Bạo lực học đường: Phần nhiều do định hướng giáo dục

06/05/2012 14:37
Tường Kim Oanh
(GDVN) - Bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối mà nguyên nhân sâu xa phần nhiều là do định hướng giáo dục.

GIÁO DỤC TRONG NHÀ TRƯỜNG

Trường học vốn được coi là ngôi nhà thứ hai của trẻ. Kể từ khi trẻ học mẫu giáo cho tới lúc tốt nghiệp cấp ba hoặc đại học, phần lớn thời gian của trẻ là ở trường học. Vì thế, định hướng giáo dục trong các trường học đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, nhân cách cho trẻ.

Tuy nhiên, ở nước ta, hiện tượng “đọc – chép” vẫn còn xảy ra phổ biến trong đại đa số các trường. Chính việc học không sáng tạo này đã phần nào đẩy các em đến tình trạng chán học, tìm niềm vui trong vui chơi giải trí nhiều hơn, từ đó dễ sa đà vào các thói hư tật xấu, các tệ nạn trong xã hội. Thiết nghĩ trường học với một mớ lý thuyết dày cộp, xa rời thực tế tựa như chiếc áo cũ cần phải giặt giũ thật sạch, ướp hương sáng tạo, gần gũi với đời thực sẽ ít nhiều định hướng suy nghĩ đúng đắn cho trẻ, tạo cho trẻ một đam mê mới với cách học tập hăng say, sáng tạo sẽ góp phần giúp các em tránh xa những thói hư tật xấu trong xã hội.

Trường học không chỉ là nơi trẻ được bồi dưỡng về tri thức mà còn là nơi trẻ được học hỏi nhiều điều mới mẻ của cuộc sống vốn không có trong sách vở. Vì vậy nếu được định hướng giáo dục đồng bộ thì trẻ sẽ học hỏi điều hay lẽ phải lẫn nhau, giúp đỡ và sẻ chia cho nhau, tránh xa bạo lực và hướng đến cái Chân, cái Thiện. Thầy cô cũng như những người bố, người mẹ thứ hai của các em. Ngoài việc dạy dỗ kiến thức cho trẻ, thầy cô nên quan tâm nhiều hơn đến suy nghĩ, hành xử của trẻ nhất là ở giai đoạn các em bước vào tuổi dậy thì, để có những lời khuyên bổ ích, những biện pháp đúng đắn, kịp thời.

GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH

Gia đình là nơi trẻ được tiếp xúc đầu tiên, mọi điều tốt đẹp hay xấu xa cũng được trẻ ghi nhận lại vào trong não bộ, và lối suy nghĩ, hành xử của trẻ cũng được hình thành từ đó. Vậy nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không mấy quan tâm đến việc sẽ định hướng giáo dục con em mình như thế nào, mà lại để đến khi trong trẻ đã hình thành lối tư duy, suy nghĩ lệch lạc rồi mới định hướng. Lúc ấy, việc giáo dục con trẻ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trẻ em giống như một tờ giấy trắng tinh. Những gì được viết lên trang giấy ấy là những gì trẻ học được từ môi trường xung quanh. Ở đây tôi không nói đến những điều tốt đẹp trẻ ghi nhận được từ người lớn. Nhưng nếu những gì trẻ nhìn thấy và nghe được mỗi ngày lại là những điều dối trá, xấu xa, vô trách nhiệm mà người lớn dù vô tình hay cố ý thì trang giấy trắng ấy sẽ là một trang giấy ngặt một màu đen ghê sợ. Điều đó thật đáng lên án và những bậc làm cha làm mẹ cần phải suy nghĩ lại để có những trang giấy sạch sẽ, trong sáng và tinh tươm.

Và không có gì đáng bàn cãi nếu trẻ được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng sẽ ra sao khi trẻ lại sinh ra trong một gia đình mà ở đó từ lời nói đến hành động đều có dấu ấn bạo lực? Từng ngày, từng ngày, những lời nói, hành động ấy sẽ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ, và nếu như chưa được định hướng giáo dục thì việc trẻ “đem” bạo lực tới trường là điều không thể tránh khỏi, rồi khi lớn lên trẻ sẽ là bản sao từ bố mẹ chúng, rồi bạo lực lại nối tiếp bạo lực. Thế mới hay, định hướng giáo dục cho trẻ là điều cần làm, và phải làm ngay tức thì!

GIÁO DỤC TRONG XÃ HỘI

Xã hội cũng đóng một phần rất quan trọng trong việc giáo dục con trẻ. Một xã hội văn minh, lịch sự sẽ là môi trường hoàn hảo để trẻ phát triển. Nhưng một xã hội mà đầy rẫy những tệ nạn thì trẻ liệu có đủ bản lĩnh và tự tin đối mặt, liệu có thể phân biệt phải trái đúng sai, biết cái gì nên và cái gì không nên nếu như không được định hướng giáo dục từ trước đó?

Xã hội cần nhiều hơn những trung tâm, đoàn thể, những hoạt động giáo dục cộng đồng để kết nối với trẻ, để từ đó trẻ được học hỏi nhiều hơn, giúp trẻ tự định hướng suy nghĩ bản thân. Mặt khác, mỗi vùng miền cần phải lập ra những cơ quan lập pháp, những tổ chức đại diện bảo vệ cho quyền trẻ em, tuyên truyền, phổ biến rông rãi đến các em để nếu như trẻ không may vướng phải bạo lực học đường thì sẽ được những cơ quan, tổ chức này giúp đỡ và giải quyết kịp thời.

Cuối cùng, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để việc định hướng giáo dục cho trẻ được hoàn thiện hơn, góp phần đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (30/4- 6/5): Bạo lực học đường

 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây


Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Tường Kim Oanh