Nên công khai danh tính cán bộ trước bổ nhiệm để nhân dân và đảng viên giám sát

06/02/2023 06:32
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ trước đến nay, công tác cán bộ luôn được coi là công tác bí mật.

Trong năm 2022, nhiều cán bộ cấp cao đã bị khởi tố vì vướng vào các sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhà nước. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với cán bộ có sai phạm nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, cán bộ, đảng viên. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, thời gian qua, đã có những cán bộ cấp cao chủ động xin nghỉ. Vậy làm thế nào để cán bộ cấp cao mạnh dạn từ chức khi thấy năng lực yếu kém, không làm được việc và dám nhận trách nhiệm khi để xảy ra sai sót trong ngành mình quản lý, thực sự tạo ra được "văn hóa từ chức". Và làm thế nào để cán bộ không lặp lại "vết xe đổ" các sai phạm.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ảnh: Quochoi.vn

Về việc này, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu quan điểm rằng, nguyên nhân cốt lõi vẫn là từ chính những quyết định của bản thân cán bộ đó.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ thêm: "Một tập thể có lớn mạnh hay không thì vai trò lãnh đạo của người đứng đầu ngành đó có vai trò quyết định rất lớn. Vì thế, khi người đứng đầu tập thể đó vẫn còn tư tưởng tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm để vơ vét tài sản của đất nước, của nhân dân để làm giàu cho bản thân thì không thể nào thúc đẩy bộ máy phát triển được".

Qua đó, vị này cũng nhấn mạnh rằng, nếu cán bộ biết đấu tranh cho quyền, lợi ích chung, không tránh né trước tiêu cực, sai phạm thì sẽ không để xảy ra sai phạm như thời gian vừa qua.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, khi cán bộ biết được chừng mực, biết tôn trọng lòng tin của nhân dân và quyền lợi, trách nhiệm rất lớn của mình với Đảng và Nhà nước thì đương nhiên, cái "ghế" của vị đó không thể nào bị lung lay.

Nêu lên một số giải pháp để có thể lựa chọn được cán bộ có tài, có tâm đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Hiện nay, chúng ta vẫn đang tập trung vào giải pháp chính trị tư tưởng.

Đầu tiên, phải để đội ngũ cán bộ này thông suốt thực sự về mặt tư tưởng chứ không phải "giả vờ" thông suốt. Về việc này, có nhiều cán bộ khi tham gia học tập, quán triệt chỉ để ghi danh và có thêm bằng cấp, chứng chỉ để được cân đối vào nguồn nọ, nguồn kia. Nếu vẫn còn đội ngũ cán bộ như vậy thì sẽ là mối nguy hại tiềm tàng cho bộ máy nhà nước.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã không nhìn nhận đúng, đánh giá đúng và đưa vào bộ máy những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, như vậy công tác cán bộ sẽ vẫn còn "trượt dài". Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải kiên quyết loại bỏ trường hợp cố đẩy, cố nhét "con ông, cháu cha" vào bộ máy để giữ ghế".

Bên cạnh đó, vị Phó trưởng Ban Dân nguyện cũng đề cập đến phương án về công tác quản lý, giám sát cán bộ sau khi đã được quy hoạch, bổ nhiệm. Vị này cho rằng, có thể cán bộ trước khi bổ nhiệm có năng lực thực sự, nhưng sau khi bổ nhiệm, do chịu nhiều yếu tố chi phối làm thay đổi bản chất nên cán bộ đó cũng thay đổi theo.

Qua đó, cho thấy việc tu dưỡng, nuôi dưỡng ý chí quyết tâm, năng lực làm việc của cán bộ không chỉ dừng ở việc bổ nhiệm mà cần có phương án giám sát, thúc đẩy cán bộ đó năng động, mạnh dạn hơn sau khi được ổn định ở vị trí nào đó.

"Một phương án nữa cũng cần được lưu ý trong công tác cán bộ đó là việc công khai danh tính cán bộ trước khi được bổ nhiệm. Từ trước đến nay, công tác cán bộ luôn được coi là công tác bí mật. Điều này có mặt tốt là tránh được những đàm tiếu không đáng có về người này, người kia trước lúc bổ nhiệm.

Tuy nhiên, nó cũng tạo ra "chủ nghĩa phòng kín", thiếu tính công khai, người dân và đảng viên khác không được giám sát và chỉ rõ được những cán bộ ấy trước khi được bổ nhiệm có xứng đáng hay không.

Như vậy, chúng ta đã không tận dụng được vai trò của đảng viên, người dân vào công tác giám sát cán bộ", Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhận định.

Chia sẻ thêm về "văn hóa từ chức", dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Để cán bộ dám từ chức khi tự nhận thấy năng lực của mình yếu kém này thì trước hết, chính bản thân mỗi cán bộ đó phải có lòng tự trọng, nhận thức đúng về trách nhiệm của công việc họ đang làm.

Qua đó, tất yếu cần phải có những cán bộ đứng đầu ngành có trình độ và tầm nhìn thực sự, để biết vai trò và năng lực của họ có đang phù hợp với lĩnh vực mình phụ trách hay không.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Quochoi.vn

Trong việc thực hiện "văn hóa từ chức", tư tưởng dám nghĩ, dám làm thì bản lĩnh của mỗi cán bộ rất quan trọng. Nhiều cán bộ khi đứng trước cám dỗ, trước ma lực của đồng tiền đã đánh mất bản lĩnh cá nhân để sai phạm nối tiếp sai phạm. Có người vì không đủ bản lĩnh nên thấy sai phạm lại đẩy cho cấp dưới, không dám đối diện, nhận trách nhiệm trước những sai phạm đó.

Vì thế, vừa qua khi có những lãnh đạo đứng đầu ngành dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm khi trong lĩnh vực mình quản lý có thiếu sót, khuyết điểm tôi đánh giá rất cao. Nếu cán bộ đó dám nhận khuyết điểm và tìm ra cách khắc phục tồn tại, khuyết điểm đó thì chúng ta cũng nên có những cách làm để lan tỏa những điển hình như vậy".

Đề cập đến việc, tại sao số lượng cán bộ dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, nhận trách nhiệm với những thiếu sót trong ngành mình quản lý lại ngày càng "hiếm" như vậy, Phó Giáo sư Bùi Thị An giải thích: "Điều này, một phần là do trong công tác cán bộ, quá trình bổ nhiệm chúng ta vẫn còn nhiều bất cập.

Không thể phủ nhận, trong giai đoạn vừa qua, có rất nhiều nơi làm tốt trong công tác cán bộ, nhưng cũng có nơi làm chưa tốt. Qua đó cho thấy, chúng ta vẫn chưa thực sự chọn đúng người, đặt đúng vị trí trong bố trí cán bộ chủ chốt.

Một số cán bộ, không đủ năng lực, bản lĩnh chính trị vẫn tìm cách chạy chọt để ngồi vào bộ máy cơ quan nhà nước. Khi ấy, cán bộ đó luôn mang tâm lý giữ ghế của mình, làm thì sợ sai, nói sợ bắt bẻ nên cứ nằm im trong "tổ kén", không dám phấn đấu, đấu tranh cho quyền lợi chung của tập thể.

Cũng có một số cán bộ quá coi trọng thành tích, nên có sai sót trong ngành lại không có biện pháp khắc phục mà lại bao che cho cấp dưới, cổ súy những việc làm sai để bảo vệ thành tích của ngành".

Qua đó, Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng nêu lên một số góp ý để nhân rộng các trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm: "Đầu tiên vẫn là công tác thi đua khen thưởng phải bám sát và có đội ngũ đánh giá thực chất thành tích cán bộ. Cụ thể, nếu có cán bộ đầu ngành dám đứng lên nhận trách nhiệm, sau đó có biện pháp để khắc phục những sai sót, yếu kém và đưa ngành đó phát triển thì cũng cần có phương án khen thưởng, biểu dương.

Việc khen thưởng này cũng cần để cho các địa phương khác biết, cán bộ đầu ngành của lĩnh vực khác biết để họ làm theo. Tuy nhiên, thưởng phạt cũng cần rõ ràng, nếu phát hiện cán bộ làm sai nhưng cố che dấu cái sai, sau đó để sai phạm diễn ra nghiêm trọng thì cũng cần xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Ngoài ra, nếu cán bộ nhìn thấy khuyết điểm, dám nhận khuyết điểm nhưng không có cách khắc phục thì cơ quan quản lý cũng cần có hướng dẫn, hỗ trợ để họ hoàn thành trách nhiệm. Nhưng nếu cán bộ thấy sai, nhận khuyết điểm xong rồi để đó thì cũng cần phải có những phương án xử lý thích hợp".

Trung Dũng