Ngân hàng Sài Gòn được tiếp quản thế nào sau ngày 30/4?

01/05/2013 09:34
Theo Thời báo ngân hàng
Ngày 6/6/1975 Hội đồng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam đã ra Nghị định số 04/PCT-75 thành lập NHQG Việt Nam.
Chủ động nên tiếp quản thành công Theo lời kể của ông Lữ Minh Châu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Tổng giám đốc NHNN Việt Nam; nguyên Trưởng Ban Quân quản Ngân hàng Sài Gòn – Gia Định, Giám đốc Ngân hàng Quốc gia (NHQG) Sài Gòn – Gia Định từ 30/4/1975 (xin gọi là bác Ba Châu), ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột đầu tháng 3/1975, bác đã được Trung ương Cục gọi ra căn cứ.
Ông Lữ Minh Châu
Ông Lữ Minh Châu
Nguyên hồi ấy bác đang hoạt động nội thành, với trọng trách Phó Ban Tài chính đặc biệt trong vỏ bọc là cán bộ một ngân hàng ngụy quyền Sài Gòn. Chính Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã giao nhiệm vụ cho bác bí mật nắm chắc hệ thống ngân hàng ngụy quyền Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt là NHQG, bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý… để đón quân giải phóng vào chốt giữ. Cuối buổi làm việc, ông Phạm Hùng động viên: “Thường vụ Trung ương Cục đã cân nhắc kỹ trước khi giao thêm nhiệm vụ này cho đồng chí. Báo để đồng chí biết, Đảng quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sớm hơn dự định. Các đồng chí hãy cố gắng lên, thời cơ đang đến rồi”. Trở vào Sài Gòn, Ban Tài chính đặc biệt ráo riết thực hiện nhiệm vụ được giao. Phấn khởi lắm, vì suốt từ đó tin chiến thắng cứ dồn dập dội về. Bác Ba cho biết, từ năm 1970, bác đã phải vào Sài Gòn để tổ chức lại mạng lưới tài chính bí mật của Trung ương Cục. Lần ấy, ông Phạm Hùng cũng trực tiếp giao nhiệm vụ cho bác. Đó là “phải tìm mọi cách xâm nhập vào NHQG ngụy quyền để, một là cắm sâu, leo cao, trở thành một quan chức trong ngành Ngân hàng ngụy; hai là bằng vỏ bọc công khai hợp pháp, tổ chức lại đường dây tài chính của Ban Tài chính đặc biệt đã bị đứt trước đó; ba là sẵn sàng cho một kế hoạch lâu dài hơn, là khi cần có thể tham gia vào Chính phủ Liên hiệp, để tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc”... Nhưng giờ đã là lúc ta chuẩn bị cho tiếp quản Sài Gòn rồi… Và chiều 30/4/1975, tại ngã tư Bảy Hiền, bác Ba Châu đã đón được đoàn quân vào tiếp quản. Do đã chủ động chuẩn bị trước, nên mọi việc được hoàn thành rất tốt. Ban Quân quản Ngân hàng Sài Gòn – Gia Định, mà bác Ba Châu được giao trọng trách Trưởng Ban, đã tổ chức hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là việc nắm giữ bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý, sổ sách chứng từ… tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng hoạt động lại ngay sau đó.Linh hoạt nên vận hành hiệu quả Bác Ba Châu cho biết, nguyên tắc của Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CPCMLT) Cộng hòa miền Nam lúc đó là quốc hữu hóa tài sản của chính quyền ngụy, nhưng bảo đảm quyền sở hữu chính đáng của nhân dân. Vì thế ngân hàng phải nhanh chóng hoạt động trở lại để ổn định đời sống và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, đặc biệt thiết thực là việc thanh toán tiền gửi của khách hàng, nhất là tiền gửi của các tổ chức ngoại giao.
Trụ sở NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
Trụ sở NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
Vì thế, ngay sáng 1/5/1975, Ban Quân quản ngân hàng đã triệu tập cán bộ nhân viên ngân hàng cũ họp hội nghị quán triệt “Chính sách 10 điểm” của CPCMLT. Mục đích là sử dụng lại lực lượng này, để vận hành hệ thống ngân hàng cũ hoạt động theo chủ trương nhiệm vụ mới. Vì ngân hàng là một chuyên ngành hoạt động mang tính đặc thù, nhưng lúc đó ta chưa đủ lực lượng chuyên nghiệp. Hội nghị thành công, cán bộ nhân viên ngân hàng cũ hăng hái đến công sở của mình làm việc dưới sự giám sát của cán bộ Ban Quân quản ngân hàng. Nhờ đó mà chỉ đến ngày 9/5/1975, ngân hàng đã hoạt động trở lại. Vì trong thời gian chuẩn bị đổi tiền mới, tiền cũ vẫn tạm thời được sử dụng. Và các hoạt động tiền gửi của nhân dân và tổ chức vẫn được diễn ra bình thường. Đến đây, việc quan trọng nhất là phải thành lập một ngân hàng mới của CPCMLT, để thực hiện quyền phát hành, quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng miền Nam vừa giải phóng, tiến tới ngân hàng thống nhất đất nước. Và ngày 6/6/1975 Hội đồng CPCMLT CHMN đã ra Nghị định số 04/PCT-75 thành lập NHQG Việt Nam. Nghị định cho thấy NHQG Việt Nam, tuy có tên giống như NHQG cũ, nhưng đó là công cụ của Đảng và Nhà nước, lập ra để thực hiện nhiệm vụ cải tạo và xây dựng kinh tế miền Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lịch sử đã chứng minh tính linh hoạt và đúng đắn của việc thành lập NHQG này. Cũng nhờ tên gọi đó, mà chẳng những ta đã sử dụng hiệu quả lực lượng cũ, vận hành tốt hệ thống ngân hàng mới, mà còn giành được vị thế mới trên trường quốc tế. Đó là chỉ đến tháng 9/1976 chúng ta đã trở thành thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Thời báo ngân hàng