Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Bỏ kì thi tốt nghiệp

14/06/2012 16:03
Mai Hằng
(GDVN) - Chúng ta nên bỏ kì thi tốt nghiệp PTTH mà thay vào đó là xét tốt nghiệp.

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin cập nhật về vụ việc gian lận trong thi cử tại kì thi tốt nghiệp PTTH tại Bắc giang. Đây là 1 vụ gian lận điển hình được đưa ra ánh sáng, nhưng đằng sau đó còn bao nhiêu vụ gian lận trong “bóng tối” mà ít ai có thể biết được.

Trước hết ta cần hiểu được gian lận là việc làm sai trái của bản thân như muốn có điểm cao, không muốn mình bị tụt hạng hay không muốn làm ba mẹ thất vọng… Chính những điều đó đã tạo cho các bạn áp lực và sẽ bất chấp mọi thứ để có được nó. Hành động này dần dần tạo cho chúng ta một thói quen dựa dẫm người khác và biến mình thành kẻ lười biếng.

Gian lận trong thi cử dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục, đây là 1 vấn đề lớn liên quan đến nhiều cá nhân và tập thể. Chất lượng giảng dạy là 1 phần trong giáo dục của ngôi trường, nhưng danh tiếng mà trường có còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, từ học sinh đến giáo viên đến những người làm trong công tác quản lí giáo dục đều “phấn đấu” để ngôi trường trở thành nổi tiếng nhất có thể: Tỉ lệ học sinh đạt loại khá giỏi, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao…

Thực trạng đáng buồn là những địa phương với chất lượng giảng dạy, học tập kém nhưng lại muốn có bằng khen, sự tuyên dương từ cấp cao hơn về thành tích dạy tốt-học giỏi. Và nếu quả thực tình trạng này vẫn còn tồn tại thì liệu cuộc vận động “Hai không” ra đời năm 2006 và tồn tại đến nay đã 7 năm có tác dụng gì, hay chỉ là hình thức mà thôi?!

Cũng đã có nhiều cá nhân dám đứng lên chống tiêu cực trong thi cử nhưng lại không được khen thưởng xứng đáng mà ngược lại bị trù dập, như thầy Đỗ Việt Khoa vì đứng lên chống tiêu cực mà bị đình chỉ công tác, em học sinh quay clip thì bị dư luận ném đá, gây sức ép…

Gian lận trong thi cử có mối liên hệ từ trong ra ngoài với nhau, vì vậy muốn chống tiêu cực thì phải lưu ý từ những cái nhỏ nhất. Đầu tiên, hãy đảm bảo nghiêm túc trong khâu coi thi, tổ chức thi nghiêm túc như các kỳ thi đại học, hay ít ra cũng gần như thế. Bởi lẽ, trong tất cả các kỳ thi hiện nay, có lẽ, kỳ thi tuyển sinh đại học là nghiêm túc nhất. Còn kì thi tốt nghiệp là vì các trường muốn chạy thành tích nên muốn học sinh mình ai cũng “giỏi toàn diện”. Muốn coi thi nghiêm túc thì phải có những người chỉ đạo thi, và tham gia coi thi, giám sát coi thi nghiêm túc. Ở những nơi mà tổ chức thi không có điều đó, sẽ giống như vụ việc ở Hà Tây do thầy Đỗ Việt Khoa quay lại được.

Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi sẽ đề xuất bỏ kì thi tốt nghiệp PTTH mà thay vào đó là xét tốt nghiệp, vì tốn kém nhưng không hiệu quả, không đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh; nảy sinh nhiều tiêu cực, kể cả tiêu cực trong các khoản thu của học sinh để lo cho hội đồng coi thi. Làm tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 nhằm thực hiện phân hóa lần một, đồng thời làm tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nhằm thực hiện phân hóa lần hai gồm học sinh học cao đẳng, đại học và học sinh học nghề và lấy kết quả đó để đánh giá chất lượng các trường THPT.

Trong các kì thi nên lắp camera theo dõi thì sẽ không gian lận được, kể cả thí sinh và giám thị muốn dung túng.

Ngoài ra, đối với những cá nhân tập thể có thành tích thì phải được khen thưởng xứng đáng, vi phạm thì phải trừng trị nghiêm khắc, có văn bản cụ thể xuống các trường PTTH thì mới đủ sức răn đe và khuyến khích đứng lên chống gian lận.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (11-20/6): Tiêu cực trong thi cử

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Mai Hằng