vẫn gặp khó khăn, vướng mắc do tài chính của địa phương còn hạn chế, dẫn tới việc cân đối, bố trí ngân sách chi trả cho sinh viên sư phạm theo diện của Nghị định gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian mới có thể thực hiện được.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế cho hay, hiện các sinh viên của trường đều được nhận hỗ trợ theo Nghị định 116. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã có một số vướng mắc, bất cập tồn tại gây khó khăn cho cả địa phương và nhà trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. Nguồn: Fanpage nhà trường

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. Nguồn: Fanpage nhà trường

Theo thầy Thành, trừ một số cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hầu như kinh phí chi cho các cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm theo Nghị định 116 đều thuộc ngân sách của địa phương.

Tuy nhiên, Nghị định 116 chỉ quy định trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, người học sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng chứ không có ràng buộc là sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải làm việc tại địa phương - nơi đã chi trả kinh phí đào tạo, sinh hoạt phí theo diện của Nghị định 116 cho mình.

Do đó, sẽ phát sinh trường hợp có những sinh viên dù được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 của tỉnh này nhưng sau khi tốt nghiệp lại đến tỉnh khác để làm việc (vẫn thuộc ngành giáo dục).

Như vậy, quá trình hỗ trợ cho các em sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 sẽ không có giá trị trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, gây lãng phí ngân sách. Đây là một vấn đề bất hợp lý vì ngân sách địa phương lại chi cho người có thể sẽ làm việc ở địa phương khác.

Cũng chia sẻ về tình hình thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho biết, đến năm nay, trường mới được cấp kinh phí để thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116.

Về lý do đến năm nay mới được cấp tiền chi trả cho sinh viên, cô Mai cho hay, kinh phí để thực hiện đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 là lớn so với các tỉnh còn khó khăn như Điện Biên. Do vậy, năm nay tỉnh mới bố trí, cân đối được ngân sách để chi trả cho cả sinh viên năm học 2021-2022 và 2022-2023 trong diện được hưởng hỗ trợ.

Hơn nữa, việc phải có kinh phí đào tạo theo Nghị định này ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm của trường cũng như nhu cầu tuyển dụng của ngành giáo viên mầm non.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, năng lực của nhà trường có thể đào tạo được nhiều chỉ tiêu hơn nhưng do tỉnh không có kinh phí nên đã phải đề xuất giảm lượng chỉ tiêu đi dù nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non ở địa phương vẫn đang lớn.

Và điều này đang vô tình gây ra thiệt thòi cho các tỉnh có tài chính còn hạn chế. Bởi, phải có kinh phí thì tỉnh mới đề xuất được chỉ tiêu, và tỉnh có cam kết thực hiện theo Nghị định 116 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ sở đào tạo. Đây là khó khăn thực sự với địa phương vùng khó.

“Như tôi được biết, có trường cao đẳng sư phạm địa phương, do tỉnh đang không có ngân sách bố trí đào tạo theo Nghị định 116 dẫn tới không có chỉ tiêu tuyển sinh nên khá bất cập và khó khăn”, cô Mai nói.

Theo Tiến sĩ Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, từ khi Nghị định 116 có hiệu lực, trường không gặp khó khăn về tài chính do tỉnh Quảng Ninh đều duyệt chi phí cho sinh viên sư phạm mỗi khóa.

Tuy nhiên, thầy Vỹ cho rằng, về phía các cơ sở giáo dục có đào tạo sư phạm, việc cấp kinh phí theo Nghị định 116 (dù đã được ngân sách địa phương duyệt) vẫn còn một số bất cập, vướng mắc do liên quan đến cân đối tài chính nên khó thực hiện được nhanh.

Hơn nữa, theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cấp kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 cũng vô tình gây ra sự mất cân bằng giữa các ngành đào tạo khác nhau trong cùng một trường đào tạo đa ngành.

Khánh An