Nếu hiệu trưởng, hiệu phó thao giảng, dạy mẫu tốt cũng giúp tăng uy tín lãnh đạo

14/02/2023 06:38
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài công tác quản lý, lãnh đạo trường cũng phải là người giỏi công tác chuyên môn. Vì vậy, nếu có quy định về thao giảng, dạy mẫu cũng là bình thường

Hiện tại, chưa có quy định cụ thể về tiết thao giảng, dạy mẫu hàng năm với hiệu trưởng, hiệu phó trong các trường học bậc phổ thông. Có ý kiến cho rằng, hiệu trưởng, hiệu phó cũng cần thực hiện công tác chuyên môn như dạy mẫu, dạy minh họa thì mới có những định hướng về công tác giảng dạy trong nhà trường một cách sát sao, chính xác thay vì chỉ tập trung vào công tác chỉ đạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ quan điểm:

"Nếu có quy định hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải có giờ dạy mẫu để giáo viên trong trường học hỏi theo là việc hợp lý. Bởi đối với bậc phổ thông thì các lãnh đạo phải là người giỏi về chuyên môn thì mới nắm bắt được chuyên môn của giáo viên nhà trường giảng dạy thế nào.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Bên cạnh đó, tùy theo yêu cầu, cũng như căn cứ vào tình hình của mỗi trường thì một năm, hiệu trưởng, hiệu phó nên thực hiện khoảng 1 đến 2 tiết thao giảng tùy theo bộ môn của mình.

Khi tổ chức, có thể mời tất cả giáo viên của trường đến quan sát, theo dõi và đóng góp ý kiến để việc đào tạo trong nhà trường được phát triển tốt hơn".

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến:

“Việc hiệu trưởng, hiệu phó tham gia vào công tác thao giảng, dạy mẫu là chuyện hết sức bình thường. Dù hiện tại không có quy định nào bắt buộc nhưng tại Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thì chúng tôi không những tham gia vào công tác thao giảng mà còn tham gia cả bồi dưỡng học sinh giỏi.

Hơn nữa, khi có những đợt tập huấn về chương trình đào tạo thì tất cả mọi người từ cán bộ quản lý đến giáo viên nhà trường đều phải tham gia đầy đủ theo quy định”.

Thầy Chương cũng nhấn mạnh, nếu nói một lãnh đạo nhà trường có chuyên môn không giỏi nhưng vẫn có thể làm quản lý tốt là không đúng. Bởi trong môi trường giáo dục, hai trọng trách này phải song hành với nhau.

“Chúng ta không đánh đồng khái niệm giữa quản lý và chuyên môn nhưng đặc thù của nghề giáo là liên quan đến dạy học, do đó, hiệu trưởng, hiệu phó không những phải thực hiện tốt công tác quản lý mà còn phải vững về chuyên môn; phải nhiệt tình, hăng hái trong công tác giảng dạy, hướng dẫn những giáo viên khác.

Bản thân hiệu trưởng, hiệu phó là những người nhiều kinh nghiệm, đã từng có quá trình dài làm giáo viên, tổ trưởng chuyên môn rồi mới lên cán bộ quản lý. Khi có một chuyên đề hay, hiệu trưởng, hiệu phó dạy mẫu cho thầy cô học hỏi, góp ý hoàn toàn là việc nên làm”, thầy Chương nói thêm.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, mặc dù những tiết thao giảng này hiện tại vẫn đang dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng tùy từng thời điểm, ví dụ trong đợt phát động phong trào dạy tốt toàn trường, để sôi nổi, nâng cao tinh thần giảng dạy của giáo viên thì hiệu trưởng, hiệu phó nên thực hiện thao giảng, dạy mẫu để làm gương cho mọi người.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định hiệu trưởng, hiệu phó các cấp phổ thông phải tham gia thao giảng, dạy mẫu thì theo tôi đó là việc tốt. Bởi cơ sở giáo dục nào có hiệu trưởng, hiệu phó vừa giỏi quản lý, vừa nắm vững chuyên môn thì trường đó đều rất phát triển và đào tạo ra được lớp người học chất lượng.

Theo ông Trực, việc lãnh đạo nhà trường thực hiện dạy mẫu không hề khó. Trong một học kỳ, cán bộ quản lý nhà trường nên thao giảng khoảng một tiết về bộ môn của mình để vừa giúp chuyên môn của bản thân thêm vững chắc, đồng thời cũng hỗ trợ công tác quản lý nhà trường được tốt hơn. Nếu hiệu trưởng, hiệu phó mà dạy giỏi thì giáo viên rất nể phục và lấy đó làm gương.

Tại huyện Châu Đức, khi có tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo của ngành giáo dục thì tất cả hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên của các trường trên địa bàn đều phải tham gia. Trong đó, một số thầy cô sẽ tham gia tập huấn trực tiếp, còn lại là tập huấn online. Sau khi tập huấn về, cũng có nhiều hiệu trưởng, hiệu phó thực hiện thao giảng để hướng dẫn các giáo viên trong trường.

“Khác với trước kia, yêu cầu với tuyển hiệu trưởng, hiệu phó phải từng là giáo viên giỏi, thì hiện tại, yêu cầu khi thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó không có tiêu chí này nữa mà chỉ cần các tiêu chí: quản lý tốt, là Đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm, có các chứng chỉ, văn bằng liên quan, thời gian công tác trong ngành giáo dục đảm bảo quy định... là có thể tham gia thi tuyển chức danh vị trí lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Vì vậy công tác chuyên môn của ban giám hiệu hiện nay còn nhiều điểm cần phải bàn thêm”, ông Trực nói.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cũng cho hay, thực tế hiện nay, tổ trưởng tổ chuyên môn thường nắm sâu và vững về công tác chuyên môn, nên trong những tiết thao giảng, nhà trường thường sắp xếp cho những giáo viên này lên dạy cũng là điều dễ hiểu và hợp lý.

Tiết thao giảng thường được các trường tổ chức thành các chuyên đề và chọn một số giáo viên có năng lực thực sự để tham gia giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường.

Khánh An