Nghi án "bôi trơn", Phó giám đốc Sông Hồng 36 bị buộc thôi việc

09/06/2014 08:34
Duy Phong
(GDVN) - Liên quan đến sai phạm tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, Tổng Công ty Sông Hồng cho biết đã buộc thôi việc đối với Phó giám đốc Sông Hồng 36.

“Cháy nhà ra mặt chuột”

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh, Tổng công ty CP Sông Hồng được chỉ định thầu thực hiện thi công gói thầu số 9 - Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk.

Quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về dự án này là: không có nhà thầu phụ - nếu có thì phải được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh trình Bộ GTVT (được phê duyệt) mới được quyền tham gia; nhà thầu phụ (được phê duyệt) chỉ được quyền tham gia không quá 30% tổng giá trị gói thầu…

Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh báo cáo.
Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh báo cáo.

Quy định là vậy nhưng Tổng Công ty CP Sông Hồng không báo cáo, rồi tự ý ủy quyền cho Công ty cổ phần Sông Hồng 36 (Sông Hồng 36) triển khai thi công dự án (gói thầu số 9).

Sông Hồng 36 lại không trực tiếp thực hiện mà ký các hợp đồng “hợp tác toàn diện” (thực chất là “bán thầu”) cho các công ty khác. Trong những doanh nghiệp được Sông Hồng 36 “bán thầu” là Công ty CP Đầu tư xây dựng Hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Tân Việt Bắc). Khi Công ty Tân Việt Bắc thực hiện được một phần “khối lượng” thì Sông Hồng lấy “khối lượng” này đi thanh toán với Ban quản lý Dự án Hồ Chí Minh mà không "đả động" gì đến quyền lợi của Công ty Tân Việt Bắc.

Khi quyền lợi kinh tế bị ảnh hưởng, Công ty Tân Việt Bắc liền có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Lúc này, mới “lộ mặt chuột” khi Sông Hồng 36 nhận tiền “bôi trơn” của Công ty Tân Việt Bắc với số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong số tiền “bôi trơn” này, Công ty Tân Việt Bắc tố đã đưa riêng cho ông Phạm Xuân Phương, Phó giám đốc Sông Hồng 36 số tiền 200 triệu đồng.

Không dừng lại ở việc “bôi trơn”, “bán thầu”, Sông Hồng 36 còn có dấu hiệu “lừa đảo”. Bởi, khi Tổng công ty CP Sông Hồng chưa giao dự án QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa cho Sông Hồng 36 nhưng công ty này đã mang đi “bán” cho Công ty Tân Việt Bắc.

Hình thức lừa đảo quá “tinh vi”?

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: “Thông tin Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh là hoàn toàn đúng. Khi tôi đi kiểm tra trên tuyến thì thấy anh em ở công trường toàn mặc quần áo Sông Hồng nên khó phát hiện ra. Ngày 01/4/2014, tôi nghi ngờ hiện tượng có nhà thầu phụ nên đã có văn bản gửi sang Tổng công ty CP Sông Hồng yêu cầu báo cáo. Đến ngày 04/4/2014, Tổng công ty CP Sông Hồng có văn bản cam kết ko có chuyện thầu phụ mà chỉ là hợp tác sử dụng nhân, vật lực. Nhưng rõ ràng Sông Hồng hoàn toàn sai rồi, ko có gì đáng bàn ở đây cả. Bộ GTVT không cấm thuê thầu phụ nhưng phải có báo cáo và được Bộ có văn bản chấp thuận”.

Khi làm việc với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, ông đã phát hiện ra dấu hiệu "thầu phụ" từ cuối tháng 3/2014.
Khi làm việc với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, ông đã phát hiện ra dấu hiệu "thầu phụ" từ cuối tháng 3/2014. 

Trả lời câu hỏi vì sao Bộ GTVT lại chọn 1 nhà thầu có nhiều yếu kém như Tổng công ty CP Sông Hồng, ông Huấn thừa nhận quy định chỉ định thầu hiện nay vẫn chưa chặt chẽ. “Khi lựa chọn Tổng công ty CP Sông Hồng thực hiện gói thầu số 9 là Bộ căn cứ năng lực kinh nghiệm, thi công và phải ký quỹ 10% giá trị gói thầu. Sông Hồng đáp ứng 02 tiêu chí trên nên chúng tôi trình Bộ GTVT phê duyệt”, ông Huấn cho biết.

Khi phóng viên thắc mắc việc, Công ty Tân Việt Bắc thi công trong thời gian dài nhưng với trách nhiệm kiểm tra, giám sát, Ban quản lý Dự án lại không biết có nhà thầu phụ, ông Huấn giải thích: “Hàng tháng chúng tôi đều đi kiểm tra. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm nhưng do hình thức của Sông Hồng 36 quá tinh vi, mãi đến cuối tháng 3 chúng tôi mới phát hiện ra”. Ông Huấn cũng cho biết, hiện Bộ Công an đang phối hợp với Bộ GTVT để làm rõ nội dung đơn tố cáo liên quan đến gói thầu số 09 dự án đường Hồ Chí Minh.

Làm việc với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Mai Văn Đông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Sông Hồng cho biết: “Do Công ty CP Sông Hồng 36 hoạt động yếu kém và nghèo, nên Tổng công ty mới giao việc cho làm ở gói thầu số 09 Dự án đường Hồ Chí Minh. Tổng công ty không hề biết Công ty 36 lại kêu gọi hợp tác từ bên ngoài. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rõ là cấm mời nhà thầu phụ rồi”.

Sau khi báo chí phản ánh và có đơn tố cáo, ông Đông cho biết đã thu hồi dự án và ban điều hành của Tổng công ty CP Sông Hồng trực tiếp chỉ đạo thi công.

Ông Đông cũng cho biết, do Sông Hồng 36 vi phạm quy chế quản lý khi để xảy ra kiện cáo, mất uy tín trong Tổng công ty nên Tổng công ty đã chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước thực hiện kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Phạm Xuân Phương, Phó giám đốc và kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sông Hồng 36.

Đối với Dự án Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, ông Đông khẳng định: “Tổng công ty còn chưa có ý định giao cho Sông Hồng 36. Khi chưa được giao mà mang đi hợp tác với người khác rõ ràng là đã có dấu hiệu lừa đảo”.

Đề nghị Bộ GTVT sớm có chỉ đạo làm rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức liên quan.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Duy Phong