Ngành hot Logistics được đào tạo ra sao để đảm bảo chuẩn quốc tế?

08/04/2022 06:50
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại thành phố Hải Phòng, chỉ có duy nhất Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành Logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên một năm.

Chương trình đào tạo Logistics chuẩn quốc tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, trường hiện có 2 chương trình đào tạo Logistics: Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Kinh doanh quốc tế và Logistics (International Business and Logistics).

Trong đó, chương trình thứ 2 là chương trình tiên tiến, phát triển từ chương trình gốc của đối tác là Học viện Hàng hải California (Hoa Kỳ).

Chương trình được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh và có 25% số tín chỉ được giảng dạy bởi các giảng viên là giáo sư từ các trường Đại học tiên tiến trên thế giới.

Năm 2021, chương trình Kinh doanh quốc tế và Logistics đã nhận được chứng nhận kiểm định theo tiêu chuẩn của AUN (ASEAN University Network).

Cả hai chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận CDIO, cung cấp một cách toàn diện cho người học về kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng nhu cầu xã hội, được cập nhật, chỉnh sửa thường xuyên.

Sinh viên ngành Logistics Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được đào tạo theo chương trình xây dựng theo cách tiếp cận CDIO (Ảnh: Phạm Linh)

Sinh viên ngành Logistics Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được đào tạo theo chương trình xây dựng theo cách tiếp cận CDIO (Ảnh: Phạm Linh)

Trong 4 năm học tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, sinh viên có cơ hội thực tập 3 lần. Trong đó, đợt thực tập tốt nghiệp diễn ra trong thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có thể được tuyển dụng và thử việc ngay trong kỳ học cuối.

Nhà trường cũng có truyền thống kết nối doanh nghiệp chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển, kho bãi và logistics tạo điều kiện thực tập chất lượng cho sinh viên.

Về điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường hiện có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thực hành nghiệp vụ cho sinh viên, đảm bảo tính thực tiễn, học đi đôi với hành.

Nổi bật trong đó có “Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam” do Quỹ Hội nhập Nhật Bản – ASEAN tài trợ.

Trung tâm có kho hàng mô phỏng thực tế với diện tích kho 500 m2, được trang bị đầy đủ các hệ thống giá hàng, cao bản, xe nâng, băng chuyền, máy quét mã vạch, in mã vạch, phòng thực hành máy tính và thư viện sách chuyên ngành.

Đây là kho hàng dùng trong đào tạo hiện đại và quy mô nhất tại Việt Nam hiện nay.

Kho hàng mô phỏng thực tế hiện đại và quy mô nhất Việt Nam hiện nay (Ảnh: Phạm Linh)

Kho hàng mô phỏng thực tế hiện đại và quy mô nhất Việt Nam hiện nay (Ảnh: Phạm Linh)

Ngoài ra, trường còn có “Phòng mô phỏng khai thác cảng” cho phép sinh viên thực hành các quy trình nghiệp vụ, giao nhận thực tế diễn ra tại cảng biển.

Nhu cầu lao động ngành Logistics tăng theo từng năm

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, thông qua số liệu công bố trong Sách Trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) năm 2018 cho thấy, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng mạnh từng năm.

Cụ thể, nếu như trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam là 22.366 thì đến năm 2018, con số này tương ứng khoảng 30.971 doanh nghiệp (tăng 30%).

Trên cơ sở số liệu thống kê này có thể ước tính quy mô nhân lực trung bình tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khoảng 20 người/doanh nghiệp.

Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030 sẽ là khoảng 1,6 triệu người.

Nhu cầu lao động logistics cần đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng ở mức gần 600 ngàn người. Đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực logistics sẽ là 2,2 triệu người.

Nói riêng tại Hải Phòng, với vị trí là cảng cửa ngõ quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước, những năm gần đây, lượng hàng qua cảng của thành phố tăng nhanh chóng với tốc độ bình quân 15%/năm.

Hạ tầng cảng biển cũng không ngừng phát triển với các dự án cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn.

Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp vận tải, giao nhận, kho bãi, cảng biển,… là rất lớn.

Không chỉ vậy, Hải Phòng cũng là địa phương có sức hút với các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…

Việc mở rộng thêm các khu công nghiệp như dự án Tràng Duệ 3, nhu cầu nhân lực về xuất nhập khẩu, quản lý chuỗi cung ứng cũng sẽ là rất lớn trong tương lai gần.

Với nhu cầu về nhân lực rất lớn như vậy nhưng quy mô về đào tạo nhân lực logistics ở Việt Nam còn quá thấp.

Sinh viên thực tập tại Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong-Nhật Bản tại Việt Nam (Ảnh: Phạm Linh)

Sinh viên thực tập tại Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong-Nhật Bản tại Việt Nam (Ảnh: Phạm Linh)

Trên toàn quốc, hiện có 30 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành logistics với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 là khoảng 3.000.

Bên cạnh đó, có 32 trường cao đẳng có các chương trình đào tạo logistics và gần với logistics với quy mô hàng năm từ 800 đến 1.000 người học.

Tại thành phố Hải Phòng, chỉ có duy nhất Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành Logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên một năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương.

Nhu cầu nguồn nhân lực tăng theo từng năm, theo đó sinh viên chuyên ngành Logistics của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam không phải đứng trước nỗi lo về công việc sau khi tốt nghiệp.

Theo số liệu khảo sát của nhà trường, 90% sinh viên ngành Logistics có việc làm ngay trong 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, cựu sinh viên của trường cũng đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp Logistics hàng đầu trong và ngoài nước như: Kuehne + Nagel, Yusen Logistics, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Bee Logistics,…

Có những sinh viên lựa chọn làm tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước về vận tải, xuất nhập khẩu và logistics sau khi tốt nghiệp.

Phạm Linh