Nên cho cô giáo Hoài cơ hội được sửa sai

30/01/2022 07:48
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay vì đuổi việc, có lẽ chỉ nên dùng mức kỷ luật cảnh cáo để cho cô cơ hội được sửa sai. Việc này không chỉ giúp mình cô mà còn cứu giúp rất nhiều người sau đó.

Nếu gõ cụm từ “giáo viên bị đuổi việc khi đánh học sinh” lên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ngay 121.761 kết quả.

Điển hình, chiều 5/4/2016, Hội đồng Kỷ luật huyện Bát Xát, Lào Cai đã cùng thống nhất với số phiếu 5/5 xử phạt "buộc thôi việc" cô giáo đánh học sinh bầm mặt khi em tiếp thu chậm. [1]

Ngày 6/7/2017, cháu K. (Trường Mầm non Tuệ Tĩnh, thành phố Hải Dương) nghịch bình nước. Cô giáo đã nhắc nhở nhưng cháu vẫn tiếp tục nghịch. Cô Trang đã lấy chiếc gậy nhựa vốn là đồ chơi trong lớp học để vụt vào tay cháu.

Khi bị gia đình phản ứng, Hội đồng nhà trường đã chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên. [2]

Nghi ngờ cô chủ nhiệm lớp 2/11, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi bạo lực với con mình, một phụ huynh bí mật gắn camera lên tường phòng học, ghi hình từ ngày 27 đến 30/8/2019.

Hình ảnh thu được cho thấy cô giáo nhiều lần véo tai, đánh vào người, la mắng các học trò khi chúng không hiểu bài.

Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú đã ra quyết định buộc thôi việc đối với cô Nguyễn Hồng Hà, giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh do vi phạm các quy định pháp luật về Luật Giáo dục, Luật viên chức và Luật trẻ em. [3]

Ngày 21/5/2019, một cô giáo Trường tiểu học Quán Toan (Hải Phòng) có hành vi liên tiếp đánh nhiều học sinh trong giờ kiểm tra cũng đã bị buộc thôi việc. [4]

Và gần đây nhất là vụ việc 3 học sinh bị đánh tím mông do không hoàn thành bài tập ở Trường tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) và Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã kiến nghị xem xét cho thôi hợp đồng đối với cô giáo Vũ Thị Hoài. [5]

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng kiến nghị xem xét cho thôi hợp đồng đối với giáo viên chủ nhiệm Vũ Thị Hoài (Ảnh: LT)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng kiến nghị xem xét cho thôi hợp đồng đối với giáo viên chủ nhiệm Vũ Thị Hoài (Ảnh: LT)

Đuổi việc giáo viên quá dễ, tạo cơ hội cho nhà giáo sửa sai mới là nhân văn

Qua một số vụ việc vừa được liệt kê ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, giáo viên bị buộc thôi việc quá dễ dàng.

Bất kể học sinh bị bạo hành nặng hay nhẹ, sự việc đã được khui ra thì phần nhiều các thầy cô giáo sẽ nhận ngay kết quả bị đuổi việc.

Nếu cô giáo ở Lào Cai tát học sinh bị bầm mắt phải nhập viện bị đuổi việc là đúng thì cô giáo mầm non ở Hải Dương lấy chiếc gậy nhựa vốn là đồ chơi trong lớp học để vụt vào tay một học sinh nghịch bình nước (sau nhiều lần đã nhắc nhở) bị đuổi việc lại quá nặng.

Trẻ nhỏ, làn da còn non lại rất nhạy cảm nên bị vụt vài roi dù nhẹ vẫn sẽ dễ dàng để lại vết bầm trên da. Thay vì dùng hình thức kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo, chính quyền nơi đây đã áp dụng mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc nhà giáo.

Vi phạm là đuổi việc thì quá dễ, xem như đã trút bỏ được gánh nặng về dư luận, về trách nhiệm với người vi phạm. Tuy thế, sẽ không nhân văn vì trực tiếp chặn đứng con đường mưu sinh của họ.

Có ai nghĩ rằng, sau lưng họ còn cả một gia đình? Còn có những đứa con đang tuổi ăn tuổi học? Còn dư luận xã hội sẽ đeo bám họ, người thân của họ đến suốt đời?

Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ hay dùng những từ khoan dung, khoan hồng và độ lượng với những ai mắc sai lầm. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta vẫn hay răn dạy “đánh kẻ chạy đi đừng đánh người chạy lại”.

Ngay trong những quy định về kỷ luật công chức, viên chức và người lao động vẫn luôn có các hình thức kỷ luật từ nhẹ đến nặng. Đó là khiển trách, cảnh cáo rồi mới đến buộc thôi việc.

Sau mỗi sự việc xảy ra, những thầy cô giáo ấy chắc chắn cũng đã nhận ra sai lầm của mình, cũng đã ăn năn hối hận, cũng đã đến nhận lỗi với gia đình, với nhà trường… Thế nên, nếu vẫn còn cơ hội ở trong ngành, nhất định những thầy cô giáo này sẽ không bao giờ dám sử dụng bạo lực với học sinh.

Tạo cơ hội cho người mắc sai lầm sẽ có được một người tốt hơn, đẩy người mắc sai lầm vào đường cùng đôi khi lại nhận hậu quả tệ hơn thế.

Sao không thể cho giáo viên cơ hội được sửa sai?

Người viết bài từng có lần dùng roi phạt vào mông một học sinh (sau rất nhiều lần nhắc nhở) nhưng em vẫn cố tình leo cây, trèo tường để trốn ra khỏi trường. Gia đình em đã đến trường, đòi kiện giáo viên, kiện nhà trường.

Nhà trường cũng thấu hiểu và cảm thông, cô giáo là người tận tâm với học sinh, cũng chỉ nghĩ phạt 1 roi vào mông thì chẳng gây thương tích gì nên chỉ nhắc nhở để rút kinh nghiệm.

Sau sự việc ấy, quả thật không chỉ người viết bài mà giáo viên trong trường cũng "chừa tới già”.

Trở lại câu chuyện 3 học sinh bị phạt roi vào mông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đang kiến nghị Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thụy xem xét cho thôi hợp đồng đối với giáo viên chủ nhiệm Vũ Thị Hoài.

Giáo viên dùng bạo lực với học sinh là sai, cho phép học sinh dùng bạo lực với bạn lại càng sai gấp nhiều lần.

Cô sai vì đã dùng phương pháp giáo dục không đúng. Chắc chắn thời gian này, cô Hoài cũng đang rất ăn năn và hối hận.

Đuổi việc cô giáo thì quá dễ nhưng rồi cô giáo sẽ rời bục giảng mà mang trên mình một án tích bị đuổi việc. Cô sẽ không còn cơ hội xin việc trong ngành giáo dục ở bất cứ nơi đâu vì chẳng ai dám nhận một giáo viên mang trên mình tội danh ấy. Rồi gia đình cô, người thân của cô cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Thay vì đuổi việc, có lẽ chỉ nên dùng mức kỷ luật cảnh cáo để cho cô cơ hội được sửa sai. Việc này không chỉ giúp mình cô mà còn cứu giúp rất nhiều người sau đó.

Cô Hoài không phải là trường hợp cá biệt sử dụng biện pháp giáo dục này, ngay trong ngành giáo dục hiện vẫn có những thầy cô vì thành tích đã cho phép cán sự lớp thay mình đưa ra hình thức kỷ luật với bạn bè khi vi phạm.

Từ việc của cô giáo Hoài, Bộ Giáo dục cần quán triệt thêm trong ngành, bản thân mỗi giáo viên cũng cần nhìn lại mình để không vướng vào những sai phạm đáng tiếc như thế.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/em-phan-chung-thuy-khong-phai-nan-nhan-duy-nhat-cua-co-tra-post166919.gd

[2] https://thuonghieucongluan.com.vn/hai-duong-buoc-thoi-viec-doi-voi-giao-vien-danh-hoc-sinh-3-tuoi-tim-tay-a39849.html

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/buoc-thoi-viec-co-giao-danh-hang-loat-hoc-sinh-tieu-hoc-o-sai-gon-post203638.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cong-khai-viec-xu-ly-co-giao-trang-trong-toan-nganh-giao-duc-hai-phong-post198949.gd

[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hai-phong-xem-xet-cho-thoi-hop-dong-voi-giao-vien-lien-quan-vu-hoc-sinh-bi-danh-post224066.gd?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết