Ném bỏ đồ thờ, tổ tiên nào phù hộ!

29/01/2019 10:51
Trần Phương
(GDVN) - Cúng Táo quân, Bao sái ban thờ là những tập tục đẹp của dân tộc nhưng đang bị một bộ phận người dân ứng xử rất thiếu văn hóa.

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày cúng Táo quân, hay còn gọi là ông Công, ông Táo hoặc vua bếp.

Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Theo quan niệm của người Việt, ông Táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ.

Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.

Cá chưa kịp đưa ông Táo về trời có thể bị chết trong túi ni - lông hoặc bị vợt ngay lên lập tức. (Ảnh tổng hợp từ vov, nghean).
Cá chưa kịp đưa ông Táo về trời có thể bị chết trong túi ni - lông hoặc bị vợt ngay lên lập tức. (Ảnh tổng hợp từ vov, nghean).

Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời.

Ném bỏ đồ thờ, tổ tiên nào phù hộ! ảnh 2Hà Nội có còn là “Tràng An thanh lịch”?

Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình mang cá chép ra sông hồ thả, bởi ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.

Ý nghĩa tốt đẹp là vậy nhưng còn khá nhiều người chưa hiểu nên họ cúng cho có, lúc thả cá lại ném bỏ cả túi ni lông xuống sông, hồ... gây ô nhiễm môi trường.

Thậm chí, nhiều người đã thiếu ý thức, thể hiện lòng tham bất chấp, khi rình rập người thả cá chép xuống sông suối để trực chích điện, vớt về ăn hoặc bán quay vòng.

Niềm tin và tín ngưỡng cũng bị ảnh hưởng trước việc làm xấu xí, tiêu cực, như thể thách thức con người và báng bổ thần linh.

Đồ cúng vứt bừa bãi như vậy có phải hành động văn hóa, đem lại tài lộc cho những người có hành động như vậy? (Ảnh: Tổng hợp từ vov, kienthuc, anninhthudo)
Đồ cúng vứt bừa bãi như vậy có phải hành động văn hóa, đem lại tài lộc cho những người có hành động như vậy? (Ảnh: Tổng hợp từ vov, kienthuc, anninhthudo)

Dịp cuối năm cũng là lúc con cháu hướng về tổ tiên, tỏ lòng hiếu thuận. Nhiều gia đình sửa sang, sắm đồ thờ mới, những gia đình có điều kiện còn thay luôn ban thờ mới.

Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng việc bao sái, xử lí bàn thờ, đồ thờ cũ và bày biện bàn thờ mới cũng có những nguyên tắc riêng. Theo quan niệm của dân gian, nếu làm trái sẽ ảnh hưởng không tốt đến vận khí của gia chủ.

Thế nhưng cứ vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, không khó để chứng kiến cảnh người dân tấp nập đến các địa điểm ven hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, cầu Long Biên để... thả cá chép và ném theo đủ loại bàn thờ cũ, tro, bát hương...

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, những hành động thiếu hiểu biết như vậy đang làm méo mó những tập tục văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Sẽ chẳng có một giá trị tâm linh nào hiện hữu với những hành động phản cảm như vậy.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Tập tục bao sái ban thờ, cúng ông Táo là một phong tục đẹp của người dân Việt. Tuy nhiên, ngày nay một bộ phận người dân đang thực hiện bằng những hành động thiếu hiểu biết.

Truyền thuyết Táo quân cưỡi cá chép là cái cớ để hành khiển một nét đẹp khác của con người, đó là tục phóng sinh. Phóng sinh thể hiện lòng từ bi, đạo hiếu, hướng thiện của người Việt; qua đó cho thấy con người sống hòa ái với thiên nhiên. 

Việc vô ý thức thực hiện nghi lễ phóng sinh làm cho cá chép chết khiến ý nghĩa tốt đẹp đó mất đi.

Còn những người bắt cá ngay khi thả thì chẳng khác nào tạo nghiệp, báng bổ thánh thần, tâm linh của người khác.

Nơi thờ cúng là nơi con cháu hướng về tổ tiên, các vị thần linh cầu mong sự bình an, tỏ lòng hiếu thuận nên không thể hành động theo những cách hết sức phản cảm như vậy được.

Những nghi lễ để phát huy tốt đẹp được thì cũng cần phải có những hành động có y thức, có tâm, có lòng thành thì ý nghĩa đó mới có sức lan tỏa và có ý nghĩa giáo dục cho con cháu mai sau”. 

Trần Phương