Nếu hàng không chậm phát triển, nhiều người dân cả đời không được đi máy bay

08/12/2016 06:12
Mai Anh
(GDVN) - Trong năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 228 nghìn chuyến bay và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Tỷ lệ chậm chuyến giảm

Báo cáo của Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy, trong số gần 38.500 chuyến bay bị chậm, hủy, có 36.844 chuyến bay bị chậm, chiếm 16% và 1.605 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,7%.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay thực hiện, nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều. 

Trong năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 228 nghìn chuyến bay trong đó hơn 38 nghìn chuyến bay bị chậm hủy. - ảnh nguồn Kiến thức
Trong năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 228 nghìn chuyến bay trong đó hơn 38 nghìn chuyến bay bị chậm hủy. - ảnh nguồn Kiến thức

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2015, số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không Việt Nam tăng xấp xỉ 37 nghìn chuyến, tương ứng với 19% chuyến bay thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 0,8%.

Điều này cho thấy các hãng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong số các hãng hàng không đang hoạt động, trong 11 tháng qua, Vietjet Air là hãng hàng không giảm mạnh nhất tỷ lệ chậm, hủy chuyến.

Theo báo cáo tổng kết so với cùng kỳ 2015 chất lượng dịch vụ hàng không trong 11 tháng đầu năm 2016, Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến 16,1%, tăng 2 điểm so với cùng kỳ, tỷ lệ chậm chuyến của Vietjet Air là 16,4% giảm 1,1 điểm.

Jetstar Pacific có tỷ lệ chậm chuyến ở mức cao, lên tới 19,5%.

Vasco có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất, chỉ 4,7% nhưng lại đứng đầu về tỷ lệ hủy chuyến.

Theo đó, tỷ lệ hủy chuyến của hãng này là 1,4%, Jetstar Pacific đứng thứ 3 với 1,3%, Vietnam Airlines và Vietjet có tỷ lệ hủy lần lượt là 0,7% và 0,3%.

Tỷ lệ chậm, hủy chuyến giữa các hãng hàng không - ảnh chụp màn hình.
Tỷ lệ chậm, hủy chuyến giữa các hãng hàng không - ảnh chụp màn hình.

Theo Cục Hàng không Việt Nam nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 17,1% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp. 

Tuy nhiên, so với năm 2015, nguyên nhân này đã giảm 2,9 điểm mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng cao. Nguyên nhân do trang thiếtbị, hạ tầng cảng hàng không đứng thứ 2, chiếm 6% tổng số chuyến bay muộn và tăng 0,7 điểm so cùng kỳ 2015. 

Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điều hành bay tại cảng hàng không xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, tới 12,7% trên tổng số chuyến bay chậm, tăng 5 điểm so cùng kỳ 2015.

Điều này có thể lý giải là do các tàu bay phải bay chờ tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vì mật độ cao.

Về tổng thể, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không, cảng hàng không chiếm hơn 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm chuyến dây chuyền cho các chuyến bay kế tiếp.  

Thống kê nguyên nhân chậm hủy chuyến - ảnh chụp màn hình
Thống kê nguyên nhân chậm hủy chuyến - ảnh chụp màn hình

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2016 các hãng hàng không đã tăng cường các biện pháp đảm bảo kỹ thuật tàu bay để hạn chế chậm, hủy chuyến vì lý do kỹ thuật; chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn cảng hàng không để xử lý các vấn đề liên quan đến khai thác; 

Thực hiện nghiêm trách nhiệm của nhà vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy; đẩy mạnh việc khảo sát, lấy ý kiến của hành khách về chất lượng dịch vụ và có các chương trình đào tạo về phục vụ hành khách, nâng cao tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên.

Trong đó Vietjet được bình chọn giải thưởng “Dịch vụ hàng không uy tín chất lượng” 2016 của Thời báo kinh tế Việt Nam và lọt Top 10 Thương hiệu Tiêu biểu Hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình truyền thông và tôn vinh “Thương hiệu tiêu biểu Hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương”.

Vietnam Airlines nhận chứng nhận đạt tiêu chuẩn hãng hàng không 4 sao của SkyTrax vào tháng 7/2016. 

Nếu hàng không chậm phát triển, nhiều người dân cả đời không được đi máy bay ảnh 4

"Không thể bắt ngành hàng không vừa phát triển vừa chờ các ngành vận tải khác"

Để giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của mình số điện thoại đường dây nóng (Hotline) để giải đáp các thắc mắc của hành khách các quy định hiện hành, giải quyết khiếu nại về chất lượng dịch vụ.

Bố trí nhân viên thông báo, nói lời xin lỗi hành khách và cung cấp các dịch vụ cần thiết trong trường hợp các chuyến bay bị trễ.

Tiếp tục thực hiện đúng số lượng tàu bay đỗ qua đêm đã được Cảng chấp thuận.

Góp phần phát triển kinh tế

Đánh giá về đóng góp của ngành hàng không trong sự phát triển kinh tế đất nước, TS.Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế nhận định: “Hàng không đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước đặc biệt là du lịch. Sự lớn mạnh các hãng hàng không tạo môi trường cạnh tranh giúp giảm giá vé, tăng chất lượng dịch vụ phục vụ tốt hơn người dân”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia kinh tế nhận định, ngành giao thông vận tải phát triển là yếu tố sống còn với kinh tế đất nước. Điều đáng mừng là trong các loại hình vận tải hiện nay thì hàng không đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ.

“Hàng không hiện đã không còn thế độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp hàng không tư nhân tham gia thị trường tạo sức cạnh tranh, từ đó giảm giá vé, tăng dịch vụ” PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay.

Theo PGS. Thọ trong khoảng 10 năm trở lại đây (2006-2016) ngành hàng không có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là hàng không khi có sự tham gia của hãng hàng không tư nhân. 

Với số lượng đường bay tăng, chất lượng tàu bay, nhà ga sân bay nâng lên trong khi giá vé giảm đi nên hàng không dần trở thành phương tiện được người dân lựa chọn nhiều nhất là khi xuất hiện hàng không giá rẻ.

Mai Anh