Ngành CNTT đạt 100% chỉ tiêu, ngành Hải Dương học, Địa chất không tuyển được SV

24/02/2023 09:44
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, đã có 56.260 sinh viên ngành công nghệ thông tin làm thủ tục nhập học.

Sáng ngày 24/2/2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.

Tham dự phiên khai mạc và điều hành hội thảo có ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, và ông Lại Xuân Môn – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Đây là nơi hội đủ về kinh tế, tài chính, thị trường. Những nghiên cứu đóng góp có thể áp dụng được ngay cho sự phát triển của thành phố và đất nước. Tuy nhiên, các cơ chế và chính sách vẫn chưa thể quy tụ, kết nối và phát huy được các thế mạnh của thành phố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố có nhiều nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Các cơ chế, chính sách chủ yếu tập trung vào tiền lương, các điều kiện về ăn ở, đi lại. Thành phố hiện thu hút khoảng 20 tri thức, chuyên gia không chỉ các chuyên gia ở nước ngoài, ngoài thành phố và còn ngay cả chính trong thành phố ở tất cả mọi lĩnh vực, đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận các cơ chế, chính sách hiện nay vẫn chưa thực sự thu hút, động viên trí thức. Hiện thành phố đang giao các cơ quan chức năng trực thuộc nghiên cứu những cơ chế, chính sách mới, nhằm có thể tập hợp được đội ngũ trí thức trong và ngoài thành phố.

Thành phố coi đây như là một bài toán lớn, sẽ mời đội ngũ trong và ngoài thành phố để giải bài toán này. Các cơ chế đặt hàng, cơ chế giao nhiệm vụ cần được linh hoạt để thu hút được người tài.

Đồng thời, thành phố cũng sẽ có cơ chế, chính sách để động viên được đội ngũ hiện tại trong hệ thống chính trị tham gia sâu hơn vào các chương trình của thành phố.

Ngoài ra, thành phố cũng cần một cơ chế, chính sách được tháo gỡ từ trung ương, cơ chế để thu hút các chuyên gia từ bên ngoài nước nhất là đối với visa nhập cảnh, làm sao cho việc tham gia của họ thường xuyên, kịp thời và thuận lợi hơn.

Trình bày báo cáo tại phiên khai mạc, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh nhập học ngành Công nghệ thông tin liên tục tăng, từ 46.173 sinh viên năm 2019 lên 56.260 sinh viên năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu.

Phó Giáo sư Vũ Hải Quân phát biểu tại phiên khai mạc (ảnh: P.L)

Phó Giáo sư Vũ Hải Quân phát biểu tại phiên khai mạc (ảnh: P.L)

Trong khi đó, các ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống thì số lượng sinh viên nhập học chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt, có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được, như ngành Hải dương học, Địa chất. Tổng số sinh viên nhập học của nhóm ngành này chỉ đạt chưa đến 30% tổng số sinh viên nhập học.

Tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt 0,25% đến 0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6% đến 1%.

Khảo sát gần 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có 10,21% sinh viên xuất sắc, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước. Khảo sát cũng ghi nhận có khoảng 15,6% sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh muốn được làm việc cho các cơ quan Trung ương tại Hà Nội, trong khi tỷ lệ muốn ở lại Thành phố Hồ Chí Minh là 44,8%.

Việt Dũng